Mặc dù thiếu động lực bởi dòng tiền tham gia hạn chế nhưng diễn biến khởi sắc của các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường vẫn duy trì đà tăng khá tốt trong phiên sáng đầu tuần 10/6, thậm chí có thời điểm VN-Index được kéo qua vùng 965 điểm.
Bước sang phiên chiều, chỉ số VN-Index tăng vọt, vượt qua đỉnh của phiên sáng chỉ sau ít phút giao dịch. Tuy nhiên, lên nhanh và xuống cũng nhanh. Nỗ lực chinh phục thử thách mới bất thành đã phải trả giá khi VN-Index bị kéo tụt về sát mốc tham chiếu sau khoảng 45 phút giao dịch.
Ngay khi để thủng mốc 960 điểm, lực cầu bắt đáy được kích hoạt đã giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy không có sự bứt phá mạnh, nhưng cũng đủ giúp VN-Index thoát khỏi phiên giảm điểm đáng tiếc hôm nay.
Đóng cửa, sàn HOSE với 158 mã tăng và 132 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 4,62 điểm (+0,48%) lên 962,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 154,9 triệu đơn vị, giá trị 3.834,41 tỷ đồng, tăng 4,66% về lượng và 16,12% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có đóng góp tích cực với 36,13 triệu đơn vị, giá trị 1.076,28 tỷ đồng, trong đó trái phiếu MSN11718 thỏa thuận 3 triệu đơn vị, giá trị 307,62 tỷ đồng.
Trong khi VIC và VRE vẫn duy trì đà tăng nhẹ, thì người anh em khác là VHM lại đảo chiều giảm 0,24% xuống 82.000 đồng/CP.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh TCB đảo chiều giảm, BID quay về mốc tham chiếu, mã đầu ngành VCB cũng thu hẹp biên độ khi tăng 1,7% lên 66.700 đồng/CP, còn lại vẫn biến động nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Nhóm dầu khí cũng kém khởi sắc với GAS chỉ còn tăng 0,5% và kết phiên tại 103.500 đồng/CP, còn PLX, PVD đều đóng cửa tại mốc tham chiếu. Thêm vào đó, một số mã lớn khác hạ độ cao như MSN, VNM, MWG, HVN…
Trái lại, cặp đôi cổ phiếu bia tăng khá tốt với SAB tăng 2% lên mức cao nhất ngày 281.800 đồng/CP, BHN tăng 1% lên 98.000 đồng/CP.
Cổ phiếu ROS cũng có màn đảo chiều ấn tượng nhờ lực cầu tăng mạnh. Với mức tăng 3,3%, cổ phiếu ROS đóng cửa tại mức cao nhất ngày 31.000 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường đạt 8,81 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Tâm điểm đáng chú ý là nhóm hạ tầng khu công nghiệp thu hút dòng tiền khá mạnh và các cổ phiếu như NTC, SZL, SZC, SNZ, D2D, BCM…đồng loạt tăng vọt.
Trong khi đó, áp lực bán gia tăng khiến HNX-Index rung lắc mạnh trong phiên chiều và đã bị đẩy về dưới mốc tham chiếu khi kết phiên.
Cụ thể, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,2%) xuống 103,99 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 16,29 triệu đơn vị, giá trị 211,12 tỷ đồng, giảm 28,36% về lượng và 21,85% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đạt 4,41 triệu đơn vị, giá trị 32,45 tỷ đồng.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, khá nhiều mã đảo chiều giảm nhẹ trong phiên chiều như ACB, SHB, PVI, SHS, DGC… Tuy mức giảm chỉ một vài bước giá, nhưng cũng tác động thiếu tích cực tới thị trường.
Trái lại, PVS, VCG, VCS, PVB… cũng chỉ nhích một vài bước giá, ngoại trừ L14 vẫn giữ được mức tăng khá tốt 3,23% lên 48.000 đồng/CP.
Bên cạnh việc giữ mức tăng nhẹ 0,44% và kết phiên tại mức 22.700 đồng/CP, cổ phiếu PVS vẫn là mã dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, đạt 2,74 triệu đơn vị, đây cũng là cổ phiếu duy nhất có khối lượng khớp hàng triệu đơn vị. Đứng ở vị trí thứ 2 vẫn là TIG khớp 974.400 đơn vị.
Trên UPCoM, mặc dù giữ phiên bị đẩy về sát mốc tham chiếu nhưng đà hồi phục nhanh chóng quay lại.
Kết phiên, UPCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,41%) lên 54,83 điểm với tổng hối lượng giao dịch hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị 183,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 5,73 triệu đơn vị, giá trị 90,35 tỷ đồng.
Cổ phiếu VEA vẫn tăng khá tốt 3,3% lên 53.100 đồng/CP và vẫn là mã giao dịch sôi động nhất, với gần 1,13 triệu đơn vị được giao dịch thành công.
Trong khi đó, GVR đảo chiều giảm nhẹ 0,8% xuống 13.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch 856.100 đơn vị, đứng thứ 2 về thanh khoản trên UPCoM.