Trong phiên giao dịch sáng, sau khi chớm xanh đầu phiên, VN-Index bị đẩy xuống thử thách mốc 950 điểm, nhưng khi về ngưỡng 951 điểm, lực cầu bắt đáy giúp một số mã bluechip hồi phục như VCB, VNM, BID, CTG…, kéo VN-Index trở lại lên trên tham chiếu. Tuy nhiên, sắc xanh cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn sau đó VN-Index bị đẩy lại xuống mức sâu hơn, sát mốc 950 điểm trước khi kịp nảy nhẹ trở lại khi chốt phiên.
Dù có sự hỗ trợ của VCB, VNM, BID, nhưng sức nặng từ VHM, VRE và nhiều mã bluechip khác khiến VN-Index không thể thoát sắc đỏ khi chốt phiên sáng. Trong khi đó, trong nhóm penny, ngoài HQC giữ được sắc tím, còn lại đều đã bị chốt lời và quay đầu, trong đó AMD, HAI, HAR đóng cửa ở mức sàn.
Bước vào phiên chiều, tồn dư lực cầu từ cuối phiên sáng giúp VN-Index thu hẹp đà giảm khi bước vào phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, áp lực bán quá lớn khiến VN-Index một lần nữa bị đẩy mạnh xuống đáy thấp hơn 2 đáy của phiên sáng, xuyên thủng luôn mốc 950 điểm với sắc đỏ chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử. Dù vậy, ở vùng điểm này, một lần nữa lực cầu bắt đáy phát huy tác dụng, chặn đà rơi của VN-Index, giúp chỉ số này đóng cửa trên ngưỡng 951 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm 2,9 điểm (-0,30%), xuống 951,13 điểm với 113 mã tăng và 207 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 323,4 triệu đơn vị, giá trị 6.703 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 49% về giá trị. Tuy nhiên, phiên hôm nay giao dịch thỏa thuận đóng góp lớn với 140,3 triệu đơn vị, giá trị 3.391 tỷ đồng, chủ yếu đến từ GTN trong phiên sáng.
Trong các mã lớn, dù VCB, BID nới rộng đà tăng, VHM hãm đà giảm so với phiên sáng, như thay vào đó, GAS, VRE, HPG lại giảm sâu.
Cụ thể, VCB tăng 1,64% lên 86.700 đồng, VNM tăng 1,28% lên 118.600 đồng, BID tăng 1,33% lên 42.000 đồng, MSN tăng 0,53% lên 56.400 đồng, BVH tăng 1,11% lên 73.000 đồng, VJC cũng có sắc xanh nhẹ.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, VHM giảm 1,87% xuống 83.900 đồng, GAS giảm 2,05% xuống 95.500 đồng, TCB giảm 0,22% xuống 22.700 đồng, CTG quay đầu giảm 0,49% xuống 20.150 đồng, VRE giảm 2,89% xuống 31.950 đồng, HPG giảm 2,59% xuống 22.550 đồng…, VIC đứng giá tham chiếu 115.800 đồng, SAB cũng về tham chiếu 233.000 đồng.
Trong nhóm bluechip, HPG vẫn là mã có thanh khoản lớn nhất với 7,6 triệu đơn vị, tiếp đến là VRE với 3,83 triệu đơn vị và MBB với 3,19 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,24% xuống 21.000 đồng. Các mã VHM, VNM, BID, CTG, MSN, MWG, VPB, FPT, POW, HDB khớp trên 1 triệu đơn vị.
Trong nhóm cổ phiếu penny, sắc tím của HQC cũng không còn duy trì trong phiên chiều nay dù phiên sáng còn dư mua trần (1.190 đồng) hơn 1,7 triệu đơn vị. Lực cung chốt lời mạnh đã hấp thụ hết lượng dư mua trần khiến HQC đóng cửa ở mức 1.170 đồng, tăng 4,46% với 11,9 triệu đơn vị được khớp, đứng thứ 2 sau ROS về thanh khoản.
ROS như kịch bản thường lệ là giảm, thậm chí giảm mạnh trong phiên sáng, nhưng phiên chiều hãm đà giảm, có lúc về tham chiếu, thậm chí đảo chiều tăng ngoạn mục. Phiên hôm nay, ROS về tham chiếu 24.000 đồng với 33,68 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi HQC không giữ được sắc tím, thì DLG cũng không giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở tham chiếu 1.710 đồng với 11,74 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, tham gia vào đội quân giảm sàn với AMD, HAI, HAR còn có TSC và tất cả đều còn dư bán giá sàn. Trong đó, AMD khớp 7,2 triệu đơn vị, còn dư bán sàn gần 3,2 triệu đơn vị, HAI khớp 4,76 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn 2,9 triệu đơn vị.
Các mã FLC, ITA, ASM, TTB cũng đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng FIT lại bất ngờ đảo chiều tăng giá thành công, tăng 0,8% lên 8.700 đồng với 2,26 triệu đơn vị.
Trên HNX, đà giảm của chỉ số nới rộng dần trong phiên chiều và chỉ thoát mức thấp nhất ngày trong đợt ATC.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,09 điểm (-1,06%), xuống 101,8 điểm với 56 mã tăng và 73 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,86 triệu đơn vị, giá trị 337 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 8,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 14,7 triệu đơn vị, giá trị 134,7 tỷ đồng.
Cũng giống sàn HOSE và như phiên sáng, hàng loạt mã penny trên sàn HNX đóng cửa ở mức sàn như KLF, ART, PVX, trong đó KLF dẫn đầu thanh khoản với 6,46 triệu đơn vị, tiếp đến là ART với 4,1 triệu đơn vị, PVX đứng thứ 4 với 2,23 triệu đơn vị.
Đứng xen 3 mã này là PVS với 2,41 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tăng 1,14% lên 17.800 đồng. Ngoài PVS và NVB, VCG đứng giá tham chiếu, các mã bluechip còn lại đều giảm. Trong đó, ACB giảm 1,32% xuống 22.500 đồng, khớp 1,13 triệu đơn vị, VCS giảm 0,6% xuống 83.000 đồng, SHB giảm 1,59% xuống 6.200 đồng, khớp 1,23 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, diễn biến tiêu cực của 2 sàn niêm yết khiến UPCoM-Index không còn giữ được sắc xanh nhạt của phiên sáng.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,05%), xuống 55,3 điểm với 90 mã tăng và 71 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,86 triệu đơn vị, giá trị 117 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 24,4 tỷ đồng.
BSR là mã duy nhất khớp trên 1 triệu đơn vị trên thị trường này (1,78 triệu đơn vị), nhưng đóng cửa giảm 3,53% xuống 8.200 đồng.
Trong khi đó, các mã bluechip khác, ngoài VIB, có thêm ACV, LTG, KLB cũng có sắc xanh nhạt khi đóng cửa, OIL, VBB, MSR đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.
Trong các mã nhỏ, TOP, ILA và PFL có sắc tím khi đóng cửa, trong đó TOP khớp 400.400 đơn vị, đóng cửa mức giá 900 đồng.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, hôm nay, VN30 giảm 4,28 điểm (-0,49%), xuống 863,16 điểm, với chỉ 8 mã tăng, trong khi có 19 mã giảm. Theo đà giảm của chứng khoán cơ sở, các hợp đồng tương lai VN30 đều giảm điểm, trong đó hợp đồng có kỳ hạn đáo hạn gần nhất là VN30F1912 giảm 0,75% xuống 861,5 điểm với 76.760 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 19.057 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, cũng chỉ có 5 mã tăng giá, còn lại đều giảm với thanh khoản hôm nay cũng sụt giảm mạnh. Mã có thanh khoản nhất là CMBB1905 cũng chỉ có 217.780 đơn vị được chuyển nhượng, đóng cửa giảm 2,3% xuống 85 đồng.