Cũng như những phiên gần đây, thị trường tiếp tục rung lắc và thử thách quanh ngưỡng kháng cự 980 điểm trong hơn nửa đầu phiên sáng nay. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vua đã lấy lại phong độ, là điểm tựa chính giúp thị trường trở lại đường đua, thậm chí có thời điểm VN-Index được kéo lên trên mốc 985 điểm.
Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá tích cực với thử thách mới này. Tuy nhiên, sự thiếu vắng dòng tiền mạnh khiến thị trường chưa thể bứt phá. Chỉ số VN-Index lình xình giằng co quanh mốc 985 điểm và dần đuối sức sau gần 30 phút giao dịch do áp lực bán gia tăng.
Trong đó, trụ cột chính là dòng bank dần hạ độ cao và đã đảo chiều giảm, tác động mạnh khiến thị trường quay đầu đi xuống. Tuy nhiên, ngay khi bị đẩy về dưới mốc tham chiếu, lực cầu gia tăng đã giúp thị trường thoát hiểm và may mắn giữ được sắc xanh nhạt
Đóng cửa, với 129 mã tăng và 163 mã giảm, VN-Index tăng 0,46 điểm (+0,05%) lên 982,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 170 triệu đơn vị, giá trị 4.111,51 tỷ đồng, giảm 2,67% về khối lượng và 9,14% về giá trị so với phiên 16/7.
Giao dịch thỏa thuận đóng hơn 28 triệu đơn vị, giá trị 748,13 tỷ đồng, trong đó GEX thỏa thuận 6,82 triệu đơn vị, giá trị 144,39 tỷ đồng; ROS thỏa thuận hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 214,72 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa, với CTG, HDB, MBB, STB tăng nhẹ trên dưới 1%, còn cổ phiếu đầu ngành VCB sau những phiên xác lập mức đỉnh đã chịu áp lực chốt lời và tiếp tục lùi sâu hơn trong phiên chiều khi giảm 1,3%, xuống mức 76.200 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn giao dịch khởi sắc với SSI tăng 3,2% lên mức 25.800 đồng/CP và khớp hơn 3,7 triệu đơn vị; HCM tăng 2,8% lên 23.900 đồng/CP, VND tăng 1,7% lên 15.400 đồng/CP, TVS tăng 2,9% lên 12.300 đồng/CP…
Đóng góp lớn nhất giúp thị trường bảo toàn sắc xanh là cặp đôi lớn VNM và GAS. Cụ thể, VNM tăng 1,1% lên mức 125.400 đồng/CP, còn GAS tăng 2,3% lên mức cao nhất ngày 108.900 đồng/CP.
Trái lại, các bluechip gây sức ép lên chỉ số có VIC, MSN, VJC, HPG, NVL, MWG, REE, DHG… tuy nhiên, đà giảm không quá sâu. Đáng kể ROS tiếp tục lùi sâu hơn khi hơn 4,2% xuống mức 27.400 đồng/CP nhưng là mã dẫn đầu thanh khoản với gần 10,8 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Đứng ở vị trí tiếp theo là cặp đôi nhà bank gồm MBB khớp hơn 8 triệu đơn vị và kết phiên tăng 1,6% lên 22.100 đồng/CP; STB khớp 7,84 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 1,32% lên 11.550 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi SJF và DIG cùng đóng cửa trong sắc tím với khối lượng khớp lệnh đều hơn 1,5 triệu đơn vị, trong đó SJF dư mua trần 392.620 đơn vị trong khi bên bán trắng sàn.
Trái lại, GAB sau 3 phiên chào sàn ấn tượng đã chịu áp lực chốt lời mạnh và có phiên giảm sàn thứ 2, đóng cửa tại mức giá 14.250 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ 29.340 đơn vị và dư bán sàn khá lớn 627.810 đơn vị.
Trên sàn HNX, dù chưa thể chinh phục mốc 107 điểm nhưng sắc xanh được duy trì trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, với 46 mã tăng và 30 mã giảm, HNX-Index tăng 0,73 điểm (+0,69%) lên 106,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,82 triệu đơn vị, giá trị 443,18 tỷ đồng, tăng 9,96% về khối lượng và 21,75% về giá trị so với phiên 16/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có thêm 12,74 triệu đơn vị, giá trị 200,42 tỷ đồng.
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn giao dịch khá tích cực với ACB tăng 1,7% lên 30.700 đồng/CP, SHB tăng 1,5% lên 6.800 đồng/CP, NVB tăng 1,2% lên 8.100 đồng/CP, VCG tăng 0,8% lên 26.500 đồng/CP, VCS tăng 3,3% lên 79.300 đồng/CP, PHP tăng 3,2% lên 9.700 đồng/CP
Trái lại, chỉ có 3 mã điều chỉnh nhẹ gồm DGC giảm 1,7% xuống 29.500 đồng/CP, PVS giảm 1,7% xuống 23.700 đồng/CP, PVI giảm 0,3% xuống 37.500 đồng/CP.
Trong đó, SHB vẫn là mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với 7,43 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là PVS khớp lệnh 3,79 triệu đơn vị; ACB khớp hơn 2,5 triệu đơn vị; SHS khớp hơn 2 triệu đơn vị…
Trên UPCoM, sắc xanh chỉ kịp le lói ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều và nhanh chóng bị dập tắt trước sức ép đến từ một số mã lớn.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,44%) xuống 57,05 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 9,75 triệu đơn vị, giá trị 167,26 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt gần 2,6 triệu đơn vị, giá trị 73,44 tỷ đồng.
Sau phiên khới sắc hôm qua với thông tin sẽ chuyển sàn HOSE trong quý III/2019 và sẽ trả cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt với tỷ lệ 2,5% từ ngày 26/8, cổ phiếu GVR đã đảo chiều giảm 1,4% xuống 13.600 đồng/CP với 1598.900 đơn vị được giao dịch thành công.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn khác cũng đóng cửa trong sắc đỏ như BSR, VGI, VEA, ACV, MCH, MSR… Trong đó, BSR dẫn đầu thanh khoản với gần 1,23 triệu đơn vị được chuyển nhượng.
Trên thị trường phái sinh, trong số 3 hợp đồng trái phiếu chính phủ, vẫn chỉ có duy nhất mã GB05F1909 được giao dịch nhỏ giọt với 5 hợp đồng thành công.
Ở 4 hợp đồng tương lai VN30 đều quay đầu giảm, trong đó VN30F1907 đáo hạn ngày 18/7 là mã giao dịch sôi động nhất với 676.710 đơn vị, khối lượng mở 189.870 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, có tới 13 chứng quyền giảm và chỉ 3 chứng quyền tăng.
Về thanh khoản, CVNM1901 giao dịch mạnh nhất với 243.610 đơn vị. Tiếp đến là CHPG1902 với 212.000 đơn vị.