Trái với dự đoán của giới phân tích, áp lực trở lại khá mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 21/12 khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Cùng với số mã giảm luôn duy trì gấp hơn 2 lần số mã tăng, nhiều cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn cũng suy giảm đáng kể khiến VN-Index có thời điểm mất mốc 910 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 1 giờ giằng co quanh mốc 910 điểm, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường cân bằng hơn. Trên bảng điện tử, số mã tăng và giảm đã không còn chênh lệch nhiều, trong đó, nhiều mã trong nhóm Vn30 cũng lấy lại sắc xanh giúp thị trường bật ngược đi lên tiến sát mốc tham chiếu.
Tuy nhiên, áp lực bán thường trực với gánh nặng chính đến từ một số mã lớn như VNM, VHM, GAS và MSN khiến VN-Index tiếp tục bị thoái lui trong đợt khớp ATC.
Đóng cửa, sàn HOSE có 131 mã tăng và 144 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm 5,98 điểm (-0,65%) xuống 912,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 199,1 triệu đơn vị, giá trị 5.414,95 tỷ đồng, tăng 35,54% về lượng và 48,62% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận có đóng góp 67,89 triệu đơn vị, giá trị 2.332,85 tỷ đồng. Trong đó, TCB thỏa thuận 25,69 triệu đơn vị, giá trị 655,7 tỷ đồng; HDB thỏa thuận 7,45 triệu đơn vị, giá trị hơn 223 tỷ đồng; NVL thỏa thuận 3,64 triệu đơn vị, giá trị 236,7 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 6,45 triệu đơn vị, giá trị hơn 140 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30 cũng cân bằng hơn với 12 mã tăng và 13 mã giảm. Tuy nhiên, các trụ cột vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ và giảm khá sâu như VNM giảm 2,9% xuống 122.500 đồng/CP, VHM giảm 4,5% xuống 73.900 đồng/CP, GAS giảm 1,9% xuống 91.700 đồng/CP, MSN giảm 3% xuống 78.600 đồng/CP.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần tích cực hơn với VCB tiến gần hơn nữa với mốc tham chiếu khi chỉ còn giảm 1 bước giá, trong khi hầu hết còn lại đều khởi sắc với CTG tăng 3,2% lên 20.850 đồng/CP, VPB tăng 2% lên 20.700 đồng/CP, TCB tăng 0,2% lên 27.300 đồng/CP, BID, HDB cũng tăng nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bớt tiêu cực hơn khi nhiều mã như KBC, OGC, ITA, DIG, AMD… có được sắc xanh, hay FLC, QCG, PDR lấy lại mốc tham chiếu.
Trong đó, DLG tăng kịch trần sau thông tin Tổng giám đốc đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu và kết phiên tại mức giá 1.740 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 4,25 triệu đơn vị, dư mua trần 332.110 đơn vị.
Cổ phiếu GEX bất ngờ được giao dịch mạnh với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường đạt 10,17 triệu đơn vị và đóng cửa tại mốc tham chiếu 23.400 đồng/CP. Đây cũng là mã được nhà đầu tư ngoại giao dịch sôi động với khối lượng mua vài 7,58 triệu đơn vị và bán ra 6,45 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sự khởi sắc ở nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là các mã bất động sản và dầu khí đã giúp HNX-Index thu hẹp đà giảm đáng kể, tiến sát hơn tới mốc tham chiếu khi đóng cửa.
Cụ thể, HNX-Index giảm nhẹ 0,08 điểm (-0,08%) xuống 104,45 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 29,18 triệu đơn vị, giá trị 426,69 tỷ đồng, giảm 29,41% về lượng và 30,69% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đạt 7,69 triệu đơn vị, giá trị 96,1 tỷ đồng.
Các mã bluechip tăng tốt như VGC tăng 2,8% lên 18.400 đồng/CP, PVS tăng 1,1% lên 18.800 đồng/CP, PVI tăng 0,3% lên 32.500 đồng/Cp…, đáng kể VCG tiếp tục xác lập mức đỉnh trong 7 tháng qua, với mức tăng tăng 7,9% lên 26.000 đồng/Cp và thanh khoản dẫn đầu sàn HNX với 5,78 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cặp đôi lớn cổ phiếu ngân hàng vẫn giao dịch thiếu tích cực với SHB giảm 1,3% xuống 7.400 đồng/CP và khớp 3,68 triệu đơn vị và ACB giảm 0,7% xuống 29.400 đồng/CP và khớp 1,67 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, mặc dù giao dịch cũng lình xình đi ngang trong gần hết phiên giao dịch nhưng UPCoM-Index có phần may mắn ở sàn niêm yết khi có được sắc xanh trong những phút cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,01 điểm (+0,03%) lên 52,75 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 7,33 triệu đơn vị, giá trị hơn 153 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 14,49 triệu đơn vị, giá trị 208,94 tỷ đồng, trong đó GEG thỏa thuận 2,77 triệu đơn vị, giá trị 40,17 tỷ đồng; PHH thỏa thuận 6,29 triệu đơn vị, giá trị 85,51 tỷ đồng; TCI thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 30,9 tỷ đồng.
Cặp đôi cổ phiếu dầu khí BSR và POW vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn UPCoM với khối lượng giao dịch lần lượt 1,15 triệu đơn vị và 0,95 triệu đơn vị. Kết phiên, BSR đứng tại mức giá 14.400 đồng/CP, POW đứng tại mức 15.000 đồng/CP.