Mức phí sàn bảo hiểm vật chất xe ô tô áp riêng cho từng doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang ý nghĩa tích cực cho mảng bảo hiểm xe cơ giới nói riêng, thị trường bảo hiểm nói chung, giảm cạnh tranh không lành mạnh, tránh hạ phí, mở rộng điều khoản bảo hiểm. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp bảo hiểm… kêu cứu.
“Giá cao thế này, ai mua?”
Một số doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ có mức phí bán bảo hiểm vật chất ô tô được phê chuẩn cao hơn hẳn các doanh nghiệp bảo hiểm khác đang kêu trời vì việc bán bảo hiểm gặp khó khăn. Các doanh nghiệp này kêu cứu lên Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và đã có buổi làm việc với Hiệp hội. Các doanh nghiệp bảo hiểm chịu mức phí cao chủ yếu do lỗ lớn từ nghiệp vụ này kéo dài từ nhiều năm qua.
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nói: “Chúng tôi hiểu mức phí được phê chuẩn áp riêng cho từng doanh nghiệp bảo hiểm dựa trên diễn biến hoạt động trong nghiệp vụ bảo hiểm vật chất ô tô của doanh nghiệp, trong đó có kết quả lỗ lãi từ nghiệp vụ này. Nhưng nếu cao thế này, chúng tôi sẽ khó thuyết phục khách hàng mua bảo hiểm của doanh nghiệp mình. Bán bảo hiểm với giá cao hơn hẳn doanh nghiệp khác, ai mua?”.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm khác chia sẻ, công ty khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp có mức phí bảo hiểm thấp hơn. Đó là chưa kể những khó khăn trong việc thuyết phục các đại lý tiếp tục bán bảo hiểm cho doanh nghiệp khi cùng một lúc có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhảy vào chào phí thấp hơn.
Các doanh nghiệp này kiến nghị, cơ quan quản lý nên xem xét điều chỉnh mức phí bảo hiểm tại các doanh nghiệp sao cho hợp lý, tránh tình trạng doanh nghiệp này quá cao, doanh nghiệp khác quá thấp, dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp phải áp dụng các chiêu cạnh tranh không lành mạnh để bán được bảo hiểm.
Quan trọng là chất lượng dịch vụ
Ngược lại, một số doanh nghiệp bảo hiểm lớn cho rằng, biểu phí mới dựa trên cơ sở đăng ký của doanh nghiệp bảo hiểm rồi cuối cùng mới được phê chuẩn bởi Bộ Tài chính, như thế là hoàn toàn hợp lý. Nếu tính bình quân, mức phí này xét trên toàn thị trường chỉ tăng dưới 1%, trong khi các nước lân cận lên tới trên dưới 5%.
“Chúng tôi không có bình luận về mức phí được áp riêng cho doanh nghiệp mình, vì thiết nghĩ đó là mức phí tốt cho thị trường trong lúc này. Còn các doanh nghiệp chịu mức phí cao hơn, đó là sự trả giá hợp lý cho những tháng ngày gây lỗ cao, khiến chính doanh nghiệp họ khó khăn cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chung”, lãnh đạo một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có trụ sở ở Hà Nội nói.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phí bảo hiểm cao hay thấp không phải là yếu tố quyết định sự lựa chọn mua bảo hiểm của khách hàng, mà quan trọng vẫn là chất lượng dịch vụ kèm theo chính sách chăm sóc hậu bán hàng. Thực tế trước đây cho thấy, một số doanh nghiệp bảo hiểm áp mức phí cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường như Liberty Việt Nam, nhưng sản phẩm bảo hiểm vật chất ô tô vẫn bán chạy, được khách hàng đón nhận.
Mặt khác, doanh nghiệp áp dụng mức phí bảo hiểm dựa trên việc đánh giá rủi ro theo từng nhóm khách hàng, nghĩa là không phải mọi khách hàng đều được “ đối xử ” trong áp phí như nhau. Theo đó, lịch sử tổn thất của khách hàng sẽ tỷ lệ thuận với mức phí bảo hiểm áp riêng cho khách hàng đó. Cụ thể, chủ xe có lịch sử tổn thất, rủi ro càng thấp thì được áp một mức phí càng cạnh tranh, hợp lý, hay nói khác đi là thấp. Tất nhiên, mức phí này phải dựa trên biểu phí an toàn được Bộ Tài chính phê chuẩn, tức là không thấp hơn mức phí sàn.
Nên công khai mức phí sàn
Các doanh nghiệp bảo hiểm băn khoăn, mức phí sàn tối thiểu áp dụng cho từng doanh nghiệp có được công bố công khai hay không, hay chỉ doanh nghiệp nào biết biểu phí của doanh nghiệp đó ?
“Nếu biểu phí của doanh nghiệp bảo hiểm A chỉ được biết bởi doanh nghiệp bảo hiểm A và cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, thì cần thiết phải công khai mức phí sàn áp cho từng doanh nghiệp bảo hiểm trên phạm vi toàn thị trường”, phó tổng giám đốc một doanh nghiệp bảo hiểm nói và đặt vấn đề: trên thực tế, một showroom ô tô có thể nhận bán bảo hiểm cùng một lúc cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm A bán bảo hiểm vật chất ô tô với phí thấp hơn biểu phí đã đăng ký và được phê chuẩn thì sẽ giải quyết thế nào?
Một trường hợp khác, nếu biểu phí bảo hiểm vật chất ô tô của doanh nghiệp bảo hiểm A được Bộ Tài chính phê chuẩn cao hơn biểu phí tại doanh nghiệp bảo hiểm B, nhưng sau đó vì cạnh tranh mà doanh nghiệp bảo hiểm A hạ phí bán thấp hơn cả phí của doanh nghiệp bảo hiểm B, thì sẽ xử lý ra sao?
Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm phụ trách mảng bảo hiểm phi nhân thọ cho rằng, nếu phát hiện trường hợp bán bảo hiểm với phí dưới chuẩn, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể thông báo lên Cục để cơ quan này có hướng xử lý.
Còn đại diện Bộ Tài chính cho biết, sau khi phê duyệt quy tắc, điều khoản, biểu phí cho từng doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ sẽ kiểm tra tính tuân thủ và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.
Liên quan đến việc công khai hay không công khai mức phí sàn áp cho từng doanh nghiệp bảo hiểm, nhiều ý kiến cho rằng, nên công khai trên phạm vi toàn thị trường để các doanh nghiệp tăng cường công tác giám sát trực tiếp việc tuân thủ bán bảo hiểm theo đúng mức phí mà cơ quan quản lý đã phê chuẩn. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp bảo hiểm giám sát lẫn nhau nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch trong việc bán sản phẩm. Nếu không có biện pháp kiểm tra chặt chẽ, hữu hiệu thì có thể sẽ xảy ra tình trạng “lối mòn cũ, hòa cả làng”, các doanh nghiệp bảo hiểm nhiều khả năng tiếp tục cạnh tranh bằng cách hạ phí.
Theo số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), quý I/2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường ước đạt 7.542 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là Bảo hiểm PVI với doanh thu ước đạt 1.662 tỷ đồng, tăng 12,4% và chiếm hơn 22% thị phần. Đứng thứ 2 là Bảo hiểm Bảo Việt với doanh thu ước đạt 1.388 tỷ đồng, giảm 2,48% và chiếm 18,4% thị phần. Bảo Minh đứng thứ 3 với doanh thu ước đạt 744 tỷ đồng, tăng 4,86% và chiếm 9,86% thị phần. Bảo hiểm PJICO đứng thứ 4 với doanh thu ước đạt 535 tỷ đồng, tăng 8,85% và chiếm 7,09% thị phần. Bảo hiểm PTI đứng thứ 5 với doanh thu ước đạt 529 tỷ đồng, tăng 11,1% và chiếm 7,02% thị phần. Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm xe cơ giới tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, đạt 2.336 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30,9%; tiếp theo là bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt 1.606 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,2%; bảo hiểm tài sản và bảo hiểm thiệt hại đạt 1.390 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,4%. Trong quý I/2015, số tiền thực bồi thường bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 2.804 tỷ đồng, tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc là 37,1%, cao hơn tỷ lệ thực bồi thường bảo hiểm gốc cùng kỳ năm 2014 (33,2%). |