Phía sau lời cảnh báo tại TAS

Phía sau lời cảnh báo tại TAS

(ĐTCK) Tính đến thời điểm hiện tại, vốn chủ sở hữu của TAS được ghi nhận trong BCTC chỉ còn 80,188 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 139 tỷ đồng.

Sau khi kiểm tra trực tiếp tại TAS, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phát hiện CTCP Chứng khoán Tràng An (TAS) đã có một số vi phạm về hoạt động môi giới và cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hiện UBCK đang phối hợp với cơ quan chức năng để xem xét xử lý TAS.

Phía sau lời cảnh báo tại TAS ảnh 1

Diễn biến giá cổ phiếu TAS từ đầu năm 2012 đến nay - Nguồn: HNX  

Những dấu hiệu bất thường

Ngày 17/8/2012, TAS công bố báo cáo tài chính (BCTC) bán niên năm 2012 đã soát xét. Ý kiến kiểm toán tại báo cáo này của TAS có nhiều điểm ngoại trừ, trong đó có ý kiến ngoại trừ về phần lớn công nợ phải thu. Ngay sau đó, UBCK yêu cầu TAS giải trình về những điểm ngoại trừ trong báo cáo nêu trên.

Ngoài ra, đến thời điểm này, TAS vẫn chưa công bố thông tin về chỉ tiêu an toàn tài chính thời điểm 30/6/2012, vi phạm quy định về công bố thông tin tại Thông tư 52/2012/TT-BTC.

Được biết, ngày 23/8/2012, Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đã ban hành các quyết định cảnh cáo TAS, do vi phạm các quy định tại quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán. VSD yêu cầu Công ty có trách nhiệm tăng cường việc kiểm soát hoạt động giao dịch chứng khoán, đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành, để hạn chế các sai sót dẫn đến việc tạm thời mất khả năng thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán và hoàn trả đủ các khoản vay Quỹ hỗ trợ thanh toán theo đúng quy định của VSD. Đây là lần thứ tư TAS bị cảnh cáo do vị phạm quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán, kể từ tháng 11/2011 đến nay.

 

Thực trạng tài chính tại TAS

Theo BCTC bán niên đã soát xét, doanh thu 6 tháng đầu năm 2012 của TAS chỉ đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, doanh thu môi giới là 1,4 tỷ đồng, tự doanh 32 triệu đồng, tư vấn 130 triệu đồng, doanh thu khác 330 triệu đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý II/2012 của TAS âm 3 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng âm 5,32 tỷ đồng. Như vậy, TAS đã có 6 quý lỗ liên tiếp, lỗ lũy kế ở thời điểm 30/6/2012 là 69,94 tỷ đồng.

Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam (VAE) đã thực hiện công tác soát xét BCTC bán niên 2012 của TAS và đưa ra nhiều điểm ngoại trừ. Điểm đáng chú ý là những ý kiến ngoại trừ này đã được đưa ra tại báo cáo kiểm toán năm 2011, nhưng vẫn chưa được TAS khắc phục.

Theo kiểm toán viên Ngô Bá Duy, thuộc VAE, TAS tiếp tục cho NĐT mua chứng khoán khi chưa có đủ tiền trong tài khoản và chưa quản lý tách bạch tiền của NĐT. Tại thời điểm 30/6/2012, khả năng thanh toán nhanh chỉ đạt 0,044 lần, các khoản nhận nợ lại các khoản vay của NĐT đều quá hạn thanh toán. Đồng thời, lỗ lũy kế gần 70 tỷ đồng, chiếm hơn 50% vốn điều lệ.

Phía sau lời cảnh báo tại TAS ảnh 2

Do đó, VAE cho rằng, “những điều này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty trong các kỳ tiếp theo”.

Các khoản phải thu khách hàng của TAS tại thời điểm 30/6/2012 lên tới 236 tỷ đồng, chiếm 92% tổng tài sản, trong đó khoản quá hạn là 73,64 tỷ đồng (Công ty mới trích lập dự phòng 43,53 tỷ đồng). Theo thuyết minh BCTC, trong đó có 61,88 tỷ đồng là số lãi vay TAS đã trả cho các tổ chức cho vay, nhưng chưa được hạch toán vào chi phí, mà dự định phân bổ số chi phí này cho các khách vay của Công ty (việc phân bổ và thu hồi khoản lãi vay này là khó thực hiện, do việc thu hồi nợ của Công ty gặp nhiều khó khăn).

Ngoài số tài sản là cổ phiếu trên các tài khoản giao dịch chứng khoán, NĐT nợ TAS còn thế chấp cho TAS tài sản là cổ phiếu chưa niêm yết, bất động sản và quyền mua bất động sản được thể hiện bằng giá trị tiền đã nộp mua nhà. Tuy nhiên, việc thống kê và đánh giá giá trị của những tài sản này là tương đối khó khăn, do khó xác định giá trị thị trường. Hiện TAS cũng chưa tiến hành trích lập dự phòng bổ sung cho các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán.

Được biết, tại BCTC 2011, TAS đã “thừa nhận” rằng, nếu trích lập dự phòng đủ theo cách lấy nợ phải thu trừ đi tài sản đảm bảo, thì con số phải trích lập dự phòng là 66 tỷ đồng. Như vậy, đáng nhẽ TAS phải trích lập thêm gần 22,5 tỷ đồng nữa.

Các khoản phải trả ngắn hạn của TAS tại thời điểm 30/6/2012 là 144,04 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong số này, có 134,82 tỷ đồng là khoản tiền TAS nhận nợ lại và cho các khách hàng khác vay. Số tiền này là của một số NĐT đứng tên vay của các tổ chức để đầu tư chứng khoán bằng việc cầm cố, thế chấp chứng khoán có tại TAS. Tuy nhiên, sau khi các tổ chức giải ngân cho các NĐT thông qua TAS, TAS đã sử dụng số tiền này để cho các NĐT khác vay. Trong năm 2011, TAS đã nhận nợ trực tiếp số tiền này với các tổ chức cho vay, toàn bộ số nợ đó quá hạn từ 5 tháng đến 1 năm, các khoản lãi vay phát sinh được hạch toán khi Công ty thực tế chi trả.

Phía kiểm toán nhận xét, việc nhận nợ của TAS là chưa phù hợp với quy định hiện hành, số lãi vay đã trả được hạch toán là khoản phải thu, mà chưa được hạch toán vào chi phí, kiểm toán không ước tính được đầy đủ số lãi vay phải trả nên không đánh giá được ảnh hưởng của số lãi vay này tới BCTC cho kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2012.

Tính đến thời điểm hiện tại, vốn chủ sở hữu của TAS được ghi nhận trong BCTC chỉ còn 80,188 tỷ đồng, so với vốn điều lệ 139 tỷ đồng.

 

Đổi chủ, giảm 2/3 nhân sự

Cuối tháng 4/2012, TAS có sự thay đổi lớn về nhân sự cấp cao khi ông Lưu Hiểu Đông (quốc tịch Trung Quốc) trở thành Chủ tịch HĐQT TAS, sau khi mua vào số lượng lớn cổ phiếu TAS. Theo cơ cấu cổ đông hiện tại, ông Đông đang nắm giữ 14,04% vốn điều lệ TAS, tiếp theo là bà Nguyễn Thị Tuệ (9,62%).

Sau khi tham gia Ban lãnh đạo TAS, ông Đông đã phải đem tiền túi cho TAS vay 29,818 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Từ số lượng 90 nhân sự năm 2011 (trong đó có 15 cán bộ quản lý), Công ty đã cắt giảm xuống còn 30 nhân sự thời điểm hiện tại.

Ngày 12/7/2012, TAS đã phải “gán nợ” khoản góp vốn với Công ty Hữu nghị FORTIKA đầu tư dự án xây dựng nhà cao tầng, trị giá 15 tỷ đồng cho cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Tuệ, nhằm trả nợ cho khoản vay bà Tuệ trước đó.

Mặc dù có sự góp vốn của những tổ chức tài chính như Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) nắm 5,65%, Công ty Tài chính Bưu điện (PTF) nắm 4,98%, CTCP Tư vấn và Đầu tư Tràng An (INCOCO) nắm 2,98%, nhưng dường như TAS không nhận được sự giúp đỡ nào từ phía những cổ đông này.

Hiện TAS đang được giao dịch trên HNX với mức giá 3.600 đồng/CP, khối lượng niêm yết là 13,9 triệu cổ phiếu. Ngoại trừ những cổ đông lớn, cổ đông nội bộ thì còn tới 58,87% cổ phần của TAS đang được những NĐT nhỏ lẻ khác nắm giữ.