Phí bảo hiểm sẽ giảm nếu tính theo quãng đường
Tại Việt Nam, xe gắn máy là phương tiện chính, nhưng các chủ xe gắn máy gần như không mua bảo hiểm thân vỏ, mà chỉ chủ xe ô tô mới mua loại bảo hiểm này. Theo số liệu từ các công ty bảo hiểm, hiện có hơn 4 triệu xe ô tô đang lưu hành trên thị trường (trong đó 43% là xe ô tô con).
Tạm chưa bàn tới tính khả thi, nhưng có lý do để đưa ra đề xuất này, bởi hiện nay, nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội khiến lượng phương tiện tham gia thông giảm mạnh thời gian qua và khả năng các lệnh giãn cách còn kéo dài trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nên việc xe ô tô tiếp tục “nằm kho” là dễ thấy.
Vì thế, nhiều chủ xe ô tô mong muốn nhà bảo hiểm tính phí bảo hiểm xe ô tô theo quãng đường, thay vì theo rủi ro như hiện tại, từ đó giúp chủ xe ô tô giảm được phí phải đóng bảo hiểm thân vỏ và đây cũng được xem như là một giải pháp hỗ trợ khách hàng bớt khó khăn trong mùa dịch.
Anh Lê Văn Hòa (Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh thường xuyên đi công tác nước ngoài nên không thường xuyên sử dụng xe ô tô, nay dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và phải giãn cách xã hội nên tần suất sử dụng xe càng ít.
“Năm qua, tính ra xe ô tô của tôi nằm nhà tới hơn 6 tháng, nhưng vẫn phải trả phí bảo hiểm đầy đủ cho cả năm. Sang năm nay, xe tiếp tục bỏ không gần 4 tháng, nên nếu được tính phí bảo hiểm thân vỏ theo cây số thực chạy thì sẽ giảm mức phí phải đóng”, anh Hòa nói và cho biết thêm, dù biết rủi ro vẫn có thể xảy ra ngay cả khi xe không lưu hành, nhưng anh vẫn mong được tính phí theo cách này vì đây là cách tính công bằng.
Nhiều chủ xe ô tô mong muốn nhà bảo hiểm tính phí bảo hiểm xe ô tô theo quãng đường, thay vì theo rủi ro như hiện tại, từ đó giúp chủ xe ô tô giảm được phí phải đóng bảo hiểm thân vỏ và đây cũng được xem như là một giải pháp hỗ trợ khách hàng bớt khó khăn trong mùa dịch.
Cùng góc nhìn, anh Nguyễn Hưng (quận 1, TP.HCM) cho rằng, nên tính phí bảo hiểm theo quãng đường lăn bánh tương tự như trả tiền điện, tiền nước, dùng đến đâu trả tiền đến đó, chứ không nên “đánh đồng” như hiện nay.
“Covid-19 khiến đại bộ phận người dân gặp khó khăn về tài chính, cho nên chi phí điện, nước đã được Nhà nước giảm bớt để hỗ trợ, bởi vậy bảo hiểm cũng cần tính phí bảo hiểm theo hướng chia sẻ với khách hàng và áp phí theo quãng đường thực chạy là giải pháp phù hợp, có thể trực tiếp giảm mức phí đóng cho các chủ xe ô tô”, anh Hưng phân tích.
Hiện tại, ghi nhận từ các công ty bảo hiểm cho thấy, mức phí bảo hiểm thân vỏ xe được tính theo công văn số 1201/2017 do Bộ Tài chính ban hành, trong đó quy định mức phí tối thiểu được tính toán sao cho đảm bảo khả năng chi trả bồi thường. Theo đó, tùy thuộc vào từng dòng xe, mức độ tổn thất (xe kinh doanh hay không kinh doanh ...) sẽ có mức phí khác nhau, nhưng về cơ bản, mức phí dao động từ 1,2-3% số tiền bảo hiểm. Chẳng hạn, cùng là xe Vios, nếu không kinh doanh thì mức phí bảo hiểm thân vỏ dao động từ 1,1-1,7%, còn nếu dùng để chạy taxi thì mức phí dao động từ 2-3,5%.
Những điểm vướng cần gỡ
Đánh giá đề xuất tính phí bảo hiểm thân vỏ xe theo quãng đường, ông Trần Hoài Nam, phụ trách bộ phận Bồi thường bảo hiểm xe cơ giới của Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) cho rằng, cách tính này cần được xem như là mở thêm một gói sản phẩm mới cho khách hàng lựa chọn, nhưng để triển khai còn nhiều vấn đề phải xử lý, ví dụ như việc kiểm định đồng hồ công tơ mét, khi hiện không có đơn vị nào chịu trách nhiệm kiểm định.
“Ngay cả cơ quan đăng kiểm cũng chưa đăng kiểm theo quãng đường (hiện đang xem xét - PV), mà vẫn theo số tháng, tức là đến thời hạn là phải đăng kiểm, mà không quan tâm quãng đường đi được là bao nhiêu. Do đó, nếu áp dụng cách tính trên thì cần có một đơn vị chuyên kiểm định quãng đường thực chạy này”, ông Nam nói.
Một vấn đề cần quan tâm khác, theo ông Nam, đó là việc tính phí bảo hiểm theo quãng đường có lợi cho chủ phương tiện không kinh doanh, nhưng lại bất lợi cho những chủ phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách vì sẽ phải đóng phí cao khi quãng đường di chuyển nhiều. Đồng thời, xe ô tô dù không hoạt động nhưng vẫn thuộc phạm vi bảo hiểm một số rủi ro cháy, nổ, ngập nước..., tức là doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải bảo hiểm cho những rủi ro này mà không thu được phí, điều đó cũng không công bằng với nhà bảo hiểm.
Chia sẻ với phóng viên, phụ trách mảng bảo hiểm xe của một công ty bảo hiểm có doanh thu bảo hiểm xe thuộc tốp đầu thị trường cho biết, mô hình tính phí bảo hiểm theo quãng đường từng được giới thiệu tại Việt Nam, nhưng chưa được triển khai trên thực tế do còn nhiều điểm vướng.
Chẳng hạn, liên quan đến hợp đồng, nếu theo cách tính trên thì hợp đồng chỉ có hiệu lực khi xe hoạt động và phí được tính trên quãng đường lăn bánh. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế để kiểm soát lúc nào xe chạy, lúc nào xe hoạt động, trong khi rủi ro tổn thất có thể xảy ra ngay cả khi xe đang dừng đỗ, ở trong hầm, trong nhà...
Bên cạnh đó, việc dựa trên số quãng đường đi để định phí còn vướng quy định về mức phí thuần của Bộ Tài chính, chưa kể những rào cản về kỹ thuật, cũng như sự đón nhận của khách hàng..., vì để có cơ sở tính phí thì buộc phải có một thiết bị giám sát, đánh giá hành vi lái xe… trong suốt hành trình, trong khi tâm lý khách hàng thường không thoải mái khi thấy mình bị theo dõi.
Liên quan tới vấn đề này, Bảo hiểm Bảo Việt từng cho chạy thử nghiệm thiết bị giám sát cùng một số công cụ hỗ trợ khác để đo lường rủi ro cả khi xe đang chạy và không chạy nhưng không được đón nhận do chủ xe cảm thấy bị làm phiền.
Thực tế, sản phẩm bảo hiểm xe theo quãng đường đã được triển khai ở một số thị trường phát triển và được xem như là yếu tố định phí, chứ không bảo hiểm theo hướng xe chạy thì hợp đồng có hiệu lực và ngược lại. Tại thị trường Việt Nam, nhiều công ty bảo hiểm cho rằng, sản phẩm này cũng có thể triển khai nếu các vướng mắc cơ bản được xử lý, khi mà các thị trường đang phát triển khác như Lào, Campuchia… cũng đã cho ra mắt bảo hiểm xe theo quãng đường trong mùa dịch.
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam lưu ý, theo quy định hiện hành, quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm thân vỏ phải báo cáo Bộ Tài chính chấp thuận mới được triển khai.
Dưới góc độ là đơn vị tư vấn bảo hiểm, bà Trần Thị Dung, Trưởng phòng Tư vấn - Tranh tụng, Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam cho rằng, trong môi trường cạnh tranh cao, việc nhà bảo hiểm đưa ra sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị trường sẽ giúp tăng sức cạnh tranh, thu hút khách hàng, mà với sản phẩm bảo hiểm thân vỏ xe theo quãng đường, bản chất ở đây chỉ là dùng đến đâu tính tiền đến đó, chứ không quá phức tạp.
“Phương pháp tính này cần có một phần mềm để ghi nhận thời gian hoạt động của xe, hiểu đăng ký đơn bảo hiểm mới... và điều này không khó thực hiện khi các công ty bảo hiểm đều phát triển ứng dụng riêng. Mặt khác, việc đưa ra một sản phẩm mới có ứng dụng công nghệ cũng mở ra cơ hội hợp tác giữa nhà bảo hiểm và công ty công nghệ bảo hiểm (Insurtech), mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng”, bà Dung nói.