Quyết định 5420/QĐ-UB ban hành ngày 29/9/2011 được coi là cơ sở để các tòa chung cư tại Hà Nội làm căn cứ thu phí dịch vụ trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong văn bản mới nhất gửi tới Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội cho rằng văn bản này đã không còn phù hợp với thực tế.
Theo văn bản của UBND thành phố Hà Nội, do tính chất dịch vụ nhà chung cư rất đa dạng về tần suất, chất lượng và phụ thuộc vào đặc điểm của từng dự án nên Thành phố cho rằng không thể xây dựng được tất cả các loại dịch vụ.
Đồng thời, quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ là quan hệ dân sự, giao dịch thỏa thuận nên việc Nhà nước quy định để áp dụng là chưa phù hợp với thực tiễn sử dụng và quản lý.
Trong thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ chung cư, trong đó Quyết định 5420 được coi là cơ sở để cư dân các khu chung cư “đấu tranh” với chủ đầu tư.
Trong khi đó, trong thực tế vận dụng quyết định, nhiều bên đã cố tình hiểu sai nội dung này, đồng thời cho rằng đây là giá cao nhất được thu đối với dịch vụ nhà chung cư và quyết định của UBND thành phố là bắt buộc áp dụng. Do vậy, thời gian qua, trên địa bàn đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp trong quá trình sử dụng dịch vụ gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong quá trình giải quyết.
Để minh bạch hóa việc quản lý giá dịch vụ nhà chung cư theo hướng thị trường, Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép công bố đơn giá dịch vụ nhà chung cư thay cho việc ban hành giá trần hoặc khung giá trần dịch vụ nhà chung cư. Đơn giá này sẽ là cơ sở để các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, các hộ dân có thể tham khảo, thương thảo.
Được biết, trong thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ tranh chấp liên quan đến phí dịch vụ chung cư, trong đó Quyết định 5420 được coi là cơ sở để cư dân các khu chung cư “đấu tranh” với chủ đầu tư.
Điển hình về chuyện tranh chấp có thể kể tới trường hợp của các dự án tổ hợp Keangnam và dự án Golden Westlake, những nơi mà phí chung cư vượt xa khung giá của Hà Nội theo Quyết định 5420.
Với động thái mới từ UBND thành phố Hà Nội, chủ đầu tư các tòa chung cư có lẽ sẽ vui mừng ra mặt vì nguy cơ tranh chấp sẽ giảm đi đáng kể. Trong khi đó, đối với những tòa chung cư lâu nay đang tuân thủ quy định “tối đa 4.000 đồng” cũng có thể xem xét việc tăng phí trong thời gian tới.
Giới chuyên gia về quản lý bất động sản cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này, cho rằng khung giá của Hà Nội là quá thấp, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và kêu gọi xây dựng một khung giá mới phù hợp hơn.