Phiên 12/11: “Dội bom”

Phiên 12/11: “Dội bom”

(ĐTCK) Thị trường bị “dội bom” với lượng xả ra vượt lượng giao dịch của phiên 7/11. Phiên phân phối này báo hiệu những ngày không bình yên sắp tới của thị trường.

Phiên chiều: Giảm mạnh

Không một chút thăm dò, ngay từ khi bước vào phiên chiều, lực bán đã đồng loạt được tung vào thị trường và xu hướng mạnh dần trong phiên.

Lực bán bắt đầu từ nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ đã tăng giá mạnh thời gian qua như KMR, LCG, nhóm cổ phiếu vận tải biển như VOS, VTO, PVT và các mã bất động sản, sau đó, sự hốt hoảng bắt đầu lan rộng ra các mã khác. “Virus đỏ” ăn dần bảng điện tử, lan sang cả nhóm bluechip.

Trong nhóm VN30, chỉ còn đúng 5 mã giữ sắc xanh, trong đó chủ yếu là sắc xanh nhạt. Khối lượng khớp của nhóm này cũng khá lớn với 6 mã được khớp trên 2 triệu đơn vị. Tuy nhiên, nhờ VNM và VIC đứng ở mức tham chiếu, nên đà giảm của VN-Index cũng được hãm bớt. Nếu 2 mã này cũng nhiễm “virus đỏ”, dù chỉ làm chớm qua, cũng sẽ khiến VN-Index lao mạnh hơn nữa.

Trong khi đó, dù dòng tiền đầu cơ vẫn còn mạnh, nhưng trước sự thẳng tay của bên bán, lực mua trên sàn HNX đã chịu thua, khiến HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên 12/11, VN-Index giảm 3,43 điểm (-0,68%), xuống 497,65 điểm. VN30-Index giảm 4,21 điểm (-0,75%), xuống 555,11 điểm. HNX-Index giảm 0,2 điểm (-0,32%), xuống 63,85 điểm. HNX30-Index giảm 1,24 điểm (-1,02%), xuống 120,12 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam giảm 2,59 điểm (-0,53%), xuống 489,38 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 121,98 triệu đơn vị, trong đó giao dịch thỏa thuận hơn 3 triệu đơn vị. Tổng giá trị đạt 1.470,8 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận 118,5 tỷ đồng.

Trên HNX, khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh lên 66 triệu đơn vị, trong đó hơn 3 triệu là giao dịch thỏa thuận. Tổng giá trị giao dịch đạt 456,5 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận góp 26,6 tỷ đồng.

Cổ phiếu FLC được tập trung chú ý trong phiên hôm nay sau khi Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết đăng ký bán ra 4,5 triệu cổ phiếu. Sau khi chống đỡ khá tốt trong phiên sáng, cổ phiếu này đã buộc phải quay đầu giảm điểm trong phiên chiều khi lực mua không còn dám tự tin trước áp lực xả mạnh của bên cầm cố.

Kết thúc phiên, FLC được khớp hơn 8,12 triệu cổ phiếu, đứng ở mức giá 5.200 đồng, giảm 100 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, đây không phải là mã được khớp lớn nhất trên HOSE, mà vị trí này thuộc một cổ phiếu bất động sản khác là ITA với 8,7 triệu cổ phiếu, đứng ở mức giá 6.400 đồng/cổ phiếu, giảm 200 đồng.

Các mã được khớp lớn từ 3 đến 8 cũng đều là các mã bất động sản như HAR, HQC, LCG, HAG, MCG, IJC.

Phiên 12/11: “Dội bom” ảnh 1

Trong khi đó, trên ưu thế vượt trội về khớp lệnh thuộc về PVX với 9,23 triệu cổ phiếu và còn dư mua 5,63 triệu cổ phiếu ở mức trần 2.800 đồng/cổ phiếu. Hiện PVX vẫn chưa có báo cáo tài chính quý III. Thông tin mới nhất là HĐQT PVX vừa thông qua việc rót thêm hơn 30 tỷ đồng vào PSX. Tuy nhiên, phần vốn góp thêm này, PVX không phải chi ra đồng tiền mặt nào, mà chỉ dùng cổ tức của PSX chia để góp.

Phiên phân phối mạnh hôm nay không ghi nhận dấu ấn của khối ngoại khi họ mua vào tổng cộng gần 2,4 triệu cổ phiếu và bán ra 4,2 triệu cổ phiếu trên HOSE. Tổng khối lượng bán ròng 1,76 triệu đơn vị, trị giá bán ròng 47,7 tỷ đồng, nhỏ hơn rất nhiều so với tổng khối lượng và giá trị giao dịch của cả phiên.

Trên HNX, họ mua vào hơn 1 triệu đơn vị, trong khi bán ra 0,42 triệu. Tính chung, họ mua ròng gần 0,6 triệu cổ phiếu, giá trị mua ròng hơn 7 tỷ đồng.

 

Phiên sáng: Xả hàng

Thị trường bước vào phiên sáng nay nhận được thông tin hỗ trợ khá tích cực khi giá xăng giảm thêm 250 đồng/lít kể từ 20h ngày 11/11, xuống còn 24.130 đồng/lít.

Theo số liệu thống kê của Đầu tư Chứng khoán, trong tháng từ 8/10 đến 8/11, giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm gần 9%, xuống còn 94,2 USD/thùng. Trong khi đó, với mức giảm 250 đồng/lít, giá xăng trong nước giảm 1,07%.

Sáng nay (12/11), Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách 2014 với mức bội chi được tăng lên 5,3% GDP, tương đương 224.000 tỷ đồng như đề xuất của Chính phủ. Việc tăng bội chi có khả năng giúp Chính phủ nới đầu tư công để thúc đẩy kinh tế. Khi đó, nhiều ngành nghề, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, nhất là các doanh nghiệp ngành xây dựng, xây lắp…

Trước đó, ngày 11/11, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2014 với GDP tăng khoảng 5,8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP, CPI khoảng 7%, kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%...

Mặc dù nhận được khá nhiều thông tin tích cực, nhưng thị trường không thể tăng điểm trong phiên sáng nay khi mà nỗi lo về lượng cung lớn sắp “đổ xuống đầu” đang rình rập. Nỗi lo sợ bị xả hàng đã lấn áp các thông tin tích cực khác.

Theo CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS), phiên giao dịch hôm nay là phiên T+3 của phiên thanh khoản đột biên Thứ Năm tuần trước. Áp lực chốt lời tại nhóm cổ phiếu đã tăng nóng dự kiến sẽ tăng mạnh, khi chỉ số VN-Index cũng đã tiến sát ngưỡng cản kỹ thuật 503-505 điểm và chỉ báo RSI cho thấy sàn HNX đang ở mức quá mua.

Phiên 12/11: “Dội bom” ảnh 2

Đúng như dự đoán trên, ngay khi mở cửa phiên sáng nay, lực chốt lời các mã tăng nóng trong thời gian vừa qua đã tăng mạnh. Tuy nhiên, nhờ lực mua khá tốt, nên các mã này vẫn giữ được sắc xanh, VN-Index chỉ bị kéo bởi các mã bluechip như VIC, VCB, MSN, BVH, GAS. Trong khi đó, HNX-Index vẫn xanh tốt khi dòng tiền tiếp tục chảy mạnh.

Với lực bán tăng mạnh, cùng với sự níu kéo của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN-Index chỉ giao dịch dưới mức tham chiếu trong phiên sáng và đánh mất mốc 500 điểm khi đóng cửa phiên. Trong khi đó, dù duy trì sắc xanh tốt trong phần lớn thời gian giao dịch sáng nay nhờ dòng tiền đầu cơ chuyển hướng vào các mã chứng khoán, nhưng do áp lực chốt lời quá mạnh khiến HNX-Index cũng phải quay đầu giảm điểm và đánh mất mốc 64 điểm khi kết thúc phiên sáng nay.

Đóng cửa phiên sáng, VN-Index giảm 1,75 điểm (-0,35%), xuống 499,33 điểm. VN30-Index giảm 2,04 điểm (-0,36%), xuống 557,28 điểm. HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,25%), xuống 63,9 điểm. HNX30-Index tăng 0,43 điểm (+0,36%), lên 121,79 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam phiên này giảm 1,73 điểm xuống còn 490,24 điểm (-0,35%).   

Phiên 12/11: “Dội bom” ảnh 3

Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 69,87 triệu đơn vị, trong đó có 1,3 triệu đơn vị là thỏa thuận. Tổng giá trị giao dịch đạt 797,24 tỷ đồng, trong đó có 25,59 tỷ đồng là thỏa thuận.

Trên HNX, tổng khối lượng giao dịch đạt 35 triệu đơn vị, trong đó 1,1 triệu đơn vị là thỏa thuận. Tổng giá trị giao dịch đạt 257,11 tỷ đồng, trong đó 10,94 tỷ đồng là thỏa thuận.

Trước áp lực chốt lời mạnh, đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đã dừng lại, sắc đỏ đã chiếm ưu thế, chỉ còn một vài mã đi ngược lại xu thế chung.

Tuy nhiên, thanh khoản của nhóm này vẫn chiếm ưu thế trên sàn với 5 mã có khối lượng khớp lớn nhất trên sàn HOSE đều là các cổ phiếu bất động sản như ITA, FLC đều trên 5,8 triệu đơn vị, HAR, LCG, HQC. Trong khi trên HNX là sự có mặt của SCR, PVX, VCG.

Dù là lực cản chính khiến VN-Index giảm giá, nhưng nhóm VN30 vẫn có một vài điểm sáng như REE, HSG, FPT.

Thoát khỏi nhóm bất động sản, dòng tiền lại tìm đến nhóm cổ phiếu chứng khoán có thị giá thấp khi thị trường chứng khoán trong vài tháng gần đây có thanh khoản khá tốt, báo hiệu một mùa làm ăn khấm khá của các công ty chứng khoán.

Trên HOSE, BSI, AGR tăng giá, trong khi HCM đứng giá, còn SSI giảm nhẹ. Còn trên HNX, KLS, SHS, APS là những mã hút tiền, đặc biệt là KLS khi được khớp hơn 4,5 triệu đơn vị, dẫn đầu về thanh khoản trên HNX. Tuy nhiên, dù được mua mạnh, nhưng do lực bán cũng lớn, nên các mã này không thể bứt phá, chỉ lình xình ở mức tham chiếu.

Sau khi đẩy BXH lên mức tham chiếu, các cổ đông của công ty này đã dừng tay, không giam gia giao dịch trong phiên sáng nay.

 

DMC: Ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 1/2013 (15%) và lấy ý kiến bằng văn bản

BMP: Ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 1/2013 (10%)

BTT: Ngày GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2013 (10%)

SLS: Ngày GDKHQ tạm ứng cổ tức đợt 1/2013 (10%)

SDE: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2011 và năm 2012 (11%)

KLF: Ngày GDKHQ lấy ý kiến bằng văn bản

THS: Ngày giao dịch chính thức 3 triệu cổ phiếu của CTCP Thanh Hoa - Sông Đà trên sàn HNX

 

 

>> Phiên 11/11: Dòng tiền đầu cơ lại chảy mạnh

>> Khối ngoại quay lại với bluechip

>> Tin tài chính nổi bật ngày 11/11   

>> Sự kiện chứng khoán đáng chú ý ngày 12/11

>> Góc nhìn kỹ thuật phiên 12/11

>> CTCK nhận định thị trường ngày 12/11

>> Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/11