Hết phiên sáng 1/8, thị trường đóng cửa trong tình trạng trái chiều. VN-Index níu được chút xanh nhờ vào VIC và BVH, trong khi có hàng trăm mã khác giảm điểm. Tình trạng giao dịch diễn ra hết sức ảm đạm nếu không có VIC và FLC. Chỉ riêng VIC phiên sáng nay có giao dịch thỏa thuận đạt 237,5 tỷ đồng, chiếm 1/3 tổng giá trị giao dịch của toàn sàn HOSE.
Diễn biến trên HNX cũng rơi vào tình trạng như HOSE, nhưng nhờ có nhóm cổ phiếu dầu khí, nên cũng bớt chút phần buồn tẻ. Đáng chú nhất là PVX khi mã này có giao dịch đột biến với 13,3 triệu đơn vị.
Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực cung mạnh đầu phiên khiến chút sắc xanh ở cuối phiên sáng của VN-Index nhanh chóng được thay bằng sắc đỏ. Sự thận trọng vẫn bao trùm lên thị trường khiến giao dịch tiếp tục diễn ra trong trạng thái chậm chạp. Những lệnh khớp nhỏ giọt với mức giá thấp khiến VN-Index nhích từng chút một theo hình răng cưa và dần lấy lại sắc xanh. Tuy nhiên, một đợt xả mạnh cuối phiên đã đẩyVN-Index xuống, xuyên thủng mốc hỗ trợ mạnh 595 điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 2,17 điểm (-0,36%) xuống 593,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,52 triệu đơn vị, giá trị 1.252,57 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,28 triệu đơn vị, giá trị 310,2 tỷ đồng, chủ yếu vẫn là 3,2 triệu đơn vị VIC được thỏa thuận từ phiên sáng, trị giá 237,5 tỷ đồng. Toàn sàn HOSE có 84 mã tăng, 124 mã giảm và 69 mã đứng giá. Chỉ số VN30-Index giảm 2,03 điểm (-0,32%) xuống 635,01 điểm với 10 mã tăng, 16 mã giảm và 4 mã đứng giá.
HNX-Index đóng cửa cũng giảm 0,25 điểm (-0,31%) xuống 79,01 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41 triệu đơn vị, giá trị 456,59 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn với 1,1 triệu đơn vị, giá trị 21,57 tỷ đồng. Toàn sàn HNX có 67 mã tăng, 106 mã giảm và 65 mã đứng giá. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,69 điểm (-0,44%) xuống 157,72 điểm với 4 mã tăng, 19 mã giảm và 6 mã đứng giá.
Trong phiên chiều nay, độ rộng trên sàn HOSE đã được mở rộng hơn, nhất là trong nhóm VN30 với 10 mã tăng so với chỉ 2 mã ở trong phiên sáng. Trong đó, VIC vẫn giữ nguyên mức tăng 1.500 đồng, lên 75.500 đồng/cổ phiếu. BVH tăng 300 đồng lên 42.500 đồng/cổ phiếu.
Các mã EIB, VCB, HAG… cùng tăng nhẹ, riêng HAG khớp được hơn 1,18 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, với việc VNM, MSN và GAS giảm giá, VN-Index đã không giữ nổi sắc xanh. VNM giảm 1.000 đồng xuống 135.000 đồng/cổ phiếu. GAS còn giảm sâu hơn khi mất 2.000 đồng xuống 111.000 đồng/cổ phiếu. MSN giảm 500 đồng xuống 88.500 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra, HPG cũng mất 1.000 đồng; FPT giảm 700 đồng; DPM, GMD và HSG cùng giảm 600 đồng….
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền có phần đã tập trung trở lại trong phiên chiều. FLC tiếp tục được giao dịch mạnh với trên 13 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 200 đồng lên 13.300 đồng/cổ phiếu. IJC cũng tăng 200 đồng lên 13.300 đồng/cổ phiếu và khớp 1,36 triệu đơn vị.
Trong khi HQC lại giảm 200 đồng xuống 7.700 đồng/cổ phiếu và khớp được 2,5 triệu đơn vị. ITA, DLG, VHG… cũng đều có sắc đỏ và cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu cao su như CSM, DRC, PHR, HRC…sau phiên sáng giảm điểm cũng đã tăng điểm trở lại trong phiên chiều.
SAM tiếp tục tăng 200 đồng lên 10.600 đồng và khớp tới 4,64 triệu đơn vị.
Trên HNX, trong khi đà tăng của nhóm dầu khí đã có phần chững lại trong phiên chiều, thì các mã dẫn dắt khác như VCG, SHB, SHS, SCR, BVS, KLS… vẫn chìm trong sắc đỏ khiến đà giảm của HNX-Index bị nới rộng thêm.
PVX đã không còn bùng nổ như phiên sáng khi liên tục bị chặn bán. Đóng cửa PVX chỉ còn tăng 200 đồng lên 4.500 đồng/cổ phiếu và khớp được 14,46 triệu đơn vị, cao nhất thị trường. Tương tự, PVL mức tăng 1 bước giá, lên 3.600 đồng/CP với 560.000 đơn vị khớp lệnh và dư bán trần 632.000 đơn vị.
PVC tiếp tục tăng mạnh 800 đồng, lên 22.100 đồng/cổ phiếu và có 1,73 triệu đơn vị được khớp. Trong khi PVS đã quay về tham chiếu 33.500 đồng/cổ phiếu và khớp được 2,88 triệu đơn vị.
Trong các mã giảm, SHB và KLS có giao dịch cao nhất với cùng trên 2 triệu đơn vị khớp lệnh. Đóng cửa SHB giảm 100 đồng xuống 8.700 đồng/cổ phiếu, còn KLS giảm 300 đồng xuống 10.800 đồng/cổ phiếu.