Không chỉ tại khách quan
Theo quy định tại khoản 2, Điều 139, Luật Doanh nghiệp 2020, đại hội cổ đông thường niên của doanh nghiệp phải được tiến hành trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trong trường hợp cần thiết, hội đồng quản trị sẽ quyết định gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, chậm nhất là ngày 30/4/2024, các doanh nghiệp (có năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12/2023) phải tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Nếu gia hạn tổ chức thì không được muộn hơn ngày 30/6/2024.
Theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán, tới thời điểm này, một số doanh nghiệp đã thông báo về việc gia hạn ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên, như Công ty cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (mã HQC), Công ty cổ phần Xây dựng điện VNECO4 (mã VN4), Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã DTL)… Lý do các công ty này đưa ra đều chung chung, kiểu “để có thêm thời gian soạn thảo, hoàn thiện tài liệu văn kiện và sắp xếp chu toàn công tác tổ chức đại hội đồng cổ đông” (HQC), “đủ thời gian cho công tác chuẩn bị đại hội đồng cổ đông được thành công” (DTL), hay “Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo đang tập trung cho việc hoạch định chiến lược kinh doanh trong giai đoạn mới, cần có thêm thời gian chuẩn bị nội dung chương trình và công tác tổ chức đại hội 2023 đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và điều lệ công ty” (VN4).
Thực tế thì đây đều là các doanh nghiệp đang có những vấn đề nội tại. Năm 2023, Hoàng Quân đạt 293 tỷ đồng doanh thu, tăng 6% so với năm 2022 nhưng lãi sau thuế chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng, giảm tới 73% so với năm trước đó. Doanh nghiệp này còn bị “bêu tên” vì nợ thuế 133,6 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 5,6 tỷ đồng. Hay Công ty Đại Thiên Lộc lỗ hai năm liên tiếp 2022 và 2023, khiến cổ phiếu nằm trong diện bị kiểm soát từ ngày 11/4/2024. Tương tự, với VNECO4, cổ phiếu cũng đang bị kiểm soát do báo lỗ hai năm liên tiếp 2022 và 2023, hiện lỗ luỹ kế gần 4.000 tỷ đồng.
Ngoài những công ty trên, một số công ty niêm yết không hoàn thành việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên trước ngày kết thúc tháng 4. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, mã HDC) dự kiến tổ chức đại hội cổ đông vào ngày 2/5 tới, sau lần triệu tập đầu tiên thất bại (vào ngày 6/4/2024) vì tỷ lệ cổ phần tham dự đại hội chỉ đạt 47,91% (thấp hơn tỷ lệ bắt buộc là trên 50%). Doanh nghiệp này vừa trải qua một năm kinh doanh khó khăn, khi chỉ hoàn thành 38% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận.
Tương tự, đại hội cổ đông Công ty cổ phần Tập đoàn CEO (mã CEO) cũng tổ chức bất thành trong lần triệu tập đầu tiên vào ngày 5/4, do tổng số cổ phần mà cổ đông đại diện tham dự đại hội chỉ đạt 33,98% vốn điều lệ. Năm 2023, CEO Group cũng phải triệu tập đến lần thứ hai mới đủ điều kiện tỷ lệ đại diện cổ phần tham dự. Cơ cấu cổ đông quá phân tán là nguyên nhân chính khiến CEO Group khó tập hợp đủ tỷ lệ cổ đông tham dự ngay trong lần đầu tiên. Theo công bố của CEO, tại ngày 5/3/2024, Công ty chỉ có hai cổ đông lớn, với tổng tỷ lệ sở hữu là 27,16%; 72,84% cổ phần còn lại do 57.396 cổ đông nhỏ lẻ nắm giữ.
Công ty cổ phần Đầu tư LDG (mã LDG) đã chốt tổ chức đại hội cổ đông 2024 vào ngày 26/4 tới, song không biết lịch sử có lặp lại. Năm ngoái, LDG phải triệu tập đến lần thứ ba (vào ngày 25/7/2023) mới thành công, sau hai lần tổ chức bất thành vì cổ đông tham dự chỉ đạt dưới 30%. Sau biến cố Chủ tịch LDG Nguyễn Khánh Hưng bị bắt vào cuối năm 2023, liên quan đến sai phạm tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), LDG hiện chỉ có Quyền Tổng giám đốc. Công ty vừa báo lỗ ròng kỷ lục, lên tới 374 tỷ đồng trong năm 2023.
Tổ chức đại hội cổ đông muộn do nhiều lần tổ chức bất thành cũng là câu chuyện của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII), Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp - mã DIG) trong năm 2023. Để đảm bảo đại hội cổ đông năm nay thành công, CII gửi thư ngỏ đến nhà đầu tư thông báo sẽ tặng tiền cho cổ đông đến dự hoặc uỷ quyền tham dự đại hội.
Khoảng trống quyền lợi của cổ đông
Việc doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông quá muộn, khi đã trôi qua nửa năm tài chính là vi phạm quyền lợi của cổ đông.
Luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội
Đại hội cổ đông thường niên là dịp quan trọng nhất, thậm chí là duy nhất trong năm để nhà đầu tư gặp gỡ, kết nối với lãnh đạo doanh nghiệp nơi họ góp vốn. Chuẩn bị tốt đại hội cổ đông vừa là trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp vừa là cơ hội để doanh nghiệp giãi bày, tri ân những “ông chủ” doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm nêu quan điểm, những doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông muộn, dù vì lý do gì, cũng ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin doanh nghiệp của cổ đông/nhà đầu tư, rộng hơn là quyền thảo luận, biểu quyết thông qua các kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.
“Thực tế, một số doanh nghiệp cố ý kéo dài thời gian tổ chức đại hội cổ đông nhằm trì hoãn việc công bố thông tin về kết quả kinh doanh, chiến lược kinh doanh hoặc để “ém” đi các thông tin bất lợi. Khi cổ đông chậm được thông tin, họ có thể có hành vi đầu tư sai lệch, gây thiệt hại cho chính mình”, nhà đầu tư này nói.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, bà Lý Thị Hiền, Trưởng phòng IR, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp nên tổ chức đại hội cổ đông vào tháng 3, tháng 4 hàng năm, sau khi đã có báo cáo tài chính được kiểm toán. Đây là mốc thời gian quan trọng để doanh nghiệp thông tin sớm nhất và giải trình trước cổ đông về kết quả kinh doanh năm cũ, đồng thời chia sẻ kế hoạch kinh doanh năm mới. Đây là những thông tin đầu vào của quá trình đầu tư và cổ đông có quyền được doanh nghiệp cung cấp đầy đủ, đúng hạn.
Dưới góc độ pháp luật, luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định, việc doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông quá muộn, khi đã trôi qua nửa năm tài chính là vi phạm quyền lợi của cổ đông, thậm chí còn có dấu hiệu của “giao dịch nội gián” nếu như chủ doanh nghiệp và người nội bộ “ém” thông tin bất lợi để tranh thủ mua vào hoặc bán ra cổ phiếu.
Với những doanh nghiệp tổ chức đại hội cổ đông lần đầu vào hạn chót là cuối tháng 6, trường hợp không đủ điều kiện tổ chức, họ sẽ phải tổ chức lần thứ hai, thậm chí thứ ba, như vậy là cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp.
“Nếu việc này lặp lại nhiều lần, nhà đầu tư có thể khởi kiện hoặc thông tin rộng rãi để tẩy chay cổ phiếu của những doanh nghiệp này”, ông Ứng đề nghị.