Trong khi nhà đầu tư thận trọng hơn với động thái giảm lãi suất điều hành thì thông tin giá dầu tăng vọt chưa đủ nhiệt để giúp các cổ phiếu nhà P “bốc đầu”. Chính vì vậy, đà tăng của thị trường có phần kém sắc hơn so với phiên giao dịch cuối tuần trước (13/9).
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có nhiều biến động. Bên cạnh thị trường giao dịch phân hóa, nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là điểm tựa chính dẫn dắt VN-Index giữ vững mốc 990 điểm.
Tuy nhiên, sau khoảng 30 phút cầm cự, áp lực bán gia tăng khiến một số mã lớn thu hẹp đà tăng hoặc đảo chiều giảm, khiến độ rộng thị trường bị thu hẹp. Chỉ số VN-Index giằng co và nỗ lực để lấy lại mốc 990 điểm nhưng bất thành.
Đóng cửa, trên sàn HOSE, với 158 mã tăng và 149 mã giảm, VN-Index tăng 2,64 điểm (+0,27%) lên 989,86 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 187,15 triệu đơn vị, giá trị 4.485,22 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên 13/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 49,12 triệu đơn vị, giá trị 1.491,32 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có phần kém tích cực hơn khi BID thu hẹp đà tăng đáng kể với biên độ chỉ 0,38% và kết phiên tại mức giá 40.000 đồng/CP, trong khi đó, CTG đảo chiều giảm nhẹ cùng TCB, VCB giảm sâu hơn 1,1% xuống mức 81.000 đồng/CP, còn VPB, STB, EIB đều đứng tại mốc tham chiếu.
Bên cạnh đó, một số mã bluechip khác như VIC, VHM chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%, VNM tăng 1,1% lên 121.500 đồng/CP, MSN tăng 1,7% lên 77.800 đồng/CP, MWG tăng 0,9% lên 123.500 đồng/CP, còn SAB, NVL lùi về mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí, trong khi GAS vẫn giữ mức tăng khá tốt như phiên sáng với 2,38% và kết phiên tại 103.400 đồng/CP, còn lại hầu hết đều hạ độ cao như PLX tăng 1,29% lên 62.600 đồng/CP, PVD tăng 2,56% lên 18.050 đồng/CP, PVT đảo chiều giảm 1,37% xuống 17.950 đồng/CP.
Đáng chú ý, ROS có phiên giao dịch tích cực khi đảo chiều hồi phục sau 3 phiên giảm liên tiếp, với mức tăng 1,69% lên mức giá cao nhất ngày 27.000 đồng/CP và thanh khoản vẫn đứng đầu với hơn 14,91 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhiều mã quen thuộc cũng chịu sức ép bán ra và kết phiên trong sắc đỏ như SCR, HQC, HAG…
Đáng chú ý, FTM sau 22 phiên giảm sàn liên tiếp, tân Chủ tịch mới được bổ nhiệm được 5 tháng là ông Nguyễn Hoàng Giang vừa có đơn xin từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Công ty. Liệu FTM có ngừng rơi khi HĐQT Công ty vừa quyết định việc triển khai phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2017 và tạm ứng cổ tức năm 2018. Đóng cửa phiên 16/9, FTM giảm 7% xuống mức 4.930 đồng/CP, đây là phiên giảm sàn thứ 23, đồng thời dư bán sàn hơn 6,66 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến rung lắc vẫn tiếp diễn trong suốt cả phiên chiều, tuy nhiên thị trường may mắn đã lấy lại được sắc xanh nhạt trước khi kết phiên.
Tương tự, sàn HNX với 38 mã tăng và 42 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%) lên 102,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 21,28 triệu đơn vị, giá trị 310,58 tỷ đồng, tăng 8,63% về lượng và 29,4% về giá trị so với phiên 13/9. Giao dịch thỏa thuận đạt 17,22 triệu đơn vị, giá trị gần 150 tỷ đồng, trong đó riêng SHB thỏa thuận gần 13,3 triệu đơn vị, giá trị 83,74 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, VCS tiếp tục bật cao với mức tăng 4,67% lên mức cao nhất ngày 91.900 đồng/CP.
Ngoài ra, thị trường còn nhận được sự hỗ trợ từ một số mã lớn khác như SHB hồi phục với mức tăng 1,59% lên 6.400 đồng/CP, PVS tăng 3,59% lên 20.200 đồng/CP, PVB tăng 2,45% lên 20.900 đồng/CP…
Trái lại, ACB giằng co nhưng lại kết phiên trong sắc đỏ khi giảm gần 0,9% xuống mức 22.400 đồng/CP.
Các mã có thanh khoản dẫn đầu thị trường gồm PVS khớp hơn 4,2 triệu đơn vị, SHB khớp hơn 2,6 triệu đơn vị, TNG khớp 1,33 triệu đơn vị và ACB khớp 1,23 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, diễn biến không có nhiều biến động so với phiên sáng, chỉ số UPCoM-Index đứng dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Đóng cửa, với 30 mã tăng và 24 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,32%) xuống 56,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9,94 triệu đơn vị, giá trị 147,57 đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,13 triệu đơn vị, giá trị 28,3 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch nổi bật trên UPCoM khi có 3,75 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, vượt xa mã đứng thứ 2 về thanh khoản là PXL chỉ với gần 0,76 triệu đơn vị.
Bên cạnh BSR tăng khá tốt 5,68% lên 9.300 đồng/CP, một số mã khác cũng giữ được sắc xanh như VGT, VEA, ACV, BCM… Trái lại, VGI, GVR, MCH lui về dưới mốc tham chiếu.
Trên thị trường phái sinh, 3 hợp đồng trái phiếu đều trong trạng thái vắng thanh khoản.
Trong khi đó, 4 hợp đồng tương lai VN30, chỉ có 1 mã tăng và 3 mã giảm. Trong đó, VN30F1909 đáo hạn ngày 19/9 là mã tăng duy nhất với mức tăng khá khiêm tốn, đồng thời đây cũng là mã có thanh khoản tốt nhất với 41.296 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 18.244 hợp đồng.
Với các sản phẩm chứng quyền, trong số 16 mã đang niêm yết, có 7 mã giảm, 1 mã đứng giá, còn lại là 8 mã tăng. Trong đó, CMWG1904 có thanh khoản tốt nhất với 31.860 đơn vị, đóng cửa tăng lên 6.600 đồng. Tiếp đến là CVRE1901 cũng tăng nhẹ với 28.128 đơn vị được khớp lệnh.