Nhìn lại giao dịch thị trường phiên sáng nay, có thể thấy, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu lớn rất thận trọng, song vẫn khá cởi mở với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó cặp đôi HNG-HAG vẫn là “điểm nóng” của thị trường. Chỉ tính riêng giao dịch khớp lệnh, 2 mã này đã chiếm khoảng 17% lượng khớp toàn thị trường.
Trong phiên giao dịch chiều nay, dòng tiền tiếp tục tìm đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, song không còn là “nhà” Hoàng Anh Gia Lai, mà chính là FLC.
Ngay sau giờ nghỉ, lực cầu mạnh mẽ đã dồn vào FLC, khiến thanh khoản gia tăng nhanh chóng. Chỉ sau hơn 1 tiếng giao dịch, đã có hơn 14 triệu đơn vị được giao dịch thành công, trong khi dư mua lên tới hơn 18 triệu đơn vị, còn dư bán cũng lên tới gần 10 triệu đơn vị, trong đó hơn 6 triệu đơn vị ở mức trần. Tính cả phiên, đã có tổng cộng 18,98 triệu cổ phiếu được sang tên và lượng dư mua vẫn khoảng 18 triệu đơn vị, trong khi dư bán hơn 8 triệu đơn vị, trong đó có 6,28 triệu đơn vị ở mức trần. Như vậy tính riêng phiên giao dịch chiều, đã có hơn 17 triệu cổ phiếu FLC được giao dịch.
Nguyên nhân giúp FLC có sự đột biến có lẽ đến từ thông tin FLC chuẩn bị khởi công Dự án FLC Hạ Long vào ngày 20/3 tới.
Mặc dù vậy, dường như vẫn còn có sự rụt rè với FLC, cho nên mã này không thể giữ được sắc tím, đóng cửa ở sát mức trần là 7.000 đồng/CP, tương ứng tăng 300 đồng.
Không chỉ có FLC, các mã thị trường khác như FIT, HAI, TSC, KLF cũng đều có được thanh khoản tốt đều tăng điểm. TSC khớp hơn 4,8 triệu đơn vị, FIT hơn 3,4 triệu đơn vị, còn KLF và HAI cùng trên 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, cả 2 mã HNG-HAG cùng chỉ khớp được hơn 1 triệu đơn vị trong phiên giao dịch chiều, nâng mức tổng khớp cả phiên lên tương ứng 8,17 triệu và 5,75 triệu đơn vị, đồng thời giữ nguyên được mức tăng điểm của phiên sáng. HNG tăng 400 đồng lên 9.800 đồng/CP, còn HAG tăng 200 đồng lên 8.500 đồng/CP.
Ngoài FLC, một mã cũng có giao dịch ấn tượng là DHM. Kết thúc phiên sáng, DHM đã “đo sàn” ở mức giá 9.300 đồng/CP. Tuy nhiên, mọi thứ đã quay ngoắt “180 độ” trong phiên chiều khi mã này nhanh chóng đạt mức giá trần 10.700 đồng/CP và giữ vững cho đến hết phiên. Riêng phiên chiều khớp được hơn 2,2 triệu đơn vị, nâng tổng khớp cả phiên lên hơn 3,85 triệu đơn vị và vẫn còn dư mua giá trần 1,36 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các mã khoáng sản nhỏ khác như KSA, BGM, KSS, BAM, KHL, HKB tiếp tục giữ vững sắc tím. Trong đó, KSA khớp hơn 4,5 triệu đơn vị, BGM hơn 3,1 triệu đơn vị, KSS và BAM cùng trên 1,3 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu lớn, áp lực bán đã suy yếu, nên đà giảm tại VIC, MSN, STB, SSI, KDC, HPG, EIB đã được tiết giảm đáng kể.
Trong khi đó, đà tăng đã được nới rộng hơn ở VNM, VCB, BID, BVH, HCM, HSG… nên VN-Index đã gần như lấy lại những gì đã mất ở phiên hôm qua 15/3.
VCB tăng 1.200 đồng/CP lên 43.200 đồng/CP và khớp được 1,86 triệu đơn vị. VNM tăng 1.000 đồng, BVH tăng 500 đồng…
Góp phần vào đà tăng của thị trường cũng phair nhắc tới sự hồi phục trở lại của nhóm dầu khí. Trong các mã dầu khí lớn, chỉ còn PVD giảm tối thiểu 100 đồng, còn lại đều tăng điểm GAS, PVT, PVL, PGS, PLC hoặc về được giá tham chiếu PV, PVC, PVB. Các mã PVD, PVT, PVS, PGS, PVX cùng khớp trên 1 triệu đơn vị.
SCR vẫn là mã khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX với 4,64 triệu đơn vị được khớp, song vẫn giảm 200 đồng về 9.400 đồng.
Mã KLS chỉ mất sắc tím vào cuối phiên, đóng cửa với mức tăng 600 đồng lên 8.100 đồng/CP và khớp 2,07 triệu đơn vị.
Đóng cửa, với 130 mã tăng và 97 mã giảm, VN-Index tăng 3,03 điểm (+0,53%) lên 577,07 điểm. Chỉ số VN30-Index tăng 0,77 điểm (+0,13%) về 583,79 điểm với 14 mã tăng và 10 mã giảm.
Tổng khối lượng giao dịch đạt 148,92 triệu đơn vị, giá trị 2.180,54 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận đạt gần 8,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 242 tỷ đồng. Đáng chú ý có thỏa thuận của 2 triệu cổ phiếu ELC, giá trị 48,6 tỷ đồng và 2 triệu cổ phiếu KSA, giá trị 11,4 tỷ đồng.
Tương tự, với 114 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,46%) lên 80 điểm. Chỉ số HNX30-Index tăng 0,68 điểm (+0,48%) lên 142,97 điểm với 16 mã tăng và 5 mã giảm.