Phiên 19/11: Gãy cánh

Phiên 19/11: Gãy cánh

(ĐTCK) Dù số mã tăng chiếm thế áp đảo, nhưng do một số “đại gia” như GAS, DPM, VCB “đè”, nên VN-Index đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.

Phiên chiều: Đuối sức

Thị trường bước vào phiên giao dịch chiều với không nhiều thông tin tác động thêm, ngoài các thông tin đã được công bố trong phiên sáng.

Tuy nhiên, sau khi đẩy mạnh mua vào trong phiên sáng để cứu VN-Index, nhà đầu tư lại bán mạnh ra trong phiên chiều khiến thị trường giảm điểm. Đặc biệt trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa bluechip bị bán ra mạnh kéo VN-Index lùi về mức thấp nhất trong ngày.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng khiến tâm lý nhà đầu tư trong nước dè dặt hơn và tác động không nhỏ tới việc VN-Index giảm mạnh cuối phiên.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/11, VN-Index giảm 1,77 điểm (-0,35%), xuống 504,71 điểm. Chỉ số VN30-Index giảm 0,47 điểm (-0,08%), xuống 564,89 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,06%), xuống 64,36 điểm. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,04 điểm (-0,03%), xuống 122,46 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 2,31 điểm (-0,47%), xuống còn 492,39 điểm.

Thị trường hôm nay bị kéo bởi GAS, sau đó đến cuối phiên có thêm DPM, VCB, HAG… cũng ngả theo GAS để “đì” thị trường, khiến đà tăng của VN-Index bị gãy cánh và đóng cửa ở mức thấp nhất phiên.

GAS giảm 1,54%, VCB mất 2,35%, HAG cũng giảm 1,38%, DPM giảm 0,5%. Trong khi đó, mày nhờ có sự hỗ trợ của VIC (+1,49%), HSG (+1,47%), FPT, OGC (+1,8%)…

Đặc biệt, CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) vừa công bố kết quả lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản ngày 18/11/2013.

Theo đó, OGC điều chỉnh giảm doanh thu giảm từ 3.000 tỷ đồng, xuống 2.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm từ 200 tỷ đồng xuống còn 90 tỷ đồng, dù 9 tháng, OGC đã đạt 160 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Việc bất ngờ điều chỉnh giảm sốc kế hoạch kinh doanh 2013 dù 9 tháng đã hoàn thành 80% kế hoạch cả năm cho thấy, OGC sẽ có biến trong quý IV. Theo kế hoạch này, nhiều khả năng OGC sẽ lỗ 70 tỷ đồng trong quý cuối cùng của năm.

Phiên 19/11: Gãy cánh ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu OGC 3 tháng qua (Nguồn: HOSE)

Tuy nhiên, do thông tin này được đưa ra cuối phiên, nên gần như chưa tác động gì tới giá cổ phiếu OGC trong phiên hôm nay khi kết thúc phiên vẫn tăng 1,8%, lên 11.300 đồng/cổ phiếu với gần 2 triệu cổ phiếu được sang tên.

Trong khi đó, dòng tiền đầu cơ vẫn chảy khá mạnh vào các cổ phiếu nóng như FLC, VNE, PVT, HQC, ITA, SCR, PVX.

Trong đó, FLC được khớp hơn 9,3 triệu cổ phiếu và đứng phiên ở 6.100 đồng/cổ phiếu giống như phiên sáng. Các cổ phiếu vận tải biển tiếp tục mạnh như VNA, VOS, VTO…

Theo thông tin từ HOSE, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bán xong 4,5 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 15/11 đến 18/11.

Kết quả này cũng là điều dễ hiểu, bởi trong 2 phiên này, thanh khoản của cổ phiếu FLC luôn ở mức rất cao, trong đó phiên 15/11 lên tới gần 12 triệu đơn vị, phiên 18/11 là 4,4 triệu đơn vị. Vì vậy, lượng cổ phiếu xả ra của ông Quyết không thấm vào đâu so với nhu cầu của nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu này.

Trên HNX, cổ phiếu HNM vẫn duy trì được sắc tím, với gần 0,7 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần khá lớn.

Các cổ phiếu lớn và dẫn dắt trên HNX đều không có nhiều biến động, chỉ lình xình trên dưới giá tham chiếu.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên HOSE với tổng khối lượng bán ròng 341.510 đơn vị, giá trị bán ròng 17 tỷ đồng. Trong khi đó, họ mua ròng 203.600 đơn vị trên HNX, giá trị mua ròng gần 2,5 tỷ đồng.

  Phiên 19/11: Gãy cánh ảnh 2

Phiên sáng: “Sống sót” nhờ bluechips

 

Đà hưng phấn của 2 phiên vừa qua nhanh chóng bị dập tắt trong nửa đầu phiên giao dịch sáng nay khi dòng tiền không tìm đến các mã bluechip để tạo nền tăng cho đà tăng của thị trường, mà đã quay trở lại với các cổ phiếu có tính đầu cơ cao như trước.

Kết thúc đợt 1, VN-Index giảm 1,03 điểm (-0,2%), xuống 505,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,7 triệu đơn vị, trị giá 30,6 tỷ đồng.

Các mã bluechip có nền tảng cơ bản tốt không còn giữ được phong độ khi nhà đầu tư chuyển hướng sang lướt sóng ngắn hạn. Ngoài ra, đây cũng là các mã chiếm đa số trong danh mục đầu tư của các quỹ ETF và khối ngoại nói chung. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài lại liên tục bán ròng (5 phiên liên tiếp) và tập trung chủ yếu vào các mã bluechip khiến nhà đầu tư cũng thận trọng hơn, tránh mua phải hàng xả của nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi vấn đề về nới room cũng đã được phản ánh hết trong 3 phiên giao dịch vừa qua.

Trong khi bỏ qua bluechip, nhà đầu tư dường như đã nghe theo khuyến nghị của các công ty chứng khoán để hướng dòng tiền vào các mã cổ phiếu nóng, có cơ hội lướt sóng như FLC, VNE, LCG, VOS, VTO… trên HOSE và SCR, PVX, KLS, KLF… trên HNX.

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào phiên sáng nay cũng nhận các thông tin tác động cả trong và ngoài nước.

Trong phiên giao dịch hôm, chứng khoán Âu, Á tăng mạnh sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách một cách toàn diện nền kinh tế sau 3 thập kỷ phát triển. Giá vàng cũng giảm mạnh trở lại sau khi một số quan chức FED bóng gió về việc nên cắt giảm sớm gói QE3, trái ngược với quan điểm của ứng viên Chủ tịch FED Janet Yellen.

Ở trong nước, sáng nay, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, nợ xây dựng cơ bản đã giảm mạnh, từ mức 100.000 tỷ đồng, xuống chỉ còn gần 43.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính giúp nợ đọng xây dựng cơ bản giảm mạnh là do ngân sách nhà nước đang thực hiện trở nợ.

Việc nợ đọng xây dựng cơ bản giảm sẽ hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xây lắp, xây dựng, giao thông… thường thực hiện các gói thầu xây dựng cơ bản.

Trong khi đó, tại diễn đàn Logistics vừa diễn ra, các con số được đưa ra khiến nhiều người phải suy ngẫm khi các doanh nghiệp logistics, vận tải trong nước chỉ có được miếng bánh thị phần ít ỏi, trong khi hơn 70% còn lại là do các doanh nghiệp nước ngoài độc diễn. Các doanh nghiệp logistics trong nước chủ yếu có vốn nhỏ và siêu nhỏ và làm đại lý từng công đoạn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, với một quốc gia có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn và ngày càng tăng mạnh như Việt Nam, dư địa phát triển cho ngành logistics vẫn còn rất lớn.

Phiên 19/11: Gãy cánh ảnh 3

Trở lại với thị trường chứng khoán, theo khuyến nghị của ACBS, thị trường đang hình thành các cơ hội lướt sóng tốt. Trong khi các nhà đầu tư dài hạn có thể gia tăng vị thế. Bên cạnh đó, ACBS cũng nhắc nhở nhà đầu tư theo dõi về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

“Sự quay trở lại Việt Nam của khối ngoại là động lực giúp thị đảo chiều tăng vào đầu tháng 9. Do đó, việc bán ra của khối này trong các phiên gần đây là dấu hiệu tiêu cực đáng chú ý”, ACBS nhận định.

Trong khi đó, một số CTCK lại có cái nhìn khá thận trọng đối với thị trường. Trong khi IVS cho rằng, thị trường đang ở giai đoạn ẩn chứa không ít rủi ro, thì MSBS khẳng định, thị trường sẽ điều chỉnh trong phiên hôm nay. BVSC cũng như VDSC đều khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua đuổi giá trong phiên.

Dù ngụp lặn chủ yếu ở dưới mốc tham chiếu, nhưng nhờ sự trở lại của các bluechip vào cuối phiên khi kết quả kinh doanh của một số công ty được công bố đã lôi VN-Index lên trên mức tham chiếu. Trong khi HNX-Index không đủ sức để ngoi lên khi không nhận được sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,38 điểm (+0,08%), lên 506,86 điểm. VN30-Index tăng 2,16 điểm (+0,38%), lên 567,52 điểm. HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,18%), xuống 64,28 điểm. HNX30-Index giảm 0,29 điểm (-0,24%), xuống 122,2 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 1,31 điểm  (-0,27%), xuống còn 493,39 điểm.

FLC tiếp tục gây chú ý với lượng khớp 7,1 triệu cổ phiếu, tăng 300 đồng (+5,17%), lên 6.100 đồng/cổ phiếu.

Ngoài FLC, VNE cũng được khớp lớn gần 4,1 triệu cổ phiếu và cũng leo lên sát mức trần.

Các cổ phiếu vận tải biển, liên quan đến logistics như GMD VOS, VTO, PVT, VNF đều tăng giá.

Trong các mã bluechip, ngoài HSG vẫn duy trì được mức tăng khá, về cuối phiên có thêm nhiều mã cũng được kéo qua mốc tham chiếu.

FPT công bố kết quả kinh doanh 10 tháng với doanh thu hợp nhất 10 tháng đạt 22.391 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ, tương đương 83% kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế đạt 2.052 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ 2012, tương đương 78% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.701 tỷ đồng, trong đó phần dành cho cổ đông Công ty mẹ đạt 1.267 tỷ đồng, tăng tương ứng 6% và 4% so với cùng kỳ, tương đương lần lượt 77% và 75% kế hoạch năm.

Ngay sau thông tin này, FPT tăng trở lại dù giảm nhẹ đầu phiên.

GMD tăng lên mức cao nhất trong phiên, trong khi MSN và BVH vẫn duy trì mức tăng nhẹ.

Trong khi VNM lấy lại được mốc tham chiếu, thì HNM trên HNX lại nổi sóng khi được kéo lên mức trần 8.200 đồng/cổ phiếu và còn dư mua trần hơn 65.000 cổ phiếu, khối lượng khớp đạt 655.330 đơn vị.

 

 

 

>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 19/11

>> Tự doanh công ty chứng khoán run tay

 >> Góc nhìn kỹ thuật trước phiên 19/11 

>> CTCK nhận định thị trường ngày 19/11

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 19/11

>> Phiên đầu tuần: Khởi sắc

>> Nhà đầu tư nội "giúp" khối ngoại xả hàng

>> Vàng không tăng như dự đoán

>> Tin tài chính nổi bật ngày 18/11