Diễn biến giao dịch cho thấy, VN-Index liên tục gặp khó trước vùng giá 990 điểm. Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index không dưới 3 lần thoái lui trước mức cản mạnh này, chỉ số chỉ không giảm điểm chủ yếu nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng có được đà tăng tốt.
Ở phiên chiều, một lần nữa VN-Index thử sức với vùng 990 điểm, nhưng ngay khi vượt qua mốc này, áp lực bán gia tăng mạnh và tập trung tại nhóm cổ phiếu trụ đỡ là các bluechips. VN-Index theo đó lao nhanh qua tham chiếu. Những tưởng, VN-Index sẽ có phiên điều chỉnh thì trong những phút cuối trước khi đóng cửa, nhóm ngân hàng một lần nữa đóng vai trò bệ đỡ, giúp VN-Index tăng nhẹ trở lại.
Ngoài áp lực chốt lời ở vùng giá cao, việc khối ngoại quay trở lại bán ròng cũng ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến dòng tiền vào thị trường trở nên hạn chế, qua đó giảm động lực tăng.
Đóng cửa, với 171 mã tăng và 112 mã giảm, VN-Index 0,94 điểm (+0,1%) lên 987,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 172,9 triệu đơn vị, giá trị 3.841 tỷ đồng, giảm 6% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên 12/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24 triệu đơn vị, giá trị hơn 656 tỷ đồng.
Áp lực bán mạnh khiến nhiều mã bluechips quay đầu giảm điểm, tạo sức ép lớn lên chỉ số. Chẳng hạn, VNM (-0,2% về 132.100 đồng), GAS (-0,9% về 108.000 đồng), MSN (-0,2% về 92.400 đồng), VIC (-1,1% về 100.300 đồng), PXL (-1,7% về 69.800 đồng); VJC (-1,3% về 148.000 đồng)...
GEX nằm trong số những cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất phiên này với lượng bán ròng gần 2 triệu đơn vị, kết phiên giảm 0,3% về 28.900 đồng, khớp lệnh 2,8 triệu đơn vị, ngoài ra còn có giao dịch thỏa thuận 3,33 triệu đơn vị, giá trị 97,4 tỷ đồng.
Ngay cả nhóm ngân hàng, đà tăng cũng giảm khá đáng kể trước áp lực bán mạnh, trong đó VPB và STB giảm điểm, song vẫn đủ sức đỡ VN-Index. CTG (+0,6% lên 26.650 đồng), BID (+0,7% lên 35.000 đồng), VCB (+0,5% lên 62.900 đồng), TCB (+0,8% lên 25.200 đồng), MBB (+0,2% lên 22.800 đồng), HDB (+4% lên 38.600 đồng)...
Ngoài nhóm ngân hàng, một số mã đầu ngành khác như HPG, SSI, SBT, FPT, MWG, PNJ, NVL... cũng tăng để hỗ trợ chỉ số. Trong khi VIC và VRE giảm điểm thì VHM tăng khá tốt 1,1% lên 105.100 đồng.
Về thanh khoản, nhóm ngân hàng cũng là nhóm hút tiên mạnh nhất. STB khớp 7,44 triệu đơn vị. CTG khớp 4,75 triệu đơn vị. Các mã MBB, BID, VPB, VCB, TCB, HDB khớp từ 1-3 triệu đơn vị.
HSG phiên này giao dịch đột biên với 8,08 triệu cổ phiếu được sang tên, dẫn dầu sàn HOSE và cũng là mức cao nhất trong hơn 4 tháng qua, kết phiên tăng mạnh 6,1% lên 11.350 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc xanh có phần chiếm ưu thế, nhưng khá nhiều mã nóng giảm điểm như FLC, HAG, IDI, ROS, KSH, HAR, QCG, TCH... và đa phần có thanh khoản khá cao.
HVG và TTF phiên này tăng trần lên 4.720 đồng và 4.290 đồng, khớp lệnh 1,34 triệu và 0,9 triệu đơn vị. Với HVG, phiên tăng này kéo dài chuỗi tăng liên tiếp lên con số 6 (trong đó có 3 phiên tăng trần). Còn TTF thì chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tục (1 phiên giảm sàn).
Trên sàn HNX, sắc xanh được duy trì trong suốt phiên giao dịch, nhưng liên tục giằng co. Sức cầu tốt là một trong những nguyên nhân giúp sàn này duy trì được đà tăng.
Đóng cửa, với 86 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 1,01 điểm (+0,91%) lên 112,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 791 tỷ đồng, tăng 20% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên 12/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,5 triệu đơn vị, giá trị 42,8 tỷ đồng.
Tuy áp lực bán ra không nhẹ, nhưng việc có nhiều mã vốn hóa lớn tăng điểm đã giúp HNX-Index giữ được sắc xanh. Chẳng hạn, ACB (+1,5% lên 33.400 đồng), SHB (+1,2% lên 8.400 đồng), VGC (+1,6% lên 18.600 đồng), VCG (+10,6% lên 17.700 đồng), VCS (+2,8% lên 29.800 đồng), NDN (+3,5% lên 14.700 đồng)...
Cũng giống như HOSE, nhóm dầu khí trên sàn HNX cũng đa phần giảm điểm như PVS (-1,2% về 8.500 đồng), PVC (-2,6% về 7.500 đồng), PVX giảm sàn về 1.300 đồng...
Trong khi ACB và SHB tăng điểm thì NVB giảm 1,2% về 8.500 đồng. SHB khớp 8,26 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Tiếp đó là ACB với 6,39 triệu đơn vị và PVS là 5,97 triệu đơn vị. NVB khớp 1,59 triệu đơn vị.
Các mã DST, HUT khớp hơn 3 triệu đơn vị; SPI, VGC, MST khớp hơn 2 triệu đơn vị. Trong đó DST giảm sàn về 3.200 đồng. HUT và SPI đứng giá.
Khá nhiều mã tăng trần như DPS, MBG, PVB, NSH, HKT, PVV...
Trên sàn UPCoM, đà tăng gặp nhiều thử thách trong phiên sáng, song đã ổn định hơn ở phiên chiều. Thanh khoản tích cực.
Đóng cửa, với 83 mã tăng và 72 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,52%) lên 51,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,68 triệu đơn vị, giá trị 352 tỷ đồng, tăng 17% về khối lượng và 55% về giá trị so với phiên 12/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,8 triệu đơn vị, giá trị hơn 129 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu lớn trên sàn này diễn biến khá phân hóa. BSR tăng 1,1% lên 18.100 đồng, khớp lệnh 2,99 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn. Nhưng POW giảm 1,3% về 14.700 đồng và OIL giảm 1,3% về 14.800 đồng. POW khớp 1,47 triệu đơn vị, OIL khớp 0,68 triệu đơn vị.
Tương tự là nhóm ngân hàng khi KLB tăng trần lên 11.000 đồng (+14,6%), BAB tăng 1% lên 20.700, còn LPB đứng giá 9.000 đồng, VIB giảm 0,4% về 27.400 đồng. Riêng LPB khớp 1,09 triệu đơn vị.
Cũng tăng trần còn có ART, TOP, SBS, ATB và ILA, trong đó ART khớp 2,66 triệu đơn vị.