Phía sau sự lao dốc của cổ phiếu TLD

Phía sau sự lao dốc của cổ phiếu TLD

(ĐTCK) Sau hơn 3 tháng lên sàn, cổ phiếu TLD của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Thăng Long tăng 122%, nhưng nhanh chóng mất hơn nửa giá trị chỉ trong 1 tháng vừa qua.

Cùng với sự thăng hoa của thị trường chứng khoán nói chung và hiệu ứng cổ phiếu mới lên sàn, cổ phiếu TLD đã có chuỗi tăng giá ấn tượng từ mức 12.000 đồng/cổ phiếu lúc chào sàn (7/12/2017) lên mức đỉnh 26.850 đồng trong phiên 15/3/2018 (mức trần).

Ở mức giá này, lực chốt lời đã diễn ra ồ ạt, khiến TLD lùi về giá sàn 23.350 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên. Như vậy, trong hơn vòng 3 tháng kể từ khi chào sàn, cổ phiếu TLD đã tăng hơn 122% giá trị.

Tuy nhiên, giữa tháng 3 đến nay, cổ phiếu TLD tuột dốc dần đều và chốt phiên cuối tuần qua (13/4) ở mức 10.500 đồng, tức mất tới hơn 64% chỉ sau 1 tháng và đánh mất thành quả của hơn 3 tháng trước đó.

Đằng sau sự tuột dốc của giá cổ phiếu TLD là gì?

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của TLD đạt 164,78 tỷ đồng, tăng 135% (tương đương 94,68 tỷ đồng) so với năm 2016. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 25 tỷ đồng, tăng 164,8% (tương đương hơn 15,56 tỷ đồng) so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 16,5 tỷ đồng, tăng 141% (tương đương gần 10 tỷ đồng) so với năm 2016.

Nếu chỉ xét riêng các chỉ tiêu về kết quả hoạt động kinh doanh, có thể nói, năm 2017 là năm thành công nhất kể từ thời điểm thành lập của TLD, nhưng nếu đi sâu vào báo cáo dòng tiền của doanh nghiệp sẽ cho một góc nhìn hoàn toàn khác, đặc biệt là liên quan đến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh.

Đặc thù sản xuất nên việc mua nguyên liệu nhiều, bán trả chậm là điều dễ hiểu, nhưng 2 năm trước thời điểm niêm yết, bên cạnh doanh thu tăng trưởng, lưu chuyển tiền tệ thuần từ hoạt động kinh doanh của TLD vẫn ghi nhận con số tăng trưởng dương với tỷ lệ hàng tồn kho duy trì ở mức thấp.

Tuy nhiên, bước sang năm 2017, lưu chuyển tiền tệ thuần của TLD từ con số dương 39,8 tỷ đồng của năm 2016, đã giảm mạnh và ghi nhận âm tới 22,4 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2017. Trong đó, chiếm phần lớn là hàng tồn kho và bán chịu cho khách hàng. Giá trị hàng tồn kho gia tăng mạnh (chiếm hơn 1/3 tổng tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp) có thể hiểu Công ty cần tích trữ nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thị trường về sản phẩm ván ép, mà theo đánh giá của TLD là ở trạng thái “cung không đủ cầu”.

Tuy nhiên, nếu đúng như vậy, thì với việc khoản phải thu gia tăng mạnh (chiếm 1/2 tổng giá trị tài sản ngắn hạn), có thể thấy rằng, hoạt động quản trị công nợ của Công ty đang có vấn đề hoặc sản phẩm của doanh nghiệp thiếu tính cạnh tranh, nên bị tồn lại ở các đại lý (?).

Trong năm 2017, nợ phải trả của TLD tăng mạnh tới hơn 37 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng lên hơn 12 tỷ đồng, đạt 22,6 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản vay tại ngân hàng với tài sản đảm bảo là quyền đòi nợ phát sinh từ hợp đồng thi công một số gói thầu xây dựng với các đối tác của TLD.

Đáng chú ý, dù đi vay lớn, nhưng TLD vẫn bỏ ra hơn 18 tỷ đồng mua công cụ nợ của các đơn vị khác. Khoản mục này không được TLD thuyết minh rõ trong báo cáo tài chính.

Một điểm đáng chú ý nữa, hồi đầu năm 2017, trước thời điểm niêm yết, TLD đã tiến hành tăng vốn từ 95 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng, nhưng không thu được khoản tiền mặt nào.

Cụ thể, trong 85 tỷ đồng vốn tăng thêm, có 34,5 tỷ đồng để hoán đổi cổ phần tại Công ty cổ phần Xây dựng thương và Sản xuất ván ép Thăng Long, 14 tỷ đồng phát hành để hoán đổi cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Chế biến lâm sản Thăng Long, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại 2 công ty trên lên gần 100%.

Còn lại 36,5 tỷ đồng vốn góp là góp vốn bằng tài sản của ông Nguyễn An Ngọc, Chủ tịch HĐQT và là cổ đông lớn nhất của TLD và người thân. Tuy nhiên, báo cáo tài chính 2016 và 2017 cho thấy, ông Ngọc cùng người thân đã chuyển giao một lượng lớn cổ phần của TLD trước thời điểm lên sàn.

Cụ thể, trong năm 2016, ông Ngọc đã giảm tỷ lệ nắm giữ từ 64,06% xuống còn 26,32%. Bà Trần Thị Thành, vợ ông Ngọc cũng giảm tỷ lệ nắm giữ từ 18,78%, xuống còn 13,16%. Ông Nguyễn An Quân, Tổng giám đốc và là con ông Ngọc giảm tỷ lệ từ 14% xuống 2,63%.

Năm 2017, tỷ lệ sở hữu của ông Ngọc chỉ còn 16,67%, ông Quân tăng lên 5,56%, trong khi bà Thành không còn sở hữu cổ phiếu TLD nào.

Ngoài ra, một số cổ đông lớn khác như ông Trần Trọng Cảnh cũng giảm tỷ lệ nắm giữ từ 10,53% xuống 3,06%, bà Nguyễn Thị Thanh giảm từ 11,05%, xuống còn 0,56%.

Việc các cổ đông lớn đồng loạt giảm tỷ lệ sở hữu khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi nghi ngờ về tương lai phát triển của TLD và đó có thể là nguyên nhân không nhỏ khiến cổ phiếu này lao dốc mạnh thời gian vừa qua.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan