Phiên giao dịch chiều diễn ra khá sôi động, tuy nhiên, bên bán có phần thắng thế khi bên mua không đủ tự tin để theo tiếp kế hoạch gom hàng. Trong nửa đầu phiên giao dịch chiều, lực mua bán khá cân bằng, khiến VN-Index chỉ giằng co quanh mốc 512 điểm. Tuy nhiên, lực bán vào cuối phiên tăng mạnh hơn, trong khi bên mua trở nên dè dặt vì sợ có biến trong đợt khớp lệnh ATC. Trong những kỳ đảo danh mục trước đây của các quỹ ETFs, thị trường thường có những đột biến trong đợt giao dịch ATC, vì vậy, nhiều nhà đầu tư cho rằng, trong phiên hôm nay, dù các quỹ ETFs chưa hành động, nhưng nhiều khả năng thị trường sẽ có kịch hay ở phiên ATC. Từ suy đoán đó, bên mua không dám mạnh dạn, mà chủ yếu vừa mua, vừa nghe ngóng và quan sát, trong khi bên bán lại sợ không kịp thoát trong phiên này, nền hạ giá khá thấp để bán, khiến thị trường giảm điểm. Tưởng chừng VN-Index sẽ đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng một lần nữa, chỉ số này lại đảo chiều thành công và duy trì phiên tăng thứ 2 liên tiếp trong tuần. Dù không có kịch hay ở phiên ATC, nhưng trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa hôm nay, đột biến dù nhỏ cũng đã diễn ra khi lực mua ở một số mã tăng lên, nhất là các mã đầu cơ, góp phần giúp VN-Index duy trì sắc xanh. Diễn biến VN-Index trong phiên 10/12 (nguồn: TVSI) Tuy nhiên, công đầu để giúp VN-Index níu giữ màu xanh phải kể đến 4 mã có vốn hóa thuộc loại lớn nhất thị trường và có sức ảnh hưởng lớn tới VN-Index là VNM, VIC, GAS và MSN. Nhờ sự hỗ trợ của “bộ tứ quyền lực” này, sắc xanh của thị trường đã được duy trì, dù số mã giảm giá áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng giá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/12, VN-Index tăng 0,37 điểm (+0,07%), lên 511,6 điểm. VN30-Index giảm 1,08 điểm (-0,19%), xuống 572,13 điểm. HNX-Index tăng nhẹ 0,02 điểm (+0,03%), lên 66,14 điểm. HNX30-Index giảm 0,4 điểm (-0,32%), xuống 125,13 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam giảm 0,33 điểm (-0,07%), xuống 499,57 điểm. Dù vẫn duy trì được đà tăng, nhưng MSN đã yếu lực đi rất nhiều so với phiên sáng, đặc biệt là so với phiên hôm qua. Kết thúc phiên hôm nay, MSN chỉ đủ sức tăng 500 đồng (+0,06%), đóng cửa ở mức 87.500 đồng/cổ phiếu, mức giá thấp nhất trong ngày với gần 0,37 triệu đơn vị được khớp. Diễn biến HNX-Index trong phiên 10/12 (nguồn: SHS) GAS, VNM và VIC đều tăng ở mức tối thiểu là 1 bước giá. Nhưng chừng đó cũng đủ để giúp VN-Index nuôi huy vọng chinh phục mốc 513 điểm. Ngoài 4 đại gia trên, thì nhóm bluechip còn có sự đóng góp của GMD cũng với mức tăng nhẹ 1 bước giá. Trong phiên chiều, FLC cũng bị bán khá mạnh và có thời điểm đã để tuột mất mức trần, nhưng nhờ lực mua mạnh trong đợt ATC, FLC một lần nữa leo lại lên mức trần 8.600 đồng/cổ phiếu với 11,34 triệu cổ phiếu được khớp và vẫn còn dư mua giá trần. Ở trong phiên sáng, FLC là điểm nhấn của thị trường. Sau phiên đứt đoạn ngày hôm qua, dòng tiền lớn đã dồn dập đổ vào FLC, quyết kéo mã này phi nhanh hơn về mệnh giá. Kết quả, FLC được khớp tới 8,5 triệu cổ phiếu và còn dư mua giá trần. Trong bản tin phân tích hôm qua, một số công ty chứng khoán như IVS, SHS, SSI đều tỏ ra thận trọng và khuyến nghị nhà đầu tư nên giảm hoặc hạn chế mua mới các cổ phiếu có tính đầu cơ cao. Những khuyến nghị của các công ty chứng khoán đã được nhà đầu tư nghe theo khi trừ FLC và KMR, đa số các mã khác đều bị bán mạnh như.
Trong khi FLC được được giới đầu tư cố tình kéo về mệnh giá, thì dòng tiền chốt lời KMR trong 4 phiên qua đã quay lại để tạo chu kỳ sóng mới đối với mã này. Trong khi đó, các mã đầu cơ khác đều giảm giá, đặc biệt là VHG vẫn bị nệt sàn và duy trì sắc xanh mắt mèo trong suốt phiên giao dịch. Đây là phiên thứ 2 liên tiếp trong tuần, VHG bị bán thống, bán tháo. VNH cũng đã không cầm cự được như phiên sáng, mà nhanh chóng quay đầu giảm sàn sau 4 phiên tăng liên tiếp. MCG giảm nhẹ 200 đồng, trong khi HQC tăng nhẹ 100 đồng. PVT sau hiệu ứng FTSE cũng đã quay đầu giảm trở lại khi không còn nhận được sự quan tâm nhiều của nhà đầu tư. Cặp đôi ITA và KBC cũng đứng ở tham chiếu. GSP tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp sau khi được CTCK Dầu khí đánh giá tích cực trong bản phân tích phát hành cuối tuần trước. Hiện GSP đang ngự trị ở mức trần 11.500 đồng/cổ phiếu với 0,5 triệu đơn vị được khớp và còn dư mua trần. Trên HNX, việc ACB về lại mốc tham chiếu cũng hỗ trợ cho HNX-Index có được mức điểm tăng nhẹ như trên.
Tuy nhiên, đáng chú ý vẫn là SHN với chuỗi 7 phiên tăng trần liên tiếp. Trong phiên hôm nay, dù một số nhà đầu tư vào trước đã bắt đầu chốt lời theo khuyến nghị của một số công ty chứng khoán khi đạt mức lợi nhuận cần thiết, nhưng bên nắm giữ tiền mặt vẫn tỏ ra sốt ruột với mức sinh lợi của cổ phiếu này, nên liên tục nhồi giá mua trần. Vì vậy, ngay trong phiên sáng, SHN được khớp tới gần 7 triệu đơn vị và còn dư mua ở mức giá trần 1.500 đồng/cổ phiếu hơn 1 triệu đơn vị nữa. Trong phiên chiều, do bên nắm giữ cổ phiếu biết chốt hơi sớm nên đã hạn chế bán ra, khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, chỉ được khớp thêm hơn 120.000 đơn vị, nâng tổng khối lượng khớp lên 7,12 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần 0,9 triệu đơn vị và 0,3 triệu đơn vị dư mua giá trần của phiên sáng bị hủy để chuyển sang lệnh ATC với mục đích gom bằng được SHN nhưng thất bại vẫn còn treo lại. Sức hút của SHN cũng kéo nhiều cổ phiếu ruồi khác tăng mạnh như GGG, PVL, PSG, NVC. Trong nhóm cổ phiếu dẫn dắt, VCG là mã được khớp lớn nhất với 2,2 triệu đơn vị, tăng nhẹ 200 đồng. PVX cũng được khớp hơn 2,1 triệu đơn vị, nhưng giảm nhẹ 100 đồng. Nhà đầu tư nước ngoài hôm nay lại có giao dịch trái ngược với hôm qua khi mua ròng 516.780 đơn vị trên HOSE, nhưng về giá trị lại bán ròng 4,73 tỷ đồng. Trên HNX, họ vẫn mua ròng 455.500 đơn vị, giá trị mua ròng 6,7 tỷ đồng. Trước đó, trong phiên sáng, hiệu ứng FTSE nhanh chóng bị dập tắt. Trong 4 mã được lựa chọn, chỉ còn duy nhất MSN duy trì đà tăng. Sắc đỏ cũng được bao trùm thị trường, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các mã vốn hóa lớn như MSN, VNM, GAS, VN-Index đầu phiên tăng khá mạnh và tiếp cận mốc 513 điểm. Tuy nhiên, đúng như phân tích của các công ty chứng khoán, ngưỡng 513 điểm của VN-Index là một ngưỡng cản mạnh. Ngay khi chỉ số này tiếp cận được mốc này, lực bán ngay tức khắc được tung ra, đẩy VN-Index thoái lui. Theo phân tích kỹ thuật, ngưỡng 513 điểm của VN-Index và 66 điểm của HNX-Index là những ngưỡng cản mạnh. Nếu vượt qua được các ngưỡng cản này, 2 chỉ số sẽ có bứt phá mạnh với VN-Index được dự đoán có thể leo lên đến ngưỡng 520 - 530 điểm vào cuối năm. Nếu không, thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến trồi sụt. Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 0,87 điểm (+0,17%), lên 512,10 điểm. VN30-Index giảm 0,45 điểm (-0,08%), xuống 572,76 điểm. HNX-Index dậm chân tại chỗ, 66,12 điểm. HNX30-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (+0,11%), lên 125,68 điểm. Chỉ số VIR-50 đo lường biến động của 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam tăng 1,41 điểm (+0,28%), lên 501,31 điểm.
Thanh khoản giảm mạnh so với sáng qua khi nhà đầu tư giảm sự hưng phấn với hiệu ứng FTSE. Tổng khối lượng giao dịch sáng nay trên HOSE đạt 50 triệu đơn vị, giá trị 628 tỷ đồng và chủ yếu là khớp lệnh.
Trên HNX, tổng khối lượng giao dịch đạt 28,2 triệu đơn vị, giá trị 172 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận chỉ đạt 0,3 triệu đơn vị, giá trị 6 tỷ đồng.
HTV: Ngày GDKHQ nhận cổ tức năm 2012 (20%)
VFG: Ngày GDKHQ tham dự ĐHCĐ thường niên năm 2014
CTS: Ngày GDKHQ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản
KHA: Ngày GDKHQ tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2013
>> Góc nhìn kỹ thuật phiên 10/12 >> CTCK nhận định thị trường ngày 10/12
Phiên 10/12: “Bộ tứ quyền lực” cứu Index
(ĐTCK) Tưởng chừng lực bán mạnh sẽ khiến thị trường đóng cửa trong sắc đỏ. Tuy nhiên, một lần nữa, thị trường lại cứu bởi “bộ tứ quyền lực”.