Phiên chiều 12/9: Bluechips đồng thuận, VN-Index lấy lại mốc 975 điểm

Phiên chiều 12/9: Bluechips đồng thuận, VN-Index lấy lại mốc 975 điểm

(ĐTCK) Việc hàng chục mã bluechips được kéo tăng giúp VN-Index tăng gần 7 điểm, qua đó lấy lại mốc 975 điểm, đóng cửa ở mức cao nhất ngày. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch vẫn diễn ra chậm khi nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát.

Mở cửa phiên sáng nay 12/9, VN-Index đã sớm bật tăng lên mốc 975 điểm khi nhận được tín hiệu tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới trước đó vài giờ. Dẫu vậy, đà tăng không ổn định khi tâm lý giao dịch tiếp tục duy trì trạng thái thận trọng, bên cạnh lực bán thăm dò luôn trực sẵn trong mỗi nhịp hồi của chỉ số. Do đó, VN-Index chủ yếu diễn biến giằng co trong phiên sáng.

Trong phiên chiều, một lần nữa VN-Index bật tăng trở lại mốc 975 điểm. Động lực tăng của chỉ số xuất phát từ việc hàng chục mã bluechips được kéo tăng. So với phiên sáng, áp lực bán không còn nhiều, trong khi sức cầu cũng ổn định hơn nên VN-Index giữ được mốc này cho đến hết phiên.

Nhìn chung, phiên này VN-Index tăng tích cực về điểm số, nhưng hoạt động giao dịch lại là điểm trừ khi tâm lý thận trọng vẫn chi phối khiến dòng tiền ì ạch chảy thị trường. Thanh khoản do đó mà sụt giảm khá mạnh.

Đóng cửa, với 200 mã tăng và 106 mã giảm, VN-Index tăng 6,76 điểm (+0,7%) lên 976,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 141,3 triệu đơn vị, giá trị 3.267,6 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 11/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18 triệu đơn vị, giá trị hơn 448 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có tới 22 mã tăng và chỉ 4 mã giảm. Tương tự, Top 30 mã vốn hóa lớn nhất cũng có 20 mã tăng và chỉ 6 mã giảm. Sự đồng thuận từ nhóm cổ phiếu lớn là động lực chính để VN-Index tăng tích cực phiên này.

Trong các mã tăng, HVN và FPT là tích cực nhất khi cùng tăng trên 4%. Ngoài ra, các mã BVH, VJC, HPG cùng tăng trên 2% hay nhóm ngân hàng cũng tăng gần 2% giá trị.

Ngược lại, các mã giảm mạnh nhất là MSN, ROS, BHN, SAB. Trong đó, ROS -2,2% về 26.700 đồng, khớp lệnh 14,48 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, các mã HPG, FPT cũng hút tiền mạnh phiên này khi khớp lần lượt 5,56 triệu và 3,79 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, nhóm bất động sản nói chung và bất động sản nói riêng cũng đồng loạt tăng trở lại. Các mã tăng tốt cả về thanh khoản lẫn điểm số có DXG, HBC, FLC, KBC…

Một số mã tăng trần là TGG, DBD, TSC, HAR, VNE, TDC…, nhưng đáng chú ý hơn là giao dịch đột biến tại DBD khi khớp lệnh lên tới 1,22 triệu đơn vị, trong khi bình quân chỉ khớp khoảng quanh mức chục nghìn đơn vị mỗi phiên.

YEG có thêm phiên giảm mạnh 5,8% về 61.800 đồng, thanh khoản cũng giảm trở lại sau khi Chủ tịch và Tổng giam đốc đã mua xong 3 triệu cổ phiếu bằng hình thức thỏa thuận với một cổ đông lớn. Trước đó, YEG đã giảm sàn.

Mã FTM tiếp tục lao dốc khi ghi nhận phiên giảm sàn thứ 20 liên tiếp về mức 5.690 đồng với lượng dư bán sàn hơn 8,9 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến sàn này giằng co diễn ra trong suốt phiên giao dịch, song vẫn giữ được mức tăng gần cao nhất ngày. Dẫu vậy, giao dịch khớp lệnh trên sàn này cũng là một điểm trừ.

Đóng cửa, với 73 mã tăng và 60 mã giảm, HNX-Index tăng 0,94 điểm (+0,94%) lên 101,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,8 triệu đơn vị, giá trị 481 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng 37% về giá trị so với phiên 11/9 chủ yếu nhờ giao dịch thỏa thuận khi đóng góp tới 438 tỷ đồng.

Cũng tương tự như trên HOSE, sắc xanh cũng chiếm ưu thế tại rổ HNX30 hay nhóm vốn hóa lớn trên HNX để giúp HNX-Index duy trì đà tăng. Các mã tăng tích cực có ACB, PVS, VCS, CEO, PHP, PTI… với mức tăng khoảng 2%.

Trong đó, CEO bất ngờ dẫn đầu thanh khoản với 2,13 triệu đơn vị được khớp, đứng trên PVS và SHB với cũng lượng khớp hơn 1,7 triệu đơn vị. SHB đứng giá 6.200 đồng. Đây cũng là 3 mã duy nhất khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị trên HNX.

Trên UPCoM, sắc xanh được giữ trong suốt phiên giao dịch, thậm chí sàn này kết phiên ở mức cao nhất phiên, cho dù liên tục rung lắc mạnh. Đáng chú ý, thanh khoản phiên này chỉ đạt chưa đầy 190 đồng - thấp đột biến so với mức bình quân khoảng 350 tỷ đồng mỗi phiên từ đầu năm đến nay.

Đóng cửa, với 109 mã tăng và 152 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,58 điểm (+1,04%) lên 56,4 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 11,28 triệu đơn vị, giá trị hơn 189 tỷ đồng, giảm 46% về khối lượng và 61% về giá trị so với phiên 11/9. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,29 triệu đơn vị, giá trị gần 41 tỷ đồng.

Đa phần các mã lớn trên sàn này đều tăng như CTR, GVR, VGI, VIB, VEA, VGT, VGR, OIL SSN, ACV, MPC…

Tuy nhiên, toàn sàn không có mã khớp lệnh tới 1 triệu đơn vị. CTR khớp lệnh cao nhất cũng chỉ đạt gần 0,77 triệu đơn vị.

Một số mã nhỏ ghi nhận tăng trần như VNA, SBS, SRT, ILA, CDO…

Trên thị trường phái sinh, trong 3 hợp đồng trái phiếu, có 1 hợp đồng có giao dịch là GB05F2003 đáo hạn ngày 13/3/2020 với thanh khoản là 15 hợp đồng.

Còn với 4 hợp đồng tương lai VN30, tất cả đều tăng giá. Trong đó, VN30F1909 đáo hạn ngày 19/9 là mã tăng mạnh nhất, đạt 0,27% lên 887,1 và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất với 35.880 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 18.775 hợp đồng.

Với các sản phẩm chứng quyền, trong số 17 mã đang niêm yết, có 4 mã giảm, 1 mã đứng giá, còn lại là 13 mã tăng. Trong đó, CMBB1901 có thanh khoản tốt nhất với 625.580 đơn vị, đóng cửa tăng lên 2.270 đồng. Tiếp đến là CREE1901 với 336.980 đồng và cũng tăng lên 1.600 đồng.

Tin bài liên quan