Trong phiên sáng, sau khi mở cửa với sắc xanh nhạt, VN-Index từ từ tiến qua ngưỡng 912 điểm, nhưng rất nhanh chóng, bị đẩy lùi trở lại xuống dưới tham chiếu. Dù sau đó, VN-Index đã nỗ lực trở lại và cũng chớm xanh, nhưng cuối cùng cũng không giữ được sắc xanh khi chốt phiên.
Bước vào phiên chiều, lực cung lớn tại VNM cùng một số mã bluechip khác khiến VN-Index nới rộng đà giảm xuống ngưỡng 906 điểm. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu “họ Vin”, chỉ số này đã bật mạnh trở lại, vượt qua ngưỡng 910 điểm.
Tưởng chừng VN-Index sẽ giữ được ngưỡng kháng cự quan trọng đầu tiên khi chốt phiên hôm nay, thì trong đợt ATC, lực cung gia tăng tại các mã ngân hàng lớn, VNM và một số bluechip khác khiến VN-Index lỗi hẹn với mốc 910 điểm, đóng cửa trong sắc đỏ.
Cụ thể, chốt phiên 16/1, VN-Index giảm nhẹ 0,98 điểm (-0,11%), xuống 908,7 điểm với 131 mã tăng và 143 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 164,29 triệu đơn vị, giá trị 3.774,56 tỷ đồng, tăng 29,2% về khối lượng và 36,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, thanh khoản phiên hôm nay tăng mạnh do đóng góp lớn từ giao dịch thỏa thuận với 56,74 triệu đơn vị, giá trị 1.663,6 tỷ đồng. Trong đó, MWG đóng góp 6,93 triệu đơn vị, giá trị 634,2 tỷ đồng, EIB đóng góp 27,95 triệu đơn vị, giá trị 394,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới rộng đà giảm ngay khi bước vào phiên chiều, cho dù nỗ lực trở lại trong những phút cuối phiên theo đà hồi phục của VN-Index. Tuy nhiên, trong đợt ATC, lực bán cũng gia tăng, đẩy chỉ số này thoái lui trở lại và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Cụ thể, chốt phiên, HNX-Index giảm 0,6 điểm (-0,58%), xuống 101,99 điểm với 69 mã tăng và 64 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,82 triệu đơn vị, giá trị 546 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,94 triệu đơn vị, giá trị 317 tỷ đồng, chủ yếu là thỏa thuận 11,52 triệu cổ phiếu ACB, giá trị 302,27 tỷ đồng, tương đương mức giá sàn 26.200 đồng.
Trong phiên hôm nay, “họ Vin” có diễn biến khá tốt khi VIC tăng 0,49% lên 102.000 đồng, VHM tăng 0,5% lên 80.300 đồng, VRE tăng 1,45% lên 31.450 đồng - mức giá cao nhất ngày. Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng có giao dịch tích cực hôm nay như GAS tăng nhẹ 0,33% lên 90.600 đồng, PLX tăng 0,36% lên 55.500 đồng, BVH tăng 1,47% lên 90.000 đồng - mức cao nhất ngày…
Trong nhóm ngân hàng, ngoại trừ VPB đi ngược xu hướng với mức tăng mạnh 3,12% lên 19.850 đồng, còn lại đều giảm nhẹ. Trong đó, VCB giảm 0,89% xuống 55.400 đồng, BID giảm 0,92% xuống 32.200 đồng, CTG giảm 1,06% xuống 18.700 đồng, MBB giảm 0,26% xuống 19.450 đồng, EIB giảm 1,36% xuống 14.500 đồng, TPB giảm 1,42% xuống 20.800 đồng. 3 mã còn lại là TCB, HDB và STB đứng giá tham chiếu.
Điều đáng chú ý là nhóm ngân hàng giảm giá sau thông tin kết quả kinh doanh tốt trong năm 2018. Ngoại trừ VietinBank bị đánh bật khỏi Top 5 ngân hàng lợi nhuận tốt nhất, Techcombank thay thế VietinBank đứng ở vị trí thứ 2 và là ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 10.000 tỷ đồng. Trong khi VPB dù cũng lọt vào Top 5, nhưng không hoàn thành được kế hoạch kinh doanh đề ra, nhưng lại có mức tăng giá mạnh.
Trên HNX, diễn biến tương tự cũng đến với nhóm ngân hàng khi ACB giảm 1,03% xuống 28.800 đồng, SHB giảm 1,41% xuống 7.000 đồng, NVB giảm 1,19% xuống 8.300 đồng. Thanh khoản của các mã lớn trên HNX cũng khá khiêm tốn trong phiên hôm nay. ACB chỉ khớp hơn nửa triệu đơn vị, SHB chỉ hơn 1,3 triệu đơn vị. 3 mã PVS, VGC, VCG cũng chỉ khớp 1,5 triệu đến hơn 2 triệu đơn vị. Trong đó, PVS tăng 0,56% lên 18.000 đồng, VGC tăng 0,54% lên 18.500 đồng, còn VCG giảm 1,72% xuống 22.900 đồng.
Mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX là ART cũng chỉ khớp 2,4 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 4,35% xuống 2.200 đồng.
Trong khi đó, “người anh cả trong gia đình FLC” là FLC trên sàn HOSE được khớp 10,77 triệu đơn vị, dẫn đầu thị trường. Đóng cửa tăng nhẹ 0,55% lên 5.420 đồng. ROS cũng tăng nhẹ 0,45% lên 35.600 đồng với 3,74 triệu đơn vị được khớp. Liên quan đến nhóm này, hôm nay là ngày hãng hàng không Bamboo Airways khai trương chuyến bay đầu tiên.
Tân binh của sàn HOSE là POW cũng có giao dịch sôi động sau khi chuyển từ thị trường UPCoM lên HOSE với 2,4 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua ròng 209.420 đơn vị, nhưng đóng cửa vẫn giảm 0,64% xuống 15.600 đồng.
Trên thị trường UPCoM, khác với 2 sàn niêm yết, chỉ số UPCoM-Index chỉ dao động trong sắc xanh suốt phiên hôm nay. Dù có những biến động mạnh cuối phiên, nhưng chỉ số này bất ngờ tăng vọt lên mức cao nhất ngày trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,39%), lên 53,32 điểm với 78 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 7,44 triệu đơn vị, giá trị 175 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp khiêm tốn, chỉ hơn 280.000 đơn vị, giá trị 9,6 tỷ đồng.
Trên thị trường này, phiên hôm nay chỉ có 2 mã được khớp trên 1 triệu đơn vị là BSR và LPB, nhưng đóng cửa trái chiều nhau về giá. Trong khi BSR tăng nhẹ 0,74% lên 13.600 đồng, thì LPB đóng cửa giảm 1,15% xuống 8.600 đồng.