Hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30, nên nhiều chuyên gia dự báo, thị trường sẽ có những diễn biến khó lường và thật sự đã diễn ra như thế.
Trong phiên sáng, VN-Index chớm xanh đầu phiên, nhưng nhanh chóng bị đẩy lùi xuống dưới tham chiếu do lực cầu dè dặt, trong khi bên bán đang làm chủ cuộc chơi. Dù vậy, sự thận trọng của nhà đầu tư trong phiên chốt hợp đồng tương lai VN30 khiến VN-Index chỉ giảm nhẹ trong phiên sáng.
Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index thu hẹp dần đà giảm và đã tiến tới mốc tham chiếu khi chốt đợt khớp lệch liên tục. Tuy nhiên, diễn biến kịch tính đã xảy ra trong đợt khớp lệnh giá đóng cửa (ATC).
Trong đợt ATC, lực bán diễn ra mạnh tại một số mã VN30 để ép chỉ số này trong phiên chốt hợp đồng tương lai đã đẩy VN-Index lao thẳng đứng xuống dưới 990 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,64 điểm (-0,47%), xuống 989,82 điểm với 123 mã tăng và 179 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 191,5 triệu đơn vị, giá trị 4.036 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 2% về khối lượng, nhưng tăng hơn 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 34,4 triệu đơn vị, giá trị 778,6 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30 chỉ còn 4 mã tăng giá là HPG, PNJ, VHM và VNM. Trong đó, VHM tăng nhẹ 0,12% lên 86.500 đồng, VNM tăng 0,46% lên 131.000 đồng, HPG tăng 0,47% lên 21.400 đồng và PNJ tăng 0,98% lên 82.700 đồng, còn lại đều giảm giá.
Trong nhóm cổ phiếu lớn và bluechip, các mã giảm trên 1% có VCB (-1,05%, xuống 85.200 đồng), SAB (-1,17%, xuống 253.000 đồng), MSN (-1,03%, xuống 77.000 đồng), NVL (-2,74%, xuống 60.300 đồng), MWG (-1,76%, xuống 122.900 đồng), HVN (-1,26%, xuống 35.300 đồng), FPT (-1,39%, xuống 56.700 đồng), HDB (-1,06%, xuống 27.900 đồng, EIB (-1,8%, xuống 16.350 đồng), STB (-1,36%, xuống 10.900 đồng).
Về thanh khoản, cặp đôi cổ phiếu họ FLC là FLC và ROS vẫn là những địa chỉ hút dòng tiền lớn nhất trên thị trường. Trong đó, phiên hôm nay, ROS thay vị trí của FLC là mã có thanh khoản tốt nhất với 23,2 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa tiếp tục giảm 0,2% xuống 25.500 đồng. Trong khi đó, FLC tiếp tục có phiên tăng trần thứ 4 liên tiếp lên 4.330 đồng với 20,9 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 10,6 triệu đơn vị. Trong khi các mã khác của họ FLC là HAI, AMD, GAB đồng loạt giảm và giao dịch không quá sôi động.
Ngoài ra, các mã có thanh khoản tốt khác là MBB với 5,3 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,43% xuống 23.200 đồng; HPG với 4,83 triệu đơn vị; STB, VPB, CTG, LDG trên 3 triệu đơn vị.
Trên HNX, do không chịu áp lực chốt hợp đồng tương lai như trên HOSE, nên sau ít phút rung lắc đầu phiên chiều, HNX-Index đã dần hồi phục và đóng cửa trong sắc xanh.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,13 điểm (+0,13%), lên 106,07 điểm với 66 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,4 triệu đơn vị, giá trị 261 tỷ đồng, giảm 36,6% về khối lượng và 5,8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp nửa triệu đơn vị, giá trị 26,6 tỷ đồng.
Các mã lớn trên sàn này như ACB, PVS, VCG, SHB, NVT đều đóng cửa ở mức tham chiếu. Trong đó, ACB, PVS, SHB là 3 mã có thanh khoản tốt nhất với từ hơn 1,3 triệu đơn vị đến hơn 1,9 triệu đơn vị. NVB đứng vị trí thứ 5 với 0,84 triệu đơn vị, đứng sau HUT với 1,29 triệu đơn vị và HUT cũng đứng ở mức tham chiếu 2.600 đồng.
Trong các mã lớn trên sàn HNX, chỉ có VCS tăng 2,98% lên 86.500 đồng. Ngoài ra, có thể kể thêm PHP tăng 9,09% lên 12.000 đồng.
Trong khi đó, KLF giảm sàn xuống 1.300 đồng với 0,8 triệu đơn vị. ART đứng giá tham chiếu 2.000 đồng với 0,73 triệu đơn vị.
UPCoM dù chủ yếu dao động trong sắc xanh trong phiên chiều, nhưng chốt phiên không thể giữ được sắc màu này.
Chốt phiên, UPCoM-Index đứng ở mức 56,47 điểm (+0%) với 81 mã tăng và 69 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12 triệu đơn vị, giá trị 210 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,6 triệu đơn vị, giá trị 53 tỷ đồng.
Trên thị trường này, hôm nay LPB là mã có thanh khoản tốt nhất với 2,27 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 2,67% lên 7.700 đồng. Tiếp đến là BSR, VIB với hơn 1 triệu đơn vị và đều đóng cửa giảm lần lượt 1,04% xuống 9.500 đồng và 2,15% xuống 18.200 đồng.
Trên thị trường phái sinh, hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng VN30F1910 và mã này đã bị đẩy xuống mức thấp nhất ngày trong đợt khớp lệnh đóng cửa. Chốt phiên, VN30F1910 giảm 0,52% xuống 918,8 điểm với 47.138 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 14.940 hợp đồng.
Hợp đồng VN30F1911 đáo hạn 21/11/2019 giảm 0,02% xuống 924,3 điểm với 15.860 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 4.144 hợp đồng.
Hợp đồng có thời hạn chốt cuối năm nay là VN30F1912 cũng giảm nhẹ 0,09% xuống 922,1 điểm, trong khi hợp đồng có kỳ hạn chốt ngày 19/3/2020 tăng 0,03% lên 923,3 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với 15 mã giảm, trong khi chỉ có 6 mã tăng. Trong đó, CVNM1901 là mã có thanh khoản tốt nhất với 910.940 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 5% lên 630 đồng. Trong đó, khối ngoại mua ròng tới 768.280 đơn vị.
Tiếp theo là CHPG1902 với 351.690 đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 10% lên 110 đồng. Trong đó, khối ngoại bán ròng 180.210 đơn vị.