Trong phiên giao dịch sáng, VN-Index nhanh chóng chìm trong sắc đỏ khi các mã bluechip đồng loạt giảm giá do lực cung cao, trong khi bên mua tỏ ra thận trọng. VN-Index nhanh chóng bị đẩy lùi xuống dưới mốc kháng cự quan trọng 950 điểm và nới rộng đà giảm trong những phút cuối phiên.
Quán tính của phiên sáng tiếp tục khiến VN-Index nới rộng đà giảm và lùi xa dần mốc 950 điểm, hướng tới vùng đáy cũ 937 – 940 điểm khi bước vào phiên chiều. Sau đó, lực cầu gia tăng giúp VN-Index hồi nhẹ trở lại lên gần ngưỡng 950 điểm, nhưng nhanh chóng bị kéo lùi về mức thấp nhất ngày 946,29 điểm khi chốt đợt khớp lệnh liên tục.
Tưởng chừng chốt chặn quan trọng 950 điểm sẽ bị mất trong phiên hôm nay, mở toang cánh cửa để VN-Index lùi về vùng đáy cũ 937 - 940 điểm, thậm chí có thể lùi xuống sâu hơn trong các phiên sắp tới, thì lực cầu bắt đáy trong đợt ATC đã cứu nguy cho thị trường.
Lực cầu bắt đáy gia tăng ở một số mã lớn trong đợt ATC đã giúp VN-Index nảy trở lại gần 4 điểm, giữ được mốc hỗ trợ quan trọng 950 điểm khi chốt phiên.
Chốt phiên, VN-Index giảm 4,09 điểm (-0,43%), xuống 950,08 điểm với 113 mã tăng và 163 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 142,8 triệu đơn vị, giá trị 3.299 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,4% về khối lượng, nhưng lại giảm 16% về giá trị so với phiên hôm qua do dòng tiền phiên hôm nay chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu thị giá thấp. Hôm nay, thỏa thuận đóng góp 44 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.065 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, chỉ có 3 mã tăng là 3 mã ngân hàng VCB, VPB và EIB, 7 mã đứng giá VHM, ROS, SAB, MBB, GAS, GMD và CII, còn lại 20 mã giảm giá, trong đó có VIC, VNM, MSN, VRE, CTG. Dù vậy, các cổ phiếu này cũng đã thoát khỏi mức giá thấp nhất ngày, ngoại trừ CTG, nhưng mức giảm của mã này cũng chỉ là 0,49% xuống 20.150 đồng.
Trong các mã lớn, mức giảm mạnh có thể kể đến HVN giảm 2,88% xuống 42.150 đồng, DHG giảm 2,5% xuống 109.200 đồng. Trong nhóm này, mã có thanh khoản tốt nhất là ROS với 10,74 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip đa số giảm giá, thì nhiều cổ phiếu có thị giá nhỏ lại tăng khá mạnh, trong đó có nhiều mã tăng trần như DLG, HAI, AMD, HID, RIC, DRH, VPH, các mã khác tăng giá như TSC, VOS, TGG, FIT, HHS, OGC, FLC, HAG…
Tuy nhiên, cũng có nhiều mã giảm sàn như MCG, CIG, đặc biệt là HVG tiếp tục có dư bán sàn lớn, lên tới hơn 1,5 triệu đơn vị sau khi công bố báo cáo xoát xét giữ niên độ với kết quả kinh doanh bết bát.
Trên HNX, chỉ số chính trên sàn này có lúc chớm xanh trong nửa đầu phiên chiều, nhưng nhanh chóng trở lại dưới tham chiếu và giằng co nhẹ trước khi đóng cửa ít thay đổi.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,06%), xuống 103,5 điểm với 51 mã tăng và 65 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,2 triệu đơn vị, giá trị 268 tỷ đồng, giảm 18,7% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,4 triệu đơn vị, giá trị 47 tỷ đồng.
HNX-Index giảm nhẹ và suýt đảo chiều thành công là nhờ có sự hỗ trợ của ACB và PVS khi 2 mã này tăng lần lượt 0,35% lên 28.600 đồng và 0,45% lên 22.200 đồng. Trong đó, PVS khớp 2,47 triệu đơn vị, đứng sau SHB với 2,62 triệu đơn vị, nhưng SHB đứng giá tham chiếu 7.000 đồng, còn ACB chỉ khớp hơn 0,8 triệu đơn vị.
Ngoài SHB và PVS, sàn HNX hôm nay chỉ có thêm NVB có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị (1,22 triệu), nhưng đóng cửa giảm 1,22% xuống 8.100 đồng.
Trên thị trường UPCoM, chỉ số UPCoM-Index nới rộng đà giảm trong phiên chiều và xác lập đáy của ngày trước khi nảy nhẹ trở lại vào cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,15 điểm (-0,27%), xuống 54,97 điểm với 79 mã tăng và 82 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,66 triệu đơn vị, giá trị 245 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,1 triệu đơn vị, giá trị 14,5 tỷ đồng.
Trên thị trường này hôm nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là GVR và FRM với 1,67 triệu đơn vị và 1,14 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa trái chiều. Trong đó, GVR tăng 2,21% lên 13.900 đồng, còn FRM giảm 0,88% xuống 11.300 đồng. BRS đứng thứ 3 về thanh khoản với 0,83 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 1 bước giá.