Phiếm đàm về khủng hoảng truyền  thông

Phiếm đàm về khủng hoảng truyền thông

(ĐTCK) Nên nhớ, dư luận có thể quên đi một thông tin sau 24 giờ, nhưng những gì lưu lại trên Google thì sẽ còn mãi mãi…

Chưa bao giờ từ khóa “mời học quản trị khủng hoảng truyền thông” hay “dịch vụ tư vấn xử lý khủng hoảng truyền thông” lại nhan nhản trên các trang mạng, trên báo như bây giờ. Cũng đúng thôi, có cầu thì ắt có cung. Bởi lẽ, chưa bao giờ, khủng hoảng truyền thông lại nhiều như những ngày chúng ta đang sống.

Nghề này chắc chắn còn phát đạt hơn nữa, bởi “nói ngay cho vuông” là khủng hoảng truyền thông sẽ còn xảy ra với tần suất dày đặc hơn, mạnh hơn trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão. Vì thế, doanh nghiệp, tổ chức, người nổi tiếng… hãy xác định tinh thần sống chung với khủng hoảng truyền thông cũng như thế giới đang phải tìm cách ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong nỗi trăn trở và tâm huyết, hầu hết các thầy, các chuyên gia, sau khi kết hợp cả biển lý thuyết truyền thông từ Tây sang Tàu với cả núi thực tiễn kinh nghiệm trên xứ Việt đều thống nhất đưa ra một kết luận mang tính “bí quyết”, đại khái là: Thế giới đang rất phẳng/Thời của bão thông tin/Muốn xử lý khủng hoảng/Đừng chơi bài lặng im/Đừng có cãi dư luận/Đừng xin báo gỡ bài/Mọi chuyện cần minh bạch/Và cầu thị nhận sai/Để làm được như vậy/Phải thuê chuyên gia tài/Ở ta, dân chuyên nghiệp/Ngoài mình… chẳng có ai.

Vâng! Trăm lạy các quý thầy, ngàn lạy các quý chuyên gia! Những điều các vị nói đều đúng. Đúng như chai nước Number One của Tân Hiệp Phát không thể có ruồi; như việc tẩy chay các sản phẩm do Hồ Ngọc Hà làm đại diện hình ảnh chỉ là trò lố; như việc phải mua BPhone của BKav mới là yêu nước; như việc nói sữa Grow của Vinamilk “nhái” Grow+ của NutiFood chỉ là trò cạnh tranh không lành mạnh và lãng mạn hơn, như việc quảng cáo của Trung Nguyên gọi Banzac là đại thi hào cũng chẳng có gì sai…

Vậy nhưng, đau một nỗi là các “nạn nhân” doanh nghiệp khôn nhà dại chợ đều thất thần than thở: Em đã làm đúng những điều như các thầy tư vấn mà vẫn chẳng khác nào mang xăng đi dập lửa, càng cố dập thì lửa càng cháy to hơn.

Khổ! Các quý bác biết một mà không biết hai, học chưa hết chữ thầy thì đừng vội trách thầy. Điều các thầy nói là khuôn vàng thước ngọc, chứ có phải thường đâu, mà đem ra áp dụng máy móc kiểu 1 + 1 = 2. Nếu làm thế mà thành công thì tỷ phú thế giới bây giờ phải là mấy ông giáo sư đang dạy Đại học Harvard, chứ phải đâu là mấy ông học chưa xong đại học như Bill Gates?!

Thế thì phải làm thế nào? Kiến văn em hơi hẹp, nhưng em nhớ ông Tào Tháo bên Tàu có câu: Phàm những điều trọng đại của thiên hạ, cứ đem về hỏi vợ. Vợ bảo thế nào ta cứ việc làm ngược lại, tất sẽ thành công! Với khủng hoảng truyền thông, khi xảy ra, quý vị cứ đi hỏi các thầy và lôi các bảo bối, bí quyết ra… áp dụng ngược lại.

Này nhé! Nếu các chuyên gia có đưa ra lời khuyên: “Hãy minh bạch thông tin, đừng im lặng và nếu sai hãy biết xin lỗi” thì cứ tin, nhưng… phải làm theo cách khác. Nghĩa là, cứ im lặng, nếu cần thì phải bỏ tiền mà mua sự im lặng. Im mãi thì người ta cũng phải thôi. Xã hội còn nhiều việc, ai lại đi đấm vào bị bông mãi. Mắng người tinh, chứ ai đi mắng kẻ điếc làm gì, nên “biết điếc” đúng lúc cũng là một chiêu pháp tuyệt đỉnh. Còn nếu không im được thì phải cãi, chứ đừng nhận sai ngay. Chày cối cũng phải cãi, cãi nhiều vào. Nói 100 lần dư luận chưa tin thì nói 1.000 lần. Minh bạch hay sự thật thời nay đều dựa vào việc nói nhiều hay nói ít. Còn nếu, sự việc đến hồi nguy khốn, kéo dài thì xin lỗi là chước cuối. Phàm thì, đã đến nước này, tức là vụ việc cũng đã dài ngày, dư luận cũng đã mệt mỏi, chỉ cần một cái cớ để dừng lại. Vậy thì hãy xin lỗi, xin lỗi cái vô thưởng vô phạt thôi, nhưng cần thống thiết và đặc biệt phải nhớ là cần công bố kỷ luật một ai đó, to một tí cho oách để làm phép thắng lợi tinh thần. 

Tuy nhiên, áp dụng lý thuyết này, cũng cần phải lưu ý: Nếu ai bảo “Không được xin gỡ bài tiêu cực đã đăng trên báo, làm vậy chỉ tổ khiến dư luận nghi ngờ” thì chớ dại mà tin! Gỡ được thì cố mà gỡ.

Nên nhớ, những gì lưu lại trên Google sẽ còn mãi mãi. Một thông tin giật giân, một chuyện to tày đình có thể bị dư luận quên ngay sau 24 giờ khi có thông tin khác giật gân hơn xuất hiện, nhưng nếu vẫn được lưu trên mạng thì một ngày xấu giời nào đó có thể lại được khai quật.

Dân mình vốn cả tin, đến chuyện anh Quảng BKAV bảo “Không thể tin nổi” mà còn tin, huống hồ là những thông tin tiêu cực về một thương hiệu, hay những chuyện đời tư thuộc hàng “thâm cung bí sử:” của người nổi tiếng. Vậy thì cứ có chuyện tiêu cực hãy gỡ đi cho lành, cho công chúng quên đi sau 24h.

Người ta bảo: “Đừng cãi dư luận, đặc biệt là với cộng đồng mạng”. Đừng tin, cãi được là phải cãi. Bệnh tâm lý đám đông ở nước mình nặng lắm, phải biết “dĩ độc trị độc”.

Chẳng may thương hiệu của quý vị bị khủng hoảng, sản phẩm của quý vị bị cộng đồng mạng tẩy chay thì phải lao vào phê phán, phân tích, cãi lại thật nhiều vào. Cãi cho phe kia vuốt mặt không kịp.

Bên cạnh đó, cần đặt hàng với vài anh hùng bàn phím có tiếng trong những “tổ ngàn lai” biên cho những “sờ - ta - tút” thật độc, thật ngoa.

Nếu thấy còn nhẹ đô thì lập thêm mấy trang fanpage kiểu như “Sự thật đằng sau trang Fanpage XYZ”, “Ai đứng đằng sau vụ ABC”… Nói nhỏ nhé, lý thuyết “chân lý thuộc về số đông” cực đúng ở trên mạng.

Cái gọi là “phe chính nghĩa” thật, người có chính kiến thật thường ít, yếu và thường không rỗi hơi dây vào những vụ loạn xì ngầu này. Còn lại, đa phần thì cứ phe nào đông là ta ủng hộ.

Cứ làm theo cách này, đảm bảo, chỉ vài ngày là gió sẽ xoay chiều. Thậm chí đây còn là cơ hội để quý vị nổi tiếng và được cộng đồng mạng chia sẻ thương cảm vì trót bị mắng oan…

Còn nhiều điều nữa em muốn chia sẻ về khủng hoảng truyền thông, ngõ hầu cảm thông với cái sự lo lắng của doanh nghiệp về cái thứ hay được gọi là tai bay vạ gió này.

Có bác bật lại: “Sao lại là tai bay vạ gió”? Vâng, thưa thế hàng loạt các thương hiệu đình đám đang lao đao trên mạng vì bị tẩy chay chỉ vì cô ca sĩ hình ảnh bị tình nghi bỏ đại gia đô - la cặp bồ với đại gia kim cương chả phải vạ gió thì là gì?!

Nhưng thôi, cụ Gớt bên Đức bảo rồi, “mọi lý thuyết đều màu xám…”. Để xử lý được khủng hoảng truyền thông, chả chuyên gia nào giỏi hơn là chính quý vị đâu. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Hãy lấy câu “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” để răn mình.

P/S: Nếu còn điều gì chưa thông, xin quý vị vui lòng liên hệ với em để xin tư vấn. Sau đó nhớ là… làm ngược lại. Thế nhé!

Tin bài liên quan