Trong phiên sáng, sau ít phút le lói sắc xanh đầu phiên, lực cung gia tăng trên diện rộng, nhất là ở nhóm bluechip đã đẩy các chỉ số chính quay đầu giảm và đóng cửa phiên sáng trong sắc đỏ. Chỉ có một số mã thị trường đi ngược xu hướng chung nhờ dòng tiền đầu cơ chảy mạnh.
Bước vào phiên chiều, khi các thị trường trong khu vực bị nhộm đỏ với nỗ lo dịch Covid-19 lan rộng, cùng với đó là Việt Nam ghi nhận ca nhiễm thứ 35 là người tiếp xúc với 2 bệnh nhân người Anh tại Đà Nẵng khiến tâm lý nhà đầu tư bất an.
Lực bán tháo ồ ạt diễn ra ngay khi thị trường bước vào phiên giao dịch chiều, chỉ trong 5 phút, VN-Index rơi thẳng đứng và theo đà giảm tới gần 41 điểm (tương đương 4,9%), xuống dưới ngưỡng 975 điểm sau khoảng 15 phút giao dịch. HNX-Index cũng tương tự trong cùng thời gian mất hơn 3,4% xuống sát ngưỡng 102,5 điểm.
Tưởng chừng phiên đen tối thứ Hai lại xuất hiện trong phiên hôm nay, thì lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc mạnh mẽ. Trước sự hoảng loạn của thị trường, đẩy nhiều mã xuống mức sàn, nhiều nhà đầu tư đã tận dụng thời cơ gom hàng, giúp giao dịch thị trường sôi động, kéo nhiều mã hồi nhẹ trở lại, qua đó cũng chặn đà rơi của 2 chỉ số chính. Cả VN-Index và HNX-Index đều đi lên, trong khi VN-Index lấy lại được gần phân nửa điểm số đã mất từ mức đáy của ngày, thì HNX-Index thậm chí còn tiến xa hơn, đóng cửa trên mức điểm chốt của phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index giảm 26,15 điểm (-3,12%), xuống 811,35 điểm với 77 mã tăng, trong khi có tới 296 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 318,6 triệu đơn vị, giá trị 5.465,6 tỷ đồng, tăng 7% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,3 triệu đơn vị, giá trị 1.359 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,67 điểm (-0,64%), xuống 105,52 điểm với 52 mã tăng và 95 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 77,7 triệu đơn vị, giá trị 854 tỷ đồng, tăng tới 370% về khối lượng và 255% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 77,3 tỷ đồng.
Về các mã cổ phiếu, trong khi hàng loạt mã lớn giảm sàn, thì nhiều cổ phiếu nhỏ lại đi ngược thị trường nổi sóng lớn nhờ dòng tiền đầu cơ chảy mạnh.
Cụ thể, trên HOSE, trong nhóm cổ phiếu lớn, nhóm ngân hàng với BID, TCB, VPB, STB giảm sàn, các mã khác như VCB, CTG, MBB, HDB giảm từ hơn 3% đến hơn 5%.
Ngoài ra, còn có nhiều mã bluechip khác giảm sàn như SSI, PVD, MWG, HCM, PNJ, GAS, VJC…, cùng hàng loạt mã khác cũng giảm kịch biên độ như HHS, TCH, LMH, DRH, HDC, DGW, HDG, FRT, DIC, NTL, CTD, YEG…
Trong top 30 mã vốn hóa lớn nhất sàn HOSE không có mã nào tăng giá, chỉ có VHM, NVL, TPB, BHN nhờ lực cầu bắt đáy tốt nên trở lại tham chiếu.
Trong nhóm bluechip, STB là mã có thanh khoản tốt nhất với 18,8 triệu đơn vị được khớp và cũng là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường. Tiếp đến là HPG và CTG với hơn 8,5 triệu đơn vị, MBB gần 8 triệu đơn vị, VPB gần 6,5 triệu đơn vị, TCB hơn 5,6 triệu đơn vị, POW hơn 5 triệu đơn vị…
Trong khi đó, sóng lại nổi lên ở các mã nhỏ như HAI, HQC, AMD, QCG, HID. Trong đó, HQC, HAI và AMD là 3 mã có thanh khoản đứng tiếp sau STB với 17,37 triệu đơn vị, 14,58 triệu đơn vị và 12,34 triệu đơn vị.
Trong khi đó, FLC, DLG quay đầu giảm 4,45% xuống 3.650 đồng và 3,35% xuống 1.730 đồng với 12 triệu đơn vị và 9,75 triệu đơn vị.
Trên HNX, trong khi SHB bùng nổ leo lên mức trần 11.100 đồng với 28,79 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần tới hơn 5,3 triệu đơn vị. KLF cũng an vị ở mức trần như phiên sáng 1.600 đồng, với 5,7 triệu đơn vị được khớp và cũng còn dư mua giá trần.
Trong khi đó, hàng loạt mã lớn khác giảm mạnh, như ACB giảm 3,31% xuống 23.400 đồng, khớp 7,84 triệu đơn vị, đứng sau SHB. VCS giảm 4,61% xuống 60.000 đồng. PVI giảm 3,25% xuống 29.800 đồng. PVS giảm 6,98% xuống 12.000 đồng, khớp 5,1 triệu đơn vị. NVB giảm 1,15% xuống 8.600 đồng, khớp 2,9 triệu đơn vị…
UPCoM cũng có giao dịch tương tự 2 sàn niêm yết khi chỉ trong vòng 5 lực bán tháo ồ ạt diễn ra đẩy chỉ số chính của sàn lao thẳng đứng, trước khi hãm đà rơi nhờ lực cầu bắt đáy.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,94 điểm (-1,75%), xuống 52,48 điểm với 75 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 18,5 triệu đơn vị, giá trị 290 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,8 triệu đơn vị, giá trị 78,6 tỷ đồng.
Hai mã có thanh khoản tốt nhất thị trường này vẫn là LPB và BSR, nhưng đổi chỗ cho nhau. Trong đó, BSR khớp lớn nhất thị trường với hơn 4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,43% lên 7.100 đồng, còn LPB khớp 3,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,35% lên 7.500 đồng.
Ngoài 2 mã trên, phiên chiều chỉ ghi nhận thêm VIB tham gia nhóm khớp trên 1 triệu đơn vị (2,3 triệu đơn vị), nhưng đóng cửa giảm 1,19% xuống 16.600 đồng.
Trên thị trường phái sinh, với việc VN30-Index giảm 3,97% xuống 758,16 điểm, tất cả các hợp đồng tương lai của chỉ số này cũng giảm mạnh, thậm chí VN30F2004 đáo hạn ngày 16/4 còn giảm sàn xuống 750,6 điểm với 1.386 hợp đồng được chuyển nhượng và trắng bên mua.
Trong khi đó, hợp đồng có thời gian đáo hạn gần nhất là VN30F2003 (ngày 19/3) giảm 4,67% xuống 745 điểm với 212.493 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 17.051 hợp đồng, có lúc cũng giảm sàn xuống 726.800 đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng tràn ngập như trên thị trường cơ sở, chỉ có 5 mã tăng giá là CMSN1902, CPNJ2001, CREE1905, CVNM1903, CVNM2001. Mã có thanh khoản tốt nhất hôm nay là CMWG1907 với gần 1,19 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 33,33% xuống 20 đồng.