Sau ít phút ngập ngừng đầu phiên, dòng tiền chảy mạnh lan tỏa thị trường đã giúp VN-Index tiến bước và chinh phục thành công mốc 990 điểm trong phiên giao dịch sáng 21/8.
Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý nhà đầu tư hưng phấn tiếp tục dẫn lối đưa VN-Index qua mức 995 điểm sau gần 50 phút giao dịch. Tuy nhiên, thị trường có chút “hụt hẫng” về cuối phiên do bước vào vùng thử thách mạnh 990-1.000 điểm.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ chính cho thị trường, đáng kể là cặp đôi lớn VCB và BID. Cụ thể, với mã đầu ngành VCB lập đỉnh mới tại mức 80.000 đồng/CP, tăng 4%, còn BID cũng được kéo lên cao với mức tăng 2,9% và kết phiên tại mức giá 37.850 đồng/CP. Ngoài ra, các mã CTG, TCB, MBB, HDB, VPB cũng đóng cửa trên mốc tham chiếu.
Đây cũng là nhóm hút mạnh dòng tiền với các mã đều có khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị. Trong đó, MBB dẫn đầu ngành với 6,15 triệu đơn vị được khớp lệnh, tiếp theo là CTG khớp hơn 4,6 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng giao dịch khởi sắc với GAS tăng 2,1% lên 105.200 đồng/CP, PVD được kéo kịch trần 17.450 đồng/CP, tăng 6,7% với khối lượng khớp lệnh gần 7 triệu đơn vị và dư mua trần 1,22 triệu đơn vị.
Bộ 3 nhà Vin cũng góp công giữ đà tăng mạnh của thị trường, cụ thể VIC tăng 1,2% lên 122.400 đồng/CP, VHM tăng 0,7% lên 87.300 đồng/CP, VRE tăng 0,8% lên 35.900 đồng/CP.
Trái lại, “ông lớn” VNM vẫn đóng vai trò lực cản, tuy nhiên đà giảm không quá lớn chỉ giảm 0,4% xuống 123.900 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, nhiều mã vừa và nhỏ chịu áp lực bán và kết phiên trong sắc đỏ như FLC, SCR, KBC, ITA… Đáng kể IJC đảo chiều giảm 6,7% xuống mức giá sàn 14.650 đồng/CP sau 2 phiên khởi sắc.
Đóng cửa, trên sàn HOSE, số mã giảm vẫn chiếm ưu thế với 164 mã giảm và 138 mã tăng, chỉ số VN-Index tăng 9,71 điểm (+0,99%) lên 994,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 201,56 triệu đơn vị, giá trị 5.077,5 tỷ đồng, tăng 13,24% về lượng và 21,43% về giá trị so với phiên hôm qua (20/8).
Giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 55,33 triệu đơn vị, giá trị 1.784,81 tỷ đồng, trong đó, VJC thỏa thuận 1,9 triệu đơn vị, giá trị 248,62 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 5,76 triệu đơn vị, giá trị 112,47 tỷ đồng; ROS thỏa thuận 10,15 triệu đơn vị, giá trị hơn 277 tỷ đồng, CMG thỏa thuận gần 5 triệu đơn vị, giá trị gần 200 tỷ đồng...
Trên sàn HNX, giao dịch khá giằng co và HNX-Index may mắn giữ lấy lại đà tăng về cuối phiên.
Đóng cửa, HNX-Index tăng nhẹ 0,04 điểm (+0,03%) lên 103,01 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 29,33 triệu đơn vị, giá trị 417,29 tỷ đồng, giảm 9,39% về lượng nhưng tăng 10,98% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 2,73 triệu đơn vị, giá trị 42,29 tỷ đồng.
Các cổ phiếu dầu khí trên sàn HNX cũng giao dịch khá khởi sắc với PVS tăng 2,9% lên 21.600 đồng/CP, PVB tăng 0,9% lên 21.500 đồng/CP, PVC tăng 4,1% lên 7.600 đồng/CP…
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác cũng giúp HNX hồi xanh thành công như VCG tăng 1,1% lên 26.600 đồng/CP, ACB tăng 0,5% lên 22.300 đồng/CP, DGC tăng 0,7% lên 28.600 đồng/CP…
Trái lại, VCS sau 2 phiên khởi sắc đã quay đầu đảo chiều giảm 1,1% xuống 88.800 đồng/CP.
Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp 5,23 triệu đơn vị, PVS khớp hơn 5 triệu đơn vị, ACB khớp 2,79 triệu đơn vị, PVX khớp 1,42 triệu đơn vị và ART khớp 1,26 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, đà tăng nhẹ được duy trì trong suốt cả phiên chiều.
Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,12 điểm (+0,2%) lên 57,84 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 10,38 triệu đơn vị, giá trị 239,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 4,3 triệu đơn vị, giá trị 60,4 tỷ đồng.
Cặp đôi GVR và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,35 triệu đơn vị và 1,28 triệu đơn vị. Đóng cửa, GVR giảm nhẹ % xuống 16.200 đồng/CP, còn BSR giữ mốc tham chiếu 9.500 đồng/CP.
Trong top 5 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường, đáng kể VEA có phiên đảo chiều sau 4 phiên giảm mạnh, với mức tăng 7% lên 52.000 đồng/CP, còn ACV giảm 1,8% xuống 81.800 đồng/CP, BCM giảm 0,6% xuống 33.200 đồng/CP, MCH giảm 1,3% xuống 84.000 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai VN30 đều tăng giá, trong đó VN30F1909 vẫn dẫn đầu thanh khoản với 82.587 hợp đồng được giao dịch thành công, khối lượng mở 19.257 hợp đồng.
Trong khi đó, cả 3 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.
Trên thị trường chứng quyền, có 6 mã giảm, 1 đứng giá và 9 mã tăng giá. Trong đó, CVNM1901 dẫn đầu về thanh khoản với 50.889 đơn vị được chuyển nhượng; tiếp theo là CMBB1901 với 28.396 đơn vị.