Phiên 4/12: Thoát sớm

Phiên 4/12: Thoát sớm

(ĐTCK) Đúng như lo ngại của chúng tôi, những nhà đầu tư đua mua phiên hôm qua có lý do để lo lắng khi nhìn vào diễn biến của phiên hôm nay.

Phiên giao dịch hôm nay (4/12) vẫn giữ được sự sôi động với khối lượng giao dịch trên 100 triệu đơn vị trên HOSE. Tuy nhiên, dù lực mua nhử vẫn khá tốt, nhưng tâm lý chốt lời đã thắng thế, kéo nhiều mã tăng mạnh hôm qua giảm trở lại.

Những nhà đầu tư tranh mua hôm qua như đang ngôi trên lửa khi cổ phiếu chưa về tài khoản thì giá cổ phiếu đã giảm với lực bán mạnh. Không còn lệnh nhử để bán giá cao như phiên hôm qua, bên nắm giữ cổ phiếu đã mạnh tay bán ra với mức giá có thể khớp được trong phiên hôm nay, nhất là trong phiên chiều, khiến nhiều mã tăng trần ngày hôm qua như MCG, DCT, ALP, KMR, PXI, VIP trên HOSE, hay PV2, PVX, GGG trên HNX đã quay đầu giảm điểm.

Cũng giống như phiên trước đó, lực bán tăng mạnh trong phiên khớp lệnh ATC khéo thị trường đột ngột đảo chiều, nhiều mã từ mức tăng bị lôi tuột xuống dưới tham chiếu.

Nếu không có lực đỡ của nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu chứng khoán, thì thị trường nhiều khả năng đã giảm mạnh trong phiên hôm nay.

Kết thúc phiên, VN-Index giảm 0,74 điểm (-0,14%), xuống 510,88 điểm. VN30-Index giảm 0,8 điểm (-0,14%), xuống 570,91 điểm. Trong khi đó, nhờ dòng tiền đầu cơ chuyển hướng từ HOSE sang, nên HNX-Index có được mức tăng tốt 0,49 điểm (+0,74%), lên 66,12 điểm. HNX30-Index tăng 1,46 điểm (+1,17%), lên 125,69 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này tăng 1,54 điểm lên mức 502,94 điểm (0,31%).

Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 111,83 triệu đơn vị, tương đương giá trị 1.489 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 6,45 triệu đơn vị, tương đương giá trị 132 tỷ đồng.

Trên HNX, thanh khoản tăng mạnh với 60,7 triệu đơn vị được chuyển nhượng, trị giá 471,6 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đóng góp 1,2 triệu đơn vị, trị giá 10 tỷ đồng.

Đúng như dự đoán của chúng tôi, các mã được tranh mua hôm qua như PVT, MCG, FLC, KMR, ALP, VIP đã nhanh chóng bị bán mạnh ra trong phiên hôm nay, trong khi lực mua đỡ giá không còn, khi một số “thế lực” đã thực hiện được mục tiêu chốt lãi của mình trong phiên hôm qua.

Trong khi PVT chỉ còn duy trì được đà tăng nhẹ 200 đồng, thì FLC giảm giảm 100 đồng, có thời điểm còn kéo xuống gần mức sàn là 7.700 đồng. Trong khi đó, MCG bị kéo xuống gần mức sàn 6.400 đồng và đặc biệt là KMR bị xả mạnh, còn dư bán sàn 8.600 đồng hơn 630.000 đơn vị.

VNH sau khi được kéo lên mức tham chiếu trong phiên hôm qua cũng đã trở lại với mức sàn trong phiên hôm nay.

Thông tin liên quan đến VNH là bài phân tích trên Đầu tư Chứng khoán về khả năng doanh nghiệp này có thể giải thể sau khi báo cáo lãi lớn trong quý III và quý IV năm nay. Lý do là VNH đã bán đi tài sản duy nhất của mình là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại tại C34/1 đường số 2G, Khu công nghiệp Vĩnh Lộc, Bình Chánh, TP. HCM là trụ sở của Công ty và cũng là nơi VNH để 2 xưởng sản xuất của mình. Hiện hoạt động chính của công ty này là… thu nợ.

Ngoài VNH, cổ phiếu VHG tiếp tục bị chốt mạnh, nhưng những nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu này cũng may mắn hơn nhiều so với VNH khi lượng mua cũng khá lớn với hơn 2,4 triệu cổ phiếu được khớp.

Phiên hôm nay có 4 mã trên HOSE có khối lượng khớp trên 4 triệu đơn vị là FLC, HQC, ITA và PVT.

Dù các mã đầu cơ bị bán mạnh, khiến nhiều nhà đầu tư tranh mua phiên trước đó đứng ngồi không yên, nhưng thị trường hôm nay cũng chứng kiến sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán.

Ngoài trừ FLC và MCG đang hùa theo nhóm đầu cơ, các mã bất động sản khác đều tăng rất mạnh, nhiều mã tăng trần và được mua lớn như NTL, TDH, UDC, LCG, HQC, HDG, DXG, CTD… trên HOSE, hay ICG, SCR, RCL, SCL, VCG… trên HNX

Trong khi nhóm chứng khoán là SSI, HCM, BSI, AGR trên HOSE và KLS, SHS, VIG, IVS, HPC, BVS, VND, HUT trên HNX.

Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 2,7 triệu đơn vị, tương đương giá trị 15,88 tỷ đồng. Trong khi đó, trên HNX, họ mua ròng 571.600 đơn vị, nhưng giá trị họ lại bán ròng 150 triệu đồng.

 

DPR: Ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 1/2013 (15%) và lấy ý kiến điều chỉnh kế hoạch 2013

IME: Ngày GDKHQ tạm ứng cổ tức năm 2013 (16%)