Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, đà giảm của các TTCK trong khu vực khiến VN-Index giảm điểm khá chóng vánh sau ít phút đầu lưỡng lự. Mặc dù đã nỗ lực hồi phục, nhưng sự thận trọng của nhà đầu tư khiến nỗ lực này không duy trì được lâu và VN-Index đuối dần.
Trong phiên chiều, diễn biến suy yếu tiếp tục được thể hiện, thậm chí có thời điểm VN-Index đã lùi qua mốc 950 điểm. Tại thời điểm chỉ số lùi sâu, cầu bắt đáy đã được khởi động, song chưa đủ mạnh để có thể kéo VN-Index về được tham chiếu. Đó cũng là điều tích cực nhất được ghi nhận trong phiên này.
Ngoài làm hạn chế động lực tăng, sự thận trọng còn khiến dòng tiền vào thị trường khá nhỏ giọt, thanh khoản theo đó giảm mạnh so với phiên hôm qua.
Đóng cửa, với 114 mã tăng và 179 mã giảm, VN-Index giảm 1,31 điểm (-0,14%) xuống 954,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 155,64 triệu đơn vị, giá trị 3.306,15 tỷ đồng, giảm 27% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên 10/12.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp đáng kể với hơn 54 triệu đơn vị, giá trị 1.330 tỷ đồng. Đáng chú ý, TCB được thỏa thuận 24,49 triệu đơn vị ở mức giá sàn 26.300 đồng, giá trị hơn 644 tỷ đồng; 6 triệu cổ phiếu EIB cũng ở mức giá sàn 12.850 đồng, giá trị hơn 77 tỷ đồng...
Trong phần lớn thời gian giao dịch, sức cầu tại các nhóm cổ phiếu trụ như ngân hàng, dầu khí... là rất hạn chế, ảnh hưởng đến động lực tăng của Index. Tuy nhiên, về cuối phiên đã có sự cải thiện, qua đó giúp chỉ số thu hẹp đà giảm.
Một số mã có sự hồi phục khá tốt như CTG, TCB, MBB, VIC, VHM, VRE, MSN, PNJ... MBB tăng 0,7% lên 22.250 đồng và khớp 8,85 triệu đơn vị, dẫn dầu sàn. CTG tăng 0,9% lên 23.300 đồng và khớp 3,25 triệu đơn vị. TCB tăng 0,2% lên 28.300 đồng và khớp 2,45 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu Vingroup tuy tăng, nhưng mức tăng không nhiều, thanh khoản hạn chế. VIC tăng 0,1% lên 102.200 đồng và khớp lệnh 0,45 triệu đơn vị. VHM tăng 0,4% lên 80.300 đồng và khớp 0,14 triệu đơn vị.
SAB tăng 2% lên 253.000 đồng - là một trong số ít mã lớn tăng mạnh để hỗ trợ chỉ số.
Phiên này tiếp tục ghi nhận mức giảm mạnh của nhóm thép và dầu khí do ảnh hưởng của sự sụt giảm của giá dầu thế giới và giá thép Trung Quốc. Với HPG, mức giảm 0,9% ở phiên này tiếp tục đưa giá cổ phiếu về mức 33.000 đồng - thấp nhất trong năm nay, khớp lệnh 6,79 triệu đơn vị.
Nhiều nhóm cổ phiếu trụ khác cũng giảm điểm như ngân hàng (VCB, BID, VPB...), chứng khoán (SSI, HCM...), tiêu dùng - bán lẻ (VNM, FPT, MWG...)...
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếu ưu thế dù mức giảm không mạnh, đi kèm với đó là thanh khoản thấp trước sức cầu hạn chế, có thể kể đến như FLC, ROS, HAG, HNG, OGC, ASM, SCR, ITA, QCG... FLC khớp lệnh mạnh nhất nhóm cũng chỉ đạt hơn 4 triệu đơn vị, giảm 0,2% về 5.310 đồng.
Một số mã đi ngược thị trường với mức tăng trần như HTT, APG, TDG, DIC... Đáng chú ý, phiên tăng này (đạt 2.560 đồng, +6,7%) đã nâng chuỗi tăng giá của HTT lên con số 11, trong đó có 7 phiên trần.
Trên sàn HNX, diễn biến có phần trái ngược với HOSE. Sức cầu khá tích cực và được duy trì tương đối ổn định, trong khi sức ép cũng không lớn. Điều này giúp HNX-Index chủ yếu dao động trong biên độ rất hẹp trong phiên.
Đóng cửa, với 58 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,21%) xuống 106,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 43,6 triệu đơn vị, giá trị 573 tỷ đồng, tăng 50% về khối lượng và 32% về giá trị so với phiên 10/12.
Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp tích cực với 12,2 triệu đơn vị, giá trị 139,3 tỷ đồng. Đáng chú ý, SHB và VCG cùng được thỏa thuận ở mức giá sàn, lần lượt là 4 triệu và 2,23 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 52 tỷ đồng và 35,4 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu lớn trên sàn này, ACB bật tăng vào cuối phiên lên 30.600 đồng (+0,3%) để hỗ trợ HNX-Index, khớp lệnh 2,48 triệu đơn vị. VCG tăng tích cực hơn, đạt 2,5% lên 20.700 đồng, khớp lệnh 2,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, SHB và NVB đứng giá tham chiếu, khớp lệnh 3,8 triệu và 1,08 triệu đơn vị.
Cũng như HOSE, đa phần nhóm cổ phiếu trên HNX giữ sắc đỏ, trong đó PVS giảm 1,5% về 20.100 đồng, khớp lệnh 4,5 triệu đơn vị, dẫn dầu sàn. Tuy nhiên, PVX tăng trần lên 1.200 đồng (9,1%), thanh khoản thấp với 0,2 triệu đơn vị. Khá nhiều mã thị giá nhỏ tăng trần như DS3, KLF, SPP, DCS, IDJ...
Ở chiếu ngược lại, các mã MST, SPI, OCH, ACM, PVL... giảm sàn, trong đó MST khớp lệnh 1,8 triệu đơn vị, giảm về 6.200 đồng (-8,8%). Như vậy, sau chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp, MST đã có 3 phiên liền không tăng.
Trên sàn UPCoM, giao dịch giằng co mạnh và mất sắc xanh từ nửa cuối phiên sáng. Sự hồi phục đã xuất hiện trong thời gian cuối phiên, nhưng chưa đủ mạnh để về được tham chiếu.
Đóng cửa, với 71 mã tăng và 81 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,09%) xuống 53,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 14,45 triệu đơn vị, giá trị 241 tỷ đồng, tăng 93% về khối lượng và 72% về giá trị so với phiên 10/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 32,3 tỷ đồng chủ yếu đến từ 1,7 triệu cổ phiếu FIC ở mức giá sàn 9.700 đồng, giá trị 18,4 tỷ đồng.
3 mã có thanh khoản cao nhất sàn đều giảm điểm. Đáng chú ý, "cánh chim lạ" WTN dẫn đầu thanh khoản với 2,39 triệu đơn vị được khớp, giảm mạnh 9,1% về 10.000 đồng. Tiếp đó là sự đồng điệu của BSR và POW khi cùng giảm 2% về cùng mức giá 15.000 đồng và cùng khớp lệnh hơn 1,7 triệu đơn vị.
Nhiều mã lớn khác như LPB, OIL, HVN, VGT, GVR, ACV, MPC... cũng giảm điểm. Những mã lớn tăng điểm có QNS, VCM, VIB, MSR...