Phiên chiều 11/11: Lực bán lan rộng, sắc đỏ bao phủ bảng điện tử

Phiên chiều 11/11: Lực bán lan rộng, sắc đỏ bao phủ bảng điện tử

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng và lan rộng trong phiên giao dịch chiều 11/11 khiến sắc đỏ bao phủ trên diện rộng. Thị trường nới rộng biên độ giảm hơn về cuối phiên đã đẩy VN-Index về sát mốc 1.015 điểm.

Sau những cố gắng để tiến vào vùng đỉnh tháng 10/2018 tại 1.024,68 điểm đến 1.030 điểm, đà tăng của thị trường đang có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh dòng tiền có phần thận trọng hơn, áp lực bán ra ở một số mã lớn cũng gia tăng sức ép khiến VN-Index giao dịch giằng co.

Trong phiên sáng nay 11/11, thị trường cũng duy trì trạng thái giao dịch ảm đạm. Chỉ số VN-Index tiếp tục xu thế lình xình trong biên độ hẹp trước sự phân hóa chung của thị trường và đã lui về dưới mốc tham chiếu khi chốt phiên sáng.

Bước sang phiên chiều, sau ít phút đầu phiên le lói sắc xanh, áp lực bán dâng cao và lan rộng bảng điện tử khiến biên độ giảm càng nới rộng hơn. Chỉ số VN-Index nhanh chóng chia tay ngưỡng 1.020 điểm chỉ sau hơn 25 phút giao dịch và tiếp tục lùi sâu hơn về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 121 mã tăng và có tới 208 mã giảm, VN-Index giảm 5,74 điểm (-0,56%), xuống 1.016,75 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 210,43 triệu đơn vị, giá trị 4.641,35 tỷ đồng, tăng hơn 16% về khối lượng và 11,38% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (8/11).

Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,66 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.066 tỷ đồng, trong đó, GTN thỏa thuận gần 17,15 triệu đơn vị, giá trị hơn 331,8 tỷ đồng; VCI thỏa thuận 3,21 triệu đơn vị, giá trị 102,53 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 8 mã xanh nhạt gồm FPT, HPG, MBB, TCB, VHM, VNM, VRE, ROS chỉ tăng trên dưới 0,5%. Trong đó, cặp đôi ROS và MBB vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh tương ứng 28,53 triệu đơn vị và 13,6 triệu đơn vị.

Trái lại có 19 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, đáng kể một số mã lớn tác động mạnh tới diễn biến chỉ số chung của thị trường như VIC giảm 1,3% xuống 118.900 đồng/CP, GAS giảm 1,3% xuống 104.300 đồng/CP, MSN giảm 3% xuống 74.500 đồng/CP, SAB giảm 1,9% xuống 255.100 đồng/CP, CTG giảm 1,6% xuống 21.950 đồng/CP…

Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu nhỏ, hàng loạt mã đua nhau tăng trần. Trong đó, HVG có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp lên mức giá 6.800 đồng/CP và thanh khoản có phần sụt giảm do vắng bóng lượng hàng tung ra, với khối lượng khớp lệnh hơn nửa triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần lên tới hơn 3 triệu đơn vị; các mã HAR, HCD, BCG cũng có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp cùng khối lượng khớp lệnh đều trên 1 triệu đơn vị.

MCG cũng xác lập phiên khoác áo tím thứ 7 liên tiếp, lên mức giá 2.650 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 70.000 đơn vị và dư mua trần gần 200.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến cũng tương tự sàn HOSE. Sắc xanh le lói ngay khi bước vào phiên chiều đã nhanh chóng bị dập tắt và HNX-Index trở lại giao dịch dưới mốc tham chiếu.

Đóng cửa, sàn HNX có 35 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,48%), xuống 106,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,5 triệu đơn vị, giá trị 225,25 tỷ đồng, giảm 15,25% về lượng và giảm 28,49% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,55 triệu đơn vị, giá trị 40,77 tỷ đồng.

Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn HNX giao dịch thiếu tích cực khi không có mã nào khởi sắc.

Ngoại trừ PVI và PHP đứng giá tham chiếu còn lại đều giảm. Đáng kể, VCS giảm 1,5% xuống 87.200 đồng/Cp, VCG giảm 0,7% xuống 27.100 đồng/CP, SHB giảm 1,5% xuống 6.700 đồng/Cp, ACB giảm 0,4% xuống 24.700 đồng/CP, DGC giảm 1,1% xuống 26.800 đồng/CP...

Trong nhóm HNX30 chỉ còn 4 mã tăng, trong đó chủ yếu nhích nhẹ chưa tới 0,5%, chỉ có DP3 tăng 1,9% lên 65.700 đồng/CP.

5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm HUT khớp 2,87 triệu đơn vị, SHB khớp 2,49 triệu đơn vị, ACB khớp 1,72 triệu đơn vị, PVS khớp 1,59 triệu đơn vị, BII khớp gần 1,2 triệu đơn vị. Trong đó, HUT và BII đóng cửa tại mức giá trần, còn lại điều chỉnh nhẹ.

Trên UPCoM, thị trường giao dịch khá giằng co và UPCoM-Index cũng đã lùi về dưới mốc tham chiếu khi kết phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,01 điểm (-0,02%), xuống 56,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 6 triệu đơn vị, giá trị 108,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,64 triệu đơn vị, giá trị 130,56 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn giảm 1% và kết phiên tại mức giá 9.900 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 1,14 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng giao dịch không mấy tích cực như VEA giảm 0,8% xuống 49.400 đồng/CP, VGI giảm 0,9% xuống 31.500 đồng/CP, MSR giảm 0,6% xuống 17.100 đồng/CP, ACV giảm 0,5% xuống 77.800 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó VN30F1911 vẫn được giao dịch mạnh tay nhất với gần 31.340 hợp đồng được sang tay, và giảm 0,21% xuống 939,2 điểm.

Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa mạnh diễn ra với 11 mã tăng, 28 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong đó, CVRE1901 vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 87.410 đơn vị, và kết phiên tại mức 20 đồng/CQ, giảm 60%; tiếp đó là CMBB1905, với hơn 61.370 đơn vị và CMWG1906 với hơn 58.840 đơn vị.

Tin bài liên quan