Làm… không công
Theo Thông tư số 241/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, mức phí dịch vụ đấu giá mà công ty, tổ chức có cổ phần và các loại chứng khoán được bán đấu giá phải nộp cho Sở giao dịch chứng khoán là 0,3% trên tổng giá trị cổ phần/mỗi loại chứng khoán thực tế bán được, tối đa là 300 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phần và tối thiểu là 20 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phần.
Trong khi đó, theo Thông tư số 242/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, giá dịch vụ đấu giá là từ 20 triệu đồng/1 cuộc bán đấu giá cổ phần/mỗi loại chứng khoán đến 0,3% trên tổng giá trị cổ phần và các loại chứng khoán thực tế bán được.
Các công ty chứng khoán thực hiện tư vấn bán đấu giá cổ phần phản ánh, công ty thu mức phí cung cấp dịch vụ đấu giá đúng bằng 0,3% trên tổng giá trị cổ phần thực tế bán được mà công ty có cổ phần đưa ra đấu giá phải nộp cho Sở giao dịch chứng khoán. Toàn bộ mức phí này, công ty chứng khoán thay mặt cho doanh nghiệp có cổ phần đưa ra bán đấu giá nộp cho Sở giao dịch chứng khoán. Điều này khiến công ty chứng khoán rơi vào tình cảnh làm… không công.
Bộ Tài chính thừa nhận, thực tế thực hiện Thông tư 242/2016/TT-BTC cho thấy một số quy định chưa hợp lý. Đó là quy định công ty chứng khoán thu giá dịch vụ môi giới từ khách hàng phải trích nộp cho Sở giao dịch chứng khoán mức giá dịch vụ giao dịch là 0,03% giá trị giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và 0,02% giá trị giao dịch đối với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đăng ký giao dịch trên UPCoM (Điểm 4.1, Biểu giá ban hành kèm theo Thông tư 241/2016/TT-BTC).
Như vậy, đối với trường hợp thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp niêm yết thực hiện giao dịch thỏa thuận hoặc khớp lệnh qua Sở giao dịch chứng khoán thông qua môi giới của công ty chứng khoán, thì công ty này phải nộp toàn bộ khoản thu được từ dịch vụ môi giới cho Sở giao dịch chứng khoán và không có khoản thu giữ lại từ dịch vụ này. Trường hợp công ty chứng khoán không thu đến mức tối đa 0,03% giá trị giao dịch, công ty phải bỏ thêm tiền để nộp đủ cho Sở giao dịch chứng khoán.
Liên quan đến bất cập tại Thông tư 242/2016/TT-BTC, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận được Công văn số 712/2017/CV-SSIHO ngày 10/7/2017 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đề nghị hướng dẫn nội dung về thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần niêm yết qua Sở giao dịch chứng khoán.
Cụ thể, SSI đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn phạm vi áp dụng biểu giá: Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tại Điểm 2a của Biểu giá có áp dụng cho trường hợp môi giới mua bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch hay không?
Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong trường hợp thoái phần vốn nhà nước quy định tại Điểm 2b của Biểu giá áp dụng cho 1 lần đặt lệnh bán trên sàn, hay cho toàn bộ đợt giao dịch thoái vốn?
Tiền phí môi giới thu từ bên bán cổ phiếu tối đa bằng mức phí công ty chứng khoán phải trả cho Sở giao dịch chứng khoán, mức phí mà công ty chứng khoán phải trả cho Sở giao dịch chứng khoán không bị giới hạn mức tối đa, trong khi khoản thu của công ty chứng khoán thu của khách hàng bị chặn ở mức 3 tỷ đồng/1 lần giao dịch là vì sao?
Định hướng sửa đổi
Để khắc phục bất cập trên, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 242/2016/TT-BTC và đang lấy ý kiến rộng rãi thị trường. Theo đó, dự kiến sửa đổi, bổ sung Điểm 2 của Biểu giá: Giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) có mức giá là từ 0,15 - 0,5% giá trị giao dịch.
Riêng giá dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ trong trường hợp thoái phần vốn Nhà nước, dự thảo quy định: “Ngoài các khoản chi giá dịch vụ giao dịch cho Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật, công ty chứng khoán được thu giá dịch vụ môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tối đa không quá 0,03% giá trị giao dịch và tối đa không quá 3 tỷ đồng/1 giao dịch/1 tổ chức thoái vốn”.