PRATI & TIAS sẽ tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu nền tảng, cấp thiết và có tính ứng dụng thực tiễn cao như khoa học cơ bản, ứng dụng, công nghệ vật liệu (polymer, nano, gốm), tự động hóa, cơ điện tử, điện tử, điện tử hữu cơ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, khoa học y, sinh, dược, nông nghiệp…
PRATI tập trung thực hiện các nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, phát triển và chuyển giao công nghệ, và các dịch vụ khoa học và kỹ thuật khác. Viện PRATI đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với các đơn vị nghiên cứu về khoa học và công nghệ trong và ngoài nước trong việc tiến hành các nghiên cứu đổi mới phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các công nghệ thích hợp.
TIAS, với sứ mệnh trở thành một đơn vị hạt nhân cho sự phát triển của Trường đại học Thành Tây, sẽ ưu tiên thực hiện các nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng và phát triển các công nghệ nguồn. TIAS thực hiện chức năng đào tạo của mình ở trình độ sau đại học.
Với sự hội tụ và chung tay của trên 50 nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế, PRATI và TIAS có cơ sở để trở thành địa chỉ thu hút các nhà khoa học trong nước và quốc tế đến làm việc, hợp tác nghiên cứu, nhằm tạo ra các ý tưởng khoa học, sáng tạo công nghệ, và sản phẩm mới.
Trong khuôn khổ các hoạt động ra mắt của hai Viện PRATI & TIAS, Phenikaa tổ chức Hội thảo Quốc tế về Vật liệu và Công nghệ Tiên tiến, đồng thời tổ chức phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng Tư vấn Quốc tế của hai viện PRATI và TIAS.
Phát biểu tại Lễ ra mắt 2 viện, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, những doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có tài chính tốt phải đi tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển công nghệ cao, bất kể là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Ông kỳ vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các viện nghiên cứu, nhất là nghiên cứu công nghệ cao.