Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, diễn biến thận trọng sớm xuất hiện và VN-Index tiếp tục diễn biến giằng co với thanh khoản thấp trong thời gian đầu. Tuy nhiên, thị trường bắt đầu biến chuyển sau 1 giờ giao dịch với xuất phát điểm là nhóm cổ phiếu bluechips, khi hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 6. Trong đó, giao dịch nổi bật là các mã ngân hàng.
Việc nhóm cổ phiếu trụ đỡ chính này giao dịch tích cực đã lan tỏa ra nhiều nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như xăng dầu, chứng khoán, bất động sản - xây dựng, dệt may..., giúp VN-Index bật tăng. Khá đáng tiếc là VN-Index không giữ được mức tăng cao nhất khi áp lực bán tăng tại một số mã lớn trong những phút cuối phiên. Tuy vậy, việc tâm lý dè dặt được cởi bỏ giúp dòng tiền chảy vào thị trường hào hứng hơn, kéo thanh khoản lên cao.
Đóng cửa, với 184 mã tăng và 119 mã giảm, VN-Index tăng 9,49 điểm (+1%) lên 959,18 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 185,49 triệu đơn vị, giá trị 4.415 tỷ đồng, tăng gần 26% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 19/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khá đáng kể với 56,22 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.398 tỷ đồng.
Việc nhóm cổ phiếu bluechips đồng loạt tăng là động lực chính đẩy VN-Index. Rổ VN30 có tới 22 mã tăng, trong khi Top 30 mã vốn hóa lớn nhất cũng chỉ có 6 mã giảm. Tính riêng các nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng là nhóm tích cực nhất, cả về thanh khoản lẫn điểm số. Ngoại trừ EIB và TPB đứng giá, còn lại đều tăng như CTG +3,7% lên 21.000 đồng, VPB +3,5% lên 19.200 đồng, MBB +3,2% lên 21.300 đồng, TCB +2,5% lên 20.600 đồng, VCB +2,4% lên 71.500 đồng, BID +2% lên 32.050 đồng... CTG khớp 5,39 triệu đơn vị, VPB là 4,34 triệu đơn vị, TCB là 3,5 triệu đơn vị, các mã MBB,BID, HDB, STB khớp từ 1-3 triệu đơn vị.
Ngoài ngân hàng, nhóm xăng dầu cũng tăng tích cực phiên này nhờ thông tin tốt về giá dầu, trong đó GAS +1,1% lên 104.800 đồng, PLX +3,3% lên 63.500 đồng, nhưng POW lại giảm 1% về 15.500 đồng.
Tương tự là các cổ phiếu họ Vingroup, trong đó nổi bật là VRE với mức tăng 2,7% lên 34.900 đồng, khớp lệnh hơn 0,9 triệu đơn vị. VHM và VIC tăng nhẹ hơn, trong đó VHM thanh khoản cao, khớp lệnh 1,5 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh cũng chiếm ưu thế, giao dịch tích cực như AAA, PVD, FLC, ROS, PDR, SCR, DLG, KBC, ITA... Trong đó, ROS nổi bật khi dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với 12,17 triệu đơn vị khớp lệnh, quay đầu tăng lên mức cao nhất ngày 30.300 đồng.
Trên sàn HNX, sau phiên sáng giao dịch kém tích cực, chỉ số sàn này đã bật tăng trong phiên chiều dù khá giằng co, thanh khoản cũng tăng mạnh.
Đóng cửa, với 72 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 2,29 điểm (+1,24%) lên 105,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,4 triệu đơn vị, giá trị 372 tỷ đồng, tăng 52% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên 19/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn 2,9 triệu đơn vị, giá trị 38,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí, ngân hàng trên HNX cũng giao dịch tích cực và là lực đẩy chính cho chỉ số. Các mã dòng "P" hầu hết đều tăng, trong đó PVS +1.8% lên 23.000 đồng và khớp 3,83 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
Ở nhóm ngân hàng, ACB tăng tích cực nhất về điểm số với +2,4% lên 29.600 đồng, khớp lệnh 1,4 triệu đơn vị, trong khi thanh khoản tốt nhất thuộc về NVB với 2,46 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 1,2% lên 8.300 đồng. SHB +1,4% lên 7.100 đồng, khớp lệnh 1,89 triệu đơn vị.
VCG và HUT cũng nằm trong Top thanh khoản cao nhất, song chỉ đứng giá tham chiếu.
Trên UPCoM, diễn biến chung không nhiều tích cực, nhưng vẫn kết phiên trong sắc xanh khi "bắt" được nhịp tăng cuối phiên như 2 sàn niêm yết. Thanh khoản cao.
Đóng cửa, với 107 mã tăng và 77 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,53%) lên 55,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 13,8 triệu đơn vị, giá trị 269 tỷ đồng, tăng 44% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên 19/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,9 triệu đơn vị, giá trị 38,6 tỷ đồng.
Nhiều mã lớn tăng điểm như VGT, LPB, VIB, ACV, OIL, MPC..., song thanh khoản không quá mạnh. Trong khi 2 mã thanh khoản cao nhất sàn là BSR và GVR đều không tăng. BSR giảm nhẹ về 12.800 đồng, GVR đứng giá 13.500 đồng, khớp lệnh lần lượt 1,57 triệu và 1,05 triệu đơn vị.
Các mã lớn giảm điểm còn có QNS, VGI, MSR, VEA...