Trong phiên sáng, nối tiếp đà tăng từ cuối phiên hôm qua, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay với tiến tới thử thách ngưỡng đỉnh cũ 975,34 điểm xác lập hôm 5/7. Tuy nhiên, lực cầu không mạnh khiến chỉ số này chỉ dừng lại ở ngưỡng dưới 974 điểm khi chốt phiên.
Bước sang phiên chiều, VN-Index một lần nữa thử thách ngưỡng 975 điểm, nhưng bất thành do dòng tiền tham gia còn thận trọng. Độ rộng của thị trường cũng khá cân bằng, nhưng nhờ nhóm cổ phiếu lớn giữ được sắc xanh, nên VN-Index vẫn duy trì được mức điểm như phiên sáng.
Chốt phiên, VN-Index tăng 4,60 điểm (+0,47%), lên 973,65 điểm với 145 mã tăng và 148 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 154,56 triệu đơn vị, giá trị 3.870 tỷ đồng, giảm 8,8% về khối lượng và 11,77% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 30 triệu cổ phiếu, giá trị 1.074,3 tỷ đồng.
Trong nhóm cổ phiếu lớn, áp lực bán gia tăng khiến BID quay đầu giảm 0,61% xuống 32.400 đồng, CTG cũng chỉ còn tăng nhẹ 0,24% lên 21.000 đồng, dù phiên sáng tăng gần 1,2%. Ngoài ra, VNM cũng lùi về tham chiếu, VRE tiếp tục giảm 0,69% xuống 36.150 đồng, trong khi MSN trở lại tham chiếu 84.200 đồng.
Trong khi đó, GAS và SAB lại nới rộng đà tăng với mức tăng lần lượt 1,34% lên 105.800 đồng và 1,42% lên 285.000 đồng. Các mã khác như VIC, VHM, VCB cũng duy trì đà tăng, nhưng mức tăng nhẹ dưới 1%. Trong nhóm này, CTG vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 2,67 triệu đơn vị, tiếp đến là VRE với 1,28 triệu đơn vị.
Trong Top 30 mã vốn hóa lớn, trong khi VJC nới rộng đà tăng với mức 2,02% lên 131.500 đồng, với 0,8 triệu đơn vị, thì HVN lại hãm đà tăng so với phiên sáng khi đóng cửa tăng 1,05% lên 43.250 đồng, với 1,9 triệu đơn vị được khớp.
Cũng có mức tăng tốt là BVH, NVL, MWG, POW, trong khi MBB, HDB, BHN đóng cửa trong sắc đỏ.
Về thanh khoản, với lượng khớp đột biến (gần 6 triệu đơn vị) trong đợt ATC, ROS tiếp tục là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với 11,89 triệu đơn vị, đóng cửa còn giảm nhẹ 0,17% xuống 29.200 đồng.
AAA có thanh khoản tốt thứ 2 vơi hơn 6 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 1,82% xuống 18.900 đồng. Tiếp đến là DLG với hơn 4 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,82% lên 1.630 đồng.
Trong khi đó, SJF tiếp tục yên vị ở mức sàn 3.760 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp, dư bán sàn hơn 1 triệu đơn vị. Ngược lại, HAH lại leo lên mức trần 12.800 đồng với hơn 1 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần.
Trong khi đó, trên HNX, việc ACB, VCG quay đầu giảm giá khiến HNX-Index lao mạnh xuống sát tham chiếu ngay khi bước vào phiên chiều và chạm sắc đỏ khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, nỗ lực ít ỏi trong đợt ATC đã giúp chỉ số này may mắn thoát sắc đỏ khi chốt phiên hôm nay.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,04 điểm (+0,04%), lên 105,14 điểm với 85 mã tăng và 56 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 28,8 triệu đơn vị, giá trị 451 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,5 triệu đơn vị, giá trị 88,4 tỷ đồng.
Trong các mã lớn, ACB giảm 0,67% xuống 29.600 đồng, mức thấp nhất ngày với 1,12 triệu đơn vị, VCG giảm 0,38% xuống 26.200 đồng với 0,5 triệu đơn vị, VCS giảm 1,45% xuống 68.100 đồng với 0,27 triệu đơn vị.
Trong khi đó, PVS duy trì đà tăng 2,54% lên 24.200 đồng với 5,68 triệu đơn vị, lớn nhất sàn, PVI tăng nhẹ 0,27% lên 36.600 đồng, DGC tăng 0,97% lên 31.200 đồng, NVB tăng 1,23% lên 8.200 đồng, còn SHB đứng giá tham chiếu 6.700 đồng.
Trên UPCoM, chỉ số chính của thị trường tịnh tiến đi lên theo hình giăng cưa trong phiên chiều nay, nhưng không giữ được mức điểm cao nhất ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,76%), lên 56,3 điểm với 117 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 22,86 triệu đơn vị, giá trị 416 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 10,4 triệu đơn vị, giá trị 188,8 tỷ đồng.
Thị trường này ngoài GVR trong phiên sáng còn có thêm BSR có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, GVR đóng cửa tăng 1,5% lên 13.500 đồng với 1,88 triệu đơn vị, BSR tăng 2,5% lên 12.300 đồng với 1,49 triệu đơn vị.
Ngoài ra, sắc xanh còn xuất hiện tại nhiều mã khác như VGI, G36, CTR, OIL, VEA, ACV, VGG… Thậm chí, nhiều mã nhỏ tăng trần như VNA, SSN, ABC, SDP, PVV, NNG, ILA, TOP, CDO…
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, trong khi hợp đồng trái phiếu tương lai gần như chết thanh khoản do chỉ có đối tượng tổ chức được tham gia, thì nhóm hợp đồng VN30 lại giao dịch khá sôi động. Trong đó, mã có thanh khoản nhất là VN30F1907 đáo hạn ngày 18/7 với 95.626 đơn vị, khối lượng mở 26.231 đơn vị. Đóng cửa tăng 0,35% lên 877,6 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh của phiên sáng đã biến mất gần hết trong phiên chiều, chỉ còn 3 mã tăng nhẹ là CFPT1901, CMWG1901, CMWG1902. Tuy nhiên, các mã còn lại cũng chỉ giảm nhẹ không đáng kể.
Về thanh khoản, CMWG1902 là mã có thanh khoản tốt nhất với 278.340 đơn vị. Tiếp đến là CHPG1902 với 204.690 đơn vị, trong đó khối ngoại mua 128.170 đơn vị và bán ra 133.340 đơn vị.