Với sức mạnh từ các bluechip trên, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ kích thích dòng tiền trở lại mạnh hơn và giúp VN-Index vượt qua khoảng giá 660 - 665 điểm, đánh bại dự báo của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, điều này đã không thể xảy ra trong phiên giao dịch chiều và nhận định, VN-Index khó vượt qua vùng giá 660 – 665 điểm, thậm chí quay đầu giảm trở lại khi vào vùng giá này của các công ty chứng khoán đã đúng trong phiên chiều nay.
Mở đầu phiên giao dịch chiều nay, quán tính từ phiên sáng giúp VN-Index nhích nhẹ thêm, tuy nhiên, chỉ số này nhanh chóng quay đầu giảm điểm khi áp lực bán diễn khá mạnh ở nhóm dầu khí, bảo hiểm, đặc biệt là VIC.
Áp lực bán mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài đã đẩy VIC giảm mạnh hơn 3%, trước khi hồi phục nhẹ và đóng cửa ở mức 47.900 đồng, giảm 2,25% với 1,69 triệu đơn vị được khớp, trong đó nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,3 triệu đơn vị.
Ngoài VIC, nhóm dầu khí và bảo hiểm cũng nới rộng đà giảm trong phiên chiều, trong đó PVD giảm 2,43%, GAS giảm 0,78%, BVH cũng đảo chiều giảm 0,84%, BIC giảm 2,46%. Ngoài ra, cũng phải kể đến nhóm ngân hàng khi VCB, điểm hỗ trợ hiếm hoi cho VN-Index trong phiên sáng cũng quay đầu giảm giá.
Với đà giảm của các mã trên, dù một số bluechip khác như nhóm dược, chứng khoán, KDC, FPT, HPG vẫn giữ được đà tăng, nhưng VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ. Dù vậy, lực cầu bắt đáy cũng gia nhập khá tích cực, giúp thanh khoản thị trường được cải thiện, đặc biệt là lực cầu bắt đáy tại TTF.
Cụ thể, VN-Index giảm 1,36 điểm (-0,21%), xuống 658,11 điểm với 129 mã tăng và 102 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 160,3 triệu đơn vị, giá trị 3.391,95 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp khá lớn với 31,36 triệu đơn vị, giá trị 747 tỷ đồng. Đáng chú ý là giao dịch thỏa thuận 20 triệu cổ phiếu GMD, giá trị 555 tỷ đồng.
Trong khi đó, với sự hỗ trợ của ACB, NTP, VCS, nhóm chứng khoán, HNX-Index vẫn duy trì được sắc xanh với mức tăng 0,28 điểm (+0,34%), lên 83,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 41,3 triệu đơn vị, giá trị 540,86 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,64 triệu đơn vị, giá trị 17,4 tỷ đồng.
Như đã đề cập, KDC vẫn giữ được sắc tím do bên bán găm hàng, nhóm dược với các mã như DHG, DMC, DCL vẫn giữ được mức tăng như phiên sáng. Tương tự, nhóm chứng khoán cũng duy trì được đà tăng. Một số mã bluechip khác cũng tăng tốt như FPT tăng 2,64%, HPG tăng 1,51%, MWG tăng 2,84%, CII tăng 2,37%... Ngoài lượng giao dịch thỏa thuận khủng, GMD cũng có thanh khoản tốt trong phiên giao dịch khớp lệnh với 3,6 triệu đơn vị được khớp và tăng 4,36%, lên 28.700 đồng.
Trong khi đó, với thông tin mua lại 1 triệu cổ phiếu quỹ vừa được công bố, KSB tăng mạnh 4,76%, lên 66.000 đồng, nhưng thanh khoản khá thấp, chỉ hơn 260.000 đơn vị.
Một lần nữa kịch bản giảm sàn trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch, nhưng được kéo lên tham chiếu trong đợt ATC lại xảy ra với DLG khi mã này đóng cửa ở mức tham chiếu 6.000 đồng với 9,7 triệu đơn vị được khớp, riêng đợt ATC đã có tới hơn 2,16 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, tín hiệu tích cực cũng đã đến với TTF, dù không thể tránh khỏi phiên giảm sàn thứ 21 liên tiếp, nhưng khác với 20 phiên trước đó, lực cầu bắt đáy trong phiên hôm nay đã chảy khá mạnh khi chốt phiên TTF được khớp 1,32 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lượng dư bán sàn cũng không nhỏ với 4,4 triệu đơn vị.
DRH cũng có phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp và cũng giống các phiên trước, rất ít nhà đầu tư mạo hiểm bắt đáy trong giai đoạn này.
Trên HNX, VCS tiếp tục duy trì đà tăng 0,94%, lên 107.800 đồng, ACB tăng 1,71%, lên 17.800 đồng, mức giá cao nhất ngày của mã này là 18.000 đồng. NTP cũng tăng 2,2%, lên 69.500 đồng, PGS tăng 1,83%... Nhóm chứng khoán cũng nới rộng đà tăng với VND tăng 3,97%, BVS tăng 5,76%.
Trong khi đó, với áp lực bán khá mạnh, VCG đóng cửa giảm nhẹ 1 bước giá, xuống 15.800 đồng với 3,43 triệu đơn vị được khớp, lớn nhất trên HNX.