Không nằm ngoài nhận định và dự báo của giới phân tích, bức tranh kết quả kinh quý III/2019 dần hé mở sẽ khiến thị trường trở nên phân hóa hơn. Mặc dù trong phiên sáng nay, số mã giảm vẫn chiếm áp đảo hơn nhưng sự hỗ trợ tích cực của một số mã lớn đã giúp thị trường hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp.
Sau diễn biến giằng co và thử thách thành công tại mốc 985 điểm trong phiên sáng, tâm lý hứng khởi tiếp tục tiến bước sang phiên chiều giúp thị trường nới rộng biên độ tăng. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh để giúp VN-Index bật cao, chỉ số này chỉ quanh quẩn trên mốc 985 điểm đến hết phiên giao dịch.
Chốt phiên, VN-Index tăng 3,63 điểm (+0,37%), lên 987,19 điểm với 151 mã tăng và 152 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 231,65 triệu đơn vị, giá trị 3.957,13 tỷ đồng, tăng 15,63% về khối lượng và giảm 4,42% về giá trị so với phiên đầu tuần (21/10). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 31 triệu đơn vị, giá trị 797,93 tỷ đồng.
Sau công bố kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt hơn 17.610 tỷ đồng, tăng 50,76% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 88% kế hoạch cả năm, cổ phiếu VCB đã bật tăng tích cực và kết phiên tại mức giá 85.400 đồng/CP, tăng 1,4%. Các mã lớn khác trong ngành cũng khởi sắc với BID tăng 1,8% lên mức cao nhất ngày 40.000 đồng/CP, CTG tăng 1,6% lên 21.600 đồng/CP, TCB, MBB, STB đều nhích nhẹ.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng duy trì đà tăng tốt như HPG tăng 1,9% lên 21.600 đồng/CP, SAB tăng 2,8% lên 251.900 đồng/CP, VJC tăng 2,8% lên 143.900 đồng/CP.
Cổ phiếu ROS có phiên thứ 2 lội ngược dòng thành công khi tăng nhẹ 0,4% và kết phiên tại mức 25.700 đồng/CP và tiếp tục giao dịch sôi động với gần 25,36 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trái lại, sau 4 phiên khởi sắc, cổ phiếu lớn VNM đảo chiều điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,8% xuống 132.500 đồng/CP, họ nhà Vin gồm VHM và VIC vẫn giảm nhẹ, MSN giảm 0,8% xuống 74.400 đồng/CP…
Cổ phiếu YEG cũng không thoát khỏi sắc xanh mắt mèo sau báo cáo quý III/2019 tiếp tục lỗ hơn 100 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ gần 230 tỷ đồng.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu thị trường, đặc biệt là họ nhà FLC bị chốt lời mạnh. ĐIển hình FLC dù mở cửa vẫn khoác áo tím với lượng dư mua trần lớn nhưng áp lực bán ồ ạt đã đẩy cổ phiếu này xuống mức giá sàn. Kết phiên, FLC nằm tại mức giá sàn 4.610 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh khủng, đạt hơn 46,84 triệu đơn vị và dư bán sàn 359.590 đơn vị.
HAI và AMD cũng bị đẩy từ mức giá trần xuống dưới mốc tham chiếu với mức giảm tương ứng 4,74% và 0,6%, xuống 1.810 đồng/CP và 1.680 đồng/CP.
Trong khi đó, một số mã khác như HVG, HSG, TSC, CLG, CCL tăng trần và cùng dư mua trần khá lớn.
Trên sàn HNX, sau diễn biến giằng co và liên tục đổi sắc trong phiên sáng, lực cầu gia tăng mạnh trong phiên chiều đã giúp HNX-Index nới rộng đà tăng điểm.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,48 điểm (+0,47%), lên 104,49 điểm với 43 mã tăng và 36 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 25,49 triệu đơn vị, giá trị hơn 278 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 8,25 triệu đơn vị, giá trị 134,72 tỷ đồng.
Các mã bluechip hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như ACB tăng 0,5% lên 23.500 đồng/CP, DGC tăng 0,8% lên 25.900 đồng/CP, CEO tăng 1,1% lên 9.600 đồng/CP, PVI tăng 2,5% lên 33.200 đồng/CP, SHB tăng 1,5% lên 6.600 đồng/CP, VCS tăng 3,3% lên 88.500 đồng/CP…
Trái lại, TNG có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, với mức giảm 1,8% xuống 16.100 đồng/CP, PVS giảm 2,2% xuống mức thấp nhất ngày 18.000 đồng/CP, SLS giảm 1,2% xuống 48.400 đồng/CP…
Cặp đôi cổ phiếu nhà FLC có biến động trái chiều. Trong khi ART vẫn giữ được đà tăng và kết phiên tại 2.300 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu sàn HNX, đạt gần 4,1 triệu đơn vị; thì KLF quay đầu giảm sàn xuống mức 1.300 đồng/CP và khớp 3,84 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch biến động giằng co trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,32%), lên 56,78 điểm với 27 mã tăng và 24 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,27 triệu đơn vị, giá trị 123,37 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,23 triệu đơn vị, giá trị 28,33 tỷ đồng.
BSR giữ mức giá tham chiếu 9.500 đồng/CP dù chịu áp lực bán của khối ngoại khá lớn với khối lượng bán ròng gần 0,71 triệu đơn vị, thanh khoản của BSR dẫn đầu thị trường với hơn 2 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Đứng ở vị trí thứ 2, C71 đạt 980.800 đơn vị được giao dịch và kết phiên đứng tại mức giá 8.000 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tăng và 1 hợp đồng giảm, trong đó VN30F1911 đáo hạn 21/11/2019 tăng 0,12% lên 919,2 điểm dẫn đầu thanh khoản với 45.364 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 15.500 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền cũng diễn ra phân hóa với 9 mã giảm, 10 mã tăng và 3 mã đứng giá. Trong đó, CMSN1901 là mã có thanh khoản tốt nhất với 39.689 đơn vị được khớp, đóng cửa giảm 10,42% xuống 430 đồng/CQ. Trong đó, khối ngoại bán ròng 14.752 đơn vị.
Tiếp đó, CSTB1901 với 30.521 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,18% lên 1.620 đồng/CQ.