Phía sau thông điệp NBB tái cấu trúc thành công

Phía sau thông điệp NBB tái cấu trúc thành công

(ĐTCK) Tin vui với cổ đông Năm Bảy Bảy (NBB) khi hàng nghìn tỷ nợ được cơ cấu. Thế nhưng, cơ cấu xong rồi vẫn phải... trả nợ.

Phía sau thông điệp NBB tái cấu trúc thành công ảnh 1

CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) vừa có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở GDCK TP. HCM về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.000 tỷ đồng trái phiếu các loại. Trước đó, NBB thay đổi một loạt nhân sự chủ chốt và phát hành tăng vốn thành công.

Tin vui dồn dập về nguồn vốn

Ngày 3/10, NBB công bố Nghị quyết HĐQT về việc thông qua kết quả chào bán cổ phiếu ra công chúng, thu về hơn 180 tỷ đồng. Ngày 29/10, NBB công bố thông tin về việc cơ cấu thành công thời hạn trả nợ 1.000 tỷ đồng của các đối tác, với thời hạn chậm hơn tối thiểu 1 năm.

Cụ thể, thời hạn trả nợ khoản trái phiếu 237 tỷ đồng tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) và CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) được thay đổi đến tháng 8/2014.

Khoản trái phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) trị giá 350 tỷ đồng đến hạn vào năm 2012 và 2013 được thay đổi thời hạn đến năm 2014 và 2016.

Với chủ nợ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng giá trị trái phiếu là 413 tỷ đồng, đến hạn năm 2013 và đầu năm 2014, được kéo dài thời gian đến năm 2017 và 2018.

Thêm nguồn vốn chủ sở hữu, kéo dài thời hạn phải trả các khoản nợ là những bước đi tốt cho NBB trong việc tái cơ cấu tài chính Công ty, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi thị trường bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn về đầu ra, cũng như việc thu hút dòng tiền vào.

 

Ám ảnh… hoãn nợ

Trong tháng 10, thời điểm ghi nhận nhiều thông tin mới về tình hình tài chính của Công ty, NBB có quyết định chuyển Giám đốc Tài chính, ông Trần Văn Hữu qua làm Giám đốc Nhân sự.

Người thay thế ông Hữu là cử nhân tài chính, ông Đoàn Quốc Thống.

Nhiều NĐT băn khoăn, ngay thời điểm tái cấu trúc tài chính đã tương đối hoàn tất, NBB lại điều chuyển Giám đốc Tài chính sang vị trí Giám đốc Nhân sự, dù ngang chức, nhưng rất khác biệt và khó có thể ngang quyền.

Thay thế một người phụ trách mảng tài chính lúc này có thể là một tín hiệu cho thấy, NBB đang cần và kỳ vọng một cuộc cách mạng thực sự về tài chính.

Soi các khoản trái phiếu xin đáo hạn của NBB, NĐT thấy một câu chuyện khác về thực trạng tài chính của Công ty.

Khoản trái phiếu 237 tỷ đồng của EVN Finance và BVSC, trên thực tế có số dư ban đầu là 300 tỷ đồng, gồm 100 tỷ đồng của BVSC và 200 tỷ đồng của EVN Finance, được phát hành từ năm 2009, lẽ ra phải được tất toán vào tháng 8/2012.

Thế nhưng, trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn, NBB đã xin khất 1 năm, đến năm 2013 và giờ đây, số dư còn 237 tỷ đồng tiếp tục khất thêm 1 năm nữa.

Lãi suất ban đầu của trái phiếu trên là 11,5%/năm, đến kỳ gia hạn năm 2012 sang năm 2013 đã tăng lên mức 18%/năm. Chưa rõ, với lần gia hạn này, số trái phiếu đó phải chịu mức lãi suất bao nhiêu?

Khoản trái phiếu của VIB có giá trị ban đầu 400 tỷ đồng, phát hành năm 2009, đã được NBB mua lại 50 tỷ đồng mệnh giá, kỳ hạn trả nợ ban đầu chia làm 2 đợt vào cuối năm 2012 và cuối năm 2013, lãi suất 14,5% cho 6 tháng của kỳ đầu tiên, các kỳ tiếp theo là lãi suất tiết kiệm trả sau kỳ hạn 12 tháng của VIB cộng biên 4%/năm.

Cuối năm 2012, các khoản này đã được gia hạn, kỳ hạn trả nợ mới là 4 năm kể từ ngày 24/12/2012 và nay thay đổi lại kỳ hạn thành 2 đợt vào 2 năm là 2014 và 2016.

Ngoài câu chuyện giãn nợ trái phiếu, một điểm đáng chú ý nữa là các khoản nợ ngắn hạn của NBB trong gần 2 năm qua.

Hạch toán là nợ ngắn hạn từ thời điểm 1/1/2012, tức là nợ phải trả trong thời hạn dưới 1 năm, nhưng đến thời điểm 30/6/2013, các khoản nợ (tín dụng) này mới chỉ thay đổi nhẹ, trong khi Báo cáo lưu chuyển dòng tiền các kỳ của Công ty cho thấy, NBB nhận được rất ít vốn vay mới trong kỳ, lưu chuyển dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm.

Nói cách khác, không chỉ xin kéo dài thời hạn trả nợ trái phiếu, nợ dài hạn, mà nợ ngắn hạn của Công ty cũng trong tình trạng tương tự.

 

Bao giờ các chủ nợ đòi được tiền?

Tính đến nay, kỳ hạn trả nợ của NBB với các đối tác được kéo dài, gần nhất là tới năm 2014. Nhưng với lịch sử xin ân hạn

nêu trên, câu hỏi đặt ra là bao giờ NBB có thể trả nợ được các trái chủ, ngân hàng?

Chưa có báo cáo tài chính quý III/2013, thời điểm Công ty đã có dòng tiền thu về từ phát hành trái phiếu, nhưng con số 180 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu không thấm vào đâu so với hơn 400 tỷ đồng nợ ngắn hạn mà NBB đang có.

Đáng lưu ý, nợ ngắn hạn này tập trung chủ yếu vào 2 khoản nợ của VIB Chi nhánh Sài Gòn và BIDV Chi nhánh Bình Định, là những khoản nợ đã được ghi nhận là nợ ngắn hạn từ trước năm 2012.

Những gì đã bán được để thu tiền về, về cơ bản, NBB đã làm trong hơn 1 năm qua như: bán Dự án Khu trung tâm thương mại Hùng Vương 1 tại Phan Thiết, Bình Thuận; hoàn tất bán Dự án Carina tại Quận 8, TP. HCM… Nhưng các tài còn lại của Công ty chủ yếu là hàng tồn kho, với số dư ít thay đổi kể từ đầu năm 2012.

Ví dụ, Dự án Khu căn hộ cao tầng NBB Garden 2, số dư đầu năm 2012 là 499,5 tỷ đồng, đến hết 30/6/2013 là hơn 584 tỷ đồng; Dự án NBB Garden 3, số dư đầu năm 2012 là 329 tỷ đồng, cuối năm 2012 là 369,5 tỷ đồng, thời điểm 30/6/2013 là 383 tỷ đồng; Dự án NBB Garden 1, dù năm 2012 tăng được số dư hàng tồn kho từ mức gần 185 tỷ đồng lên 192,8 tỷ đồng, nhưng nửa năm 2013 gần như giậm chân tại chỗ.

Các dự án khác như City Gate Tower, Dự án Sinh thái đồn điền tại Hạ Long - Quảng Ninh hay Dự án Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, Dự án Khu du lịch Ocean Golf - Lagi… cũng thay đổi rất ít số dư hàng tồn kho nửa đầu năm 2013.

Tồn kho càng lâu, chi phí vốn càng lớn, đẩy giá thành lên cao. Trong khi đó, nhiều dự án của NBB chưa thực hiện xây thô, nên mở bán căn hộ là rất khó trong bối cảnh hiện nay, tức dòng tiền thu về từ hoạt động kinh doanh chính để Công ty có thể trả nợ gặp khó khăn, nếu NBB không bán lại dự án.

Kỳ vọng lớn nhất của NBB là phát hành thêm cổ phiếu vào năm tới.