Dù chưa đủ căn cứ xử lý hình sự về tội Đưa hối lộ hoặc Môi giới hối lộ, nhưng các doanh nghiệp chi ngoài vẫn chưa thể “thở phào”, bởi vẫn còn đó những mối nguy cơ tiềm ẩn, có khả năng đe dọa tới hoạt động của công ty.
Theo đó, vào khoảng tháng 10/2013 - 7/2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạm dừng việc xem xét hồ sơ công nhận các sản phẩm là vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp (gồm cả thức ăn nuôi trồng thủy sản và chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản). Việc tạm dừng có mục đích để rà soát tổng thể các quy định pháp luật liên quan nhằm quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh và chất lượng vật tư đầu vào toàn ngành.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thủy sản có nhu cầu vẫn tới tấp nộp hồ sơ sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường về Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm, Kiểm định nuôi trồng thủy sản (Trung tâm 3K) thuộc Tổng cục Thủy sản để đăng ký vào Danh mục lưu hành từ năm 2013.
Trước nhu cầu của doanh nghiệp, cán bộ Trung tâm 3K gợi ý sẽ xem xét, thẩm định hồ sơ và đưa vào danh mục cấp phép lưu hành nhanh nhưng phải mất phí. 107 doanh nghiệp đã đồng ý, chấp nhận mất phí hướng dẫn thủ tục hồ sơ, phân tích kiểm nghiệm mẫu từ 5 - 25 triệu đồng/sản phẩm.
Các cán bộ Trung tâm 3K đã lợi dụng sơ sở trong việc ban hành văn bản để thực hiện hành vi ghép phụ lục lùi thời hạn, làm và phát hành 6 văn bản giả mạo của Tổng cục Thủy sản, nhằm đưa thêm 946 sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trong thủy sản vào danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Để làm công văn trên, các doanh nghiệp phải chi 7,4 tỷ đồng bồi dưỡng cho các cán bộ trung tâm. Số tiền trên được chuyển vào tài khoản cá nhân các cán bộ, người thân trong gia đình hoặc bạn bè. Tùy nhu cầu, doanh nghiệp phải chi tối thiểu 25 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng.
Khi làm việc với cơ quan điều tra, các doanh nghiệp này đều thừa nhận đây là khoản chi phí để bồi dưỡng thêm, do số lượng sản phẩm nhiều và trong bối cảnh việc đăng ký các sản phẩm rất khó khăn, phải chỉnh sửa hồ sơ nhiều lần nhưng chưa được cấp phép. Doanh nghiệp chỉ mong muốn các sản phẩm sớm được cấp phép lưu hành để sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, tạo thu nhập, công ăn việc làm cho doanh nghiệp và người lao động.
Các doanh nghiệp thừa nhận không nhận thức việc nộp chi phí ngoài quy định là sai phạm. Khi đăng ký sản phẩm, họ không được cán bộ trung tâm trao đổi, thỏa thuận; không biết các cán bộ trung tâm làm cách nào để thẩm định, cấp phép lưu hành sản phẩm mà chỉ tin tưởng việc làm đó là đúng pháp luật.
Khi Tổng cục Thủy sản thông báo, yêu cầu thu hồi 6 công văn phát hành trái phép, các doanh nghiệp đã nộp lại, cam kết không sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trong công văn sai phạm. Đồng thời cam kết tiêu hủy, thu hồi một số sản phẩm đã sản xuất theo kết luận của Tổng cục Thủy sản.
Cơ quan điều tra xác định đây là khoản chi phí không đúng quy định nhưng phần lớn doanh nghiệp, công ty đều hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế, nộp và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho nhân viên, người lao động. Trong quá trình điều tra, các giám đốc doanh nghiệp trên đều tích cực hợp tác, thành khẩn khai báo. Do đó, tính chất và mức độ sai phạm không đủ căn cứ xử lý hình sự tội Đưa hối lộ hoặc Môi giới hối lộ.
Đây không phải là một vụ việc hiếm gặp, bởi thực tế, việc chi phí ngoài để lót tay, bôi trơn, lại quả là hiện tượng không hiếm. Đa số trường hợp, doanh nghiệp không thể chứng minh được tính hợp pháp của các khoản chi này. Hậu quả là những cán bộ đang làm việc cho doanh nghiệp có nguy cơ phải chịu trách nhiệm pháp lý nặng nề, chẳng hạn vụ án xảy ra tại Xí nghiệp vườn quả Từ Liêm (chi nhánh của Hadico), một số cán bộ doanh nghiệp này phải đối diện các tội danh là Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Tham ô tài sản, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án giả mạo trong công tác xảy ra tại Trung tâm 3K. 6 bị can nguyên là cán bộ, chuyên viên trung tâm bị đề nghị truy tố tội danh trên gồm Bùi Đức Quý (62 tuổi, cựu giám đốc); Nguyễn Thị Hà (37 tuổi), Đỗ Thị Hà (29 tuổi), Nguyễn Văn Dũng (32 tuổi), Nguyễn Huy Bàn (38 tuổi, quận Ba Đình) và Vũ Thị Thu (35 tuổi, cán bộ Trung tâm miền Đông Nam bộ). Bị can Lê Tuấn Anh (38 tuổi, Phó phòng hành chính quản trị, văn phòng Tổng cục Thủy sản) cũng giữ vai trò đồng phạm.