Hơn 2 năm trước, trong quá trình bán vốn Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) gặp phải nhiều trường hợp khó xử. Có doanh nghiệp dự kiến bán 10% vốn, tại doanh nghiệp đã có nhóm cổ đông lớn sở hữu gần 49% cổ phần. Theo quy chế, SCIC bán đấu giá công khai số cổ phần thuộc diện thoái vốn, nhóm cổ đông lớn chỉ đăng ký mua thêm 2% để có đủ tỷ lệ chi phối trên 51%, 8% còn lại sau đó rất ít nhà đầu tư muốn mua, cổ đông lớn cũng chẳng mặn mà mua thêm.
Lại có doanh nghiệp SCIC quản lý trên 51% vốn và có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại đây, nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề muốn mua lại số cổ phần trên, nhưng họ phải được mua cả. Nếu xé lẻ ra bán đấu giá, họ không tham gia. Theo quy định, SCIC phải tổ chức bán đấu giá số cổ phần trên ra công chúng. Kết quả, sau phiên đấu giá, vẫn còn gần 5% cổ phần không bán được. SCIC sau đó vẫn phải quản lý số vốn còn lại tại DN nhưng do tỷ lệ quá nhỏ, nên hầu như khó có thể đóng góp hoặc can thiệp gì vào hoạt động DN. Cổ đông nhà nước khi ấy rơi vào thế tiến thoái, lưỡng nan.
Có hơn 10 DN mà SCIC đã bán vốn, rơi vào tình huống này, tỷ lệ vốn Nhà nước tại những DN này còn khá cao, nhưng rất khó để bán tiếp.
Trước tình hình đó, SCIC đã đề xuất với Chính phủ cho Tổng công ty đa dạng các hình thức bán cổ phần, trong đó có phương thức bán trọn lô. Tùy thực tế tại doanh nghiệp và nhu cầu trên thị trường, SCIC được chủ động quyết định bán cả lô hoặc không.
Dù bán theo hình thức nào, với mỗi DN, SCIC đều ban hành quy chế bán cổ phiếu cho từng lần cụ thể. Trước mỗi lần bán trọn lô, chủ sở hữu thuê tư vấn định giá, xác định lại giá trị doanh nghiệp (thực hiện với cả các DNNY, bởi thị giá cổ phiếu trên sàn thứ cấp phản ánh không chính xác giá trị DN), thông tin sau đó được công bố công khai rộng rãi theo quy định.
Dù theo quy định, SCIC được thực hiện cả hình thức bán thỏa thuận trọn lô (với điều kiện phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ), song tổng công ty này hầu như không sử dụng phương thức bán thỏa thuận mà chủ yếu thực hiện đấu giá trọn lô. Người bỏ giá cao nhất là người trúng đấu giá và được mời làm hợp đồng chuyển nhượng.
Lợi ích từ việc bán cổ phần trọn lô đã được chứng minh qua kết quả bán vốn của SCIC. SCIC đã bán trọn lô thành công ở 29 DNNN thu được 698 tỷ đồng trong khi giá trị sổ sách chỉ là 243 tỷ đồng. Giá bán bình quân cao hơn giá trị sổ sách là 5 lần, cá biệt có trường hợp cao hơn tới 21 lần. Do bán trọn lô có khối lượng cổ phần lớn, tiền cọc không nhỏ, do đó hầu như trong các phiên đấu giá hiếm có nhà đầu tư nào bỏ cọc, hủy tham gia.
Ông Hoàng Nguyên Học, Phó tổng giám đốc SCIC nhận định: “Nếu Chính phủ cho phép bán trọn lô, tôi nghĩ các nhà đầu tư sẵn sàng trả giá cao, kể cả với những DN đã niêm yết”.
Dù chưa có cơ chế chính thức, song xuất phát từ thực tiễn, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện cơ chế bán cổ phần trọn lô tại 2 doanh nghiệp là Cienco1 và Cienco 4.
Sau khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn sở hữu 35% vốn tại 2 doanh nghiệp và đầu năm 2015 có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại đây. Những nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phần của 2 DN trong quá trình cổ phần hóa, mong muốn được tăng tỷ lệ sở hữu và cam kết đầu tư dài hạn vào DN, đồng thời họ không muốn DN có thêm các cổ đông lớn khác có thể gây phức tạp cho quá trình điều hành.
Sau khi phân tích thực tế và nhu cầu của DN, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép bán đấu giá cổ phần trọn lô và có điều kiện tại 2 DN trên. Toàn bộ cổ phần Nhà nước cần thoái vốn đã được đặt mua, mục tiêu thoái vốn Nhà nước được thực hiện dứt điểm, hoạt động DN sau đó phát triển tốt hơn so với trước cổ phần hóa…
Theo ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ Giao thông Vận tải, cơ chế đấu giá cổ phần trọn lô vừa giải quyết được bài toán thoái vốn ngoài ngành diễn ra nhanh hơn, Nhà nước thu được nhiều tiền hơn, mà quan trọng hơn là khi nhà đầu tư mua cổ phần trọn lô, họ có cơ hội trở thành nhà đầu tư chiến lược.
Tổng giám đốc một CTCK nói rằng, vì không có cơ chế bán cổ phần trọn lô nên hiện giờ các bộ ngành, cơ quan chủ sở hữu vốn Nhà nước không có căn cứ hoặc ít khi dám mạnh dạn đề xuất lên Chính phủ, từ đó bỏ qua nhiều cơ hội thoái vốn, trong khi nhà đầu tư có nhu cầu thực không mua được cổ phần.
“Khi có cơ chế này, tôi tin quá trình thoái vốn sẽ diễn ra nhanh chóng, quyết liệt và dễ thở hơn cho các bên liên quan rất nhiều”, vị tổng giám đốc CTCK nói.
Kỳ 2: Bán cổ phần trọn lô, mở đến đâu để không bị lạm dụng?