Tâm lý thận trọng sớm bao phủ lên thị trường khi hôm nay 19/9 là phiên đáo hạn của hợp động phái sinh tháng 9, trong khi phiên mai là kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ ETF.
Theo đó, diễn biến giao dịch diễn ra chậm, động lực tăng hạn chế khiến sắc xanh đầu phiên dần nhường chỗ sắc đỏ và đà giảm dần nới rộng thêm. VN-Index chỉ không giảm sâu nhờ một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán… còn duy trì đà tăng.
Tuy nhiên, diễn biến có phần tích cực hơn trong phiên chiều. Sức cầu dần cải thiện sau khi VN-Index tiếp tục lùi về ngưỡng 990 điểm, dù không mạnh. Trong khi đó, một trong những trụ đỡ chính là cổ phiếu ngân hàng tăng trở lại, góp phần giúp VN-Index vượt qua được tham chiếu trước khi đóng cửa.
Mặc dù VN-Index hồi phục về điểm số, nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư khiến tiền vào thị trường chỉ nhỏ giọt, dẫn đến điểm trừ về thanh khoản.
Đóng cửa, với 137 mã tăng và 151 mã giảm, VN-Index tăng 1,95 điểm (+0,2%) lên 997,1 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 187 triệu đơn vị, giá trị 3.902,1 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 18/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với 46,48 triệu đơn vị, giá trị 1.085 tỷ đồng.
Nhóm VN30 hay vốn hóa lớn phiên này phân hóa mạnh, sự không đồng thuận này là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới động lực tăng của thị trường. Dẫu vậy, VN-Index được “hậu thuẫn” bởi nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này ngoại trừ BID giảm điểm (-0,9%) còn lại đều tăng. Trong đó, STB tăng 3,4%, CTG và EIB cùng tăng trên 2%, các mã VCB, TCB, VPB, HDB đều tăng từ 1% trở lên. Đây cũng là nhóm hút mạnh dòng tiền khi đa phần khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị trở lên, trong đó STB khớp 8,1 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn HOSE.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Vingroup hay VNM, MSN, VJC, GAS, SAB, ROS… đều giảm điểm, tạo sức ép khá lớn lên chỉ số. ROS tiếp tục dẫn đầu về thanh khoản trên HOSE với hơn 19 đơn vị được sang tên, giảm 0,4% về 26.800 đồng.
Trong khi nhóm cổ phiếu lớn phân hóa mạnh, thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ lại khá đồng thuận, trong đó nhiều mã tăng tích cực khi cả về điểm số và thanh khoản như SSI, HCM, HBC, SCR, DXG, OGC, TCH, BCG…
Đáng chú ý, các mã ASM, IDI, NBB, SJF, TDG… tăng trần, trong đó ASM khớp lệnh 4,7 triệu đơn vị, IDI khớp 1,9 triệu đơn vị, bên bán trắng lệnh.
Ngược lại, các mã TLD, HSL, TSC, FTM… nằm sàn, trong đó FTM ghi nhận phiên sàn thứ 25 liên tiếp về 3.980 đồng và dư bán sàn 4,13 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số sàn này bất ngờ bật tăng kể từ cuối phiên sáng và đà tăng này được duy trì vững trong phiên chiều. Thanh khoản cũng tăng khá tích cực.
Đóng cửa, với 75 mã tăng và 69 mã giảm, HNX-Index tăng 1,75 điểm (+1,71%) lên 104,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,3 triệu đơn vị, giá trị 380 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên 18/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,26 triệu đơn vị, giá trị hơn 43 tỷ đồng.
Sự đồng thuận ở nhóm cổ phiếu lớn là nguyên nhân chính giúp HNX-Index khởi sắc trong phiên hôm nay, trong đó nổi bật là ACB +3,1%, SHB +4,8%, VCS +5,2%, MBS +2%, SHS +4,1%, PTI +3,3%... trong đó SHB khớp 5,68 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đó là ACB với 3,4 triệu đơn vị và MBS với 116 triệu đơn vị.
PVS là một trong số ít mã lớn giảm điểm với mức giảm 0,5%, khớp lệnh 1,56 triệu đơn vị, cũng là mã 1 trong 4 mã thanh khoản tốt nhất sàn.
Trên sàn UPCoM, diễn biến khá tương đồng với HOSE khi giao dịch khá chật vật trước khi hồi phục trong những thời điểm cuối phiên, thanh khoản giảm mạnh.
Đóng cửa, với 75 mã tăng và 75 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (+0,5%) lên 56,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,43 triệu đơn vị, giá trị 216 tỷ đồng, giảm 43% về khối lượng và 56% về giá trị so với phiên 18/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,3 triệu đơn vị, giá trị 60,4 tỷ đồng.
Việc nhiều mã lớn như VEA, LPB, VGI, MPC, MCH, LTG, SDI… tăng điểm giúp UPCoM-Index hồi phục cuối phiên. Tuy nhiên, thanh khoản ở những mã này không cao.
BSR là mã thanh khoản tốt nhất và duy nhất trên sàn này với 2,37 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm 2% về 9.900 đồng. Một số mã lớn giảm điểm khác là MSR, GVR, OIL…, trong khi đứng giá có VIB, QNS, CTR, VGT, DVN…
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hợp đồng tương lai trái phiếu tiếp tục tắc thanh khoản khi không có mã nào được giao dịch.
Còn với hợp đồng tương lai VN30, cả 4 mã đều tăng, thanh khoản tích cực. Trong đó, mã VN30F1909 đáo hạn hôm nay 19/9 tăng mạnh nhất với mức tăng 0,72% lên 917,1 điểm, thanh khoản cũng cao nhất với 42.939 hợp đồng được chuyển nhượng và khối lượng mở 13.704 hợp đồng.
Hợp đồng VN30F1910 đáo hạn ngày 17/10 cũng có thanh khoản tốt với 22.061 hợp đồng được chuyển nhượng, đóng cửa tăng 0,47% lên 917,3 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, trong 16 mã đang niêm yết, chỉ có 6 mã tăng, còn lại đều giảm. Trong đó, có thanh khoản tốt nhất là CVRE1901 với 315.330 đơn vị được giao dịch, đóng cửa giảm 2,75% xuống 1.060 đồng; tiếp đến là CFPT1904 với 196.181 đơn vị, đóng cửa tăng 2,47% lên 2.900 đồng.