Mặc dù dòng tiền vẫn khá thận trọng nhưng việc phá vỡ mốc 990 điểm khi kết phiên cuối tuần trước (11/10) đã giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng 14/10. Sắc xanh vẫn duy trì khá tốt giúp VN-Index tiếp tục tiến bước và bước vào thử thách mới tại ngưỡng 995 điểm.
Dù giao dịch khá giằng co và rung lắc nhưng lực cầu gia tăng mạnh về cuối phiên cùng sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu vua – nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tiếp sức giúp VN-Index tăng vọt, chính thức chạm mốc kháng cự trên.
Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư tiếp tục kéo sang phiên chiều giúp thị trường tiếp tục nới rộng biên độ. Tuy nhiên, dòng tiền chưa đủ mạnh để lái thị trường vượt ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.000 điểm. Chỉ số VN-Index đã dần hạ độ cao và tạm chia tay với vùng giá vừa tạo lập.
Đóng cửa, trên sàn HOSE, có 176 mã tăng và có 137 mã giảm, VN-Index tăng 1,73 điểm (+0,17%), lên 993,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 193,98 triệu đơn vị, giá trị 4.324,78 tỷ đồng, tăng 15,05% về khối lượng và 10,8% về giá trị so với phiên 11/10.
Giao dịch thỏa thuận đạt hơn 22 triệu đơn vị, giá trị hơn 830 tỷ đồng, trong đó VHM thỏa thuận 2,49 triệu đơn vị, giá trị 221,27 tỷ đồng; MSN thỏa thuận 1,27 triệu đơn vị, giá trị hơn 98 tỷ đồng…
Dòng bank không còn tỏa sáng như phiên sáng khi hầu hết các mã đều hạ độ cao, đáng kể VCB đảo chiều giảm nhẹ 0,4% xuống 85.000 đồng/CP, còn TCB tăng 1,3% lên 23.900 đồng/CP, BID tăng 0,9% lên 41.150 đồng/CP, CTG tăng 2,6% lên 21.700 đồng/CP, HDB trăng 1,4% lên 28.400 đồng/CP, EIB tăng 1,2% lên 16.800 đồng/CP… đáng kể MBB tăng 3,1% lên 23.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 11,8 triệu đơn vị.
Bên cạnh VCB, một số mã lớn khác suy giảm cũng khiến thị trường thu hẹp biên độ như GAS giảm 0,3% xuống 102.000 đồng/CP, MSN giảm 0,5% xuống 76.600 đồng/CP, VHM giảm 0,6% xuống 87.900 đồng/CP, VRE giảm 2% xuống 31.700 đồng/CP.
Tâm điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu họ FLC. Trong đó, FLC tiếp tục tình trạng dư mua trần chất đống do bên bán vắng bóng. Kết phiên, FLC đứng tại mức giá trần 3.550 đồng/CP với khối lượng khớp 2,93 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 14 triệu đơn vị. HAI cũng giữ vững sắc tím với khối lượng khớp hơn 1,1 triệu đơn vị và dư mua trần 1,67 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu "họ" FLC nổi sóng sau thông tin thành viên mới nhất của tập đoàn này là Hãng hàng không Bamboo Airways dự định sẽ niêm yết trên HOSE hoặc HNX sớm nhất vào tháng 1/2020 với mức giá dự kiến 50.000 - 60.000 đồng/cổ phiếu.
Trả lời Bloomberg, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Hãng kỳ vọng đạt vốn hóa 1 tỷ USD sau khi niêm yết vào quý I/2020.
Ngoài ra, mã “sinh sau đẻ muộn” của nhà FLC là GAB cũng được kéo lên trần khi kết phiên tại mức 11.300 đồng/CP và dư mua trần 99.410 đơn vị.
Trên sàn HNX, dù có chút giằng co nhưng HNX-Index đã giữ được mốc 106 điểm.
Đóng cửa, với 52 mã tăng và 38 mã giảm, HNX-Index tăng 0,78 điểm (+0,74%) lên 106,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,97 triệu đơn vị, giá trị 399,47 tỷ đồng, tăng 55,82% về lượng và 73,13% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (11/10). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,56 triệu đơn vị, giá trị hơn 127 tỷ đồng.
Trong khi nhóm cổ phiếu P trở nên phân hóa với PVS đảo chiều giảm hơn 1%, thì cặp đôi lớn nhà ngân hàng vẫn tăng khá tốt. Cụ thể, ACB tăng 2,1% lên 24.500 đồng/CP, SHB tăng 1,5% lên 6.700 đồng/CP. Đây cũng là 2 mã giao dịch sôi động nhất sàn HNX với khối lượng khớp lần lượt 5,45 triệu đơn vị và 3,53 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, trong nhóm HNX30, cổ phiếu VCS sau khi lấy lại thăng bằng về cuối tuần trước đã trở lại với sắc xanh mắt mèo do áp lực bán tăng mạnh. Kết phiên, VCS giảm 10% xuống 84.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,1 triệu đơn vị và dư bán sàn 62.100 đơn vị.
Cũng góp mặt tô điểm cho nhóm cổ phiếu họ FLC, cặp đôi KLF và ART cũng khoe sắc tím với giao dịch sôi động, lần lượt khớp 2,17 triệu đơn vị và 1,88 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần khá lớn.
Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng về cuối phiên đà khiến thị trường hụt hơi.
Đóng cửa, với 30 mã tăng và 24 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,19 điểm (-0,33%), xuống 56,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 8,78 triệu đơn vị, giá trị 179,14 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 3 triệu đơn vị, giá trị hơn 44,36 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngân hàng VIB dẫn đầu thanh khoản thị trường UpcoM với gần 2,3 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên tại mức giá 18.600 đồng/CP, tăng 2,2%.
Trái lại, BSR đảo chiều giảm 2% xuống 9.700 đồng/CP và khớp 1,13 triệu đơn vị. Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu như VEA, MSR, BCM…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ đều không có giao dịch.
Trong khi đó, 4 hợp đồng tương lai đều khởi sắc. VN30F1910 vẫn mua bán mạnh nhất, với 57.511 đơn vị được sang tay, tăng 0,79% lên 922,7 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, có 16 mã tăng và 6 mã giảm, trong đó, CVNM1901 tiếp tục dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 99.413 đơn vị, đóng cửa tăng 7,27% lên 590 đồng/CQ.