Đô thị Hải Phòng khu vực phía Nam cầu Bính. Ảnh: Hồng Phong

Đô thị Hải Phòng khu vực phía Nam cầu Bính. Ảnh: Hồng Phong

Phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng: Khẳng định vị thế quan trọng của Hải Phòng

0:00 / 0:00
0:00
Theo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng là một trong 4 cực tăng trưởng của vùng, được định hướng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực.

Phát huy vai trò của một trong 4 cực tăng trưởng vùng đồng bằng sông hồng

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 xác định rõ, Hải Phòng là một trong 4 cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng, gồm Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh và Hải Phòng. Trong đó, TP. Hải Phòng giữ vai trò tiên phong trong phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng biển.

Quy hoạch cũng đề ra mục tiêu xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại; là cửa ngõ của vùng gắn với cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện; phát triển ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển, du lịch biển đảo, kinh tế khoa học - công nghệ biển và các ngành kinh tế biển mới, như năng lượng tái tạo từ biển, công nghệ sinh học biển, dịch vụ và sản phẩm biển công nghệ cao…

Về phương hướng phát triển các đô thị trung tâm trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng được định hướng trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ với các ngành nghề hàng hải, đại dương học, kinh tế biển; cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt.

Ngoài ra, trong 5 tuyến hành lang kinh tế vùng, Hải Phòng là địa phương nằm trên 2 tuyến hành lang, gồm hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình.

Tập trung phát triển cả 3 trụ cột

Trước khi Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng được thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký phê duyệt Quy hoạch TP. Hải Phòng tại Quyết định số 1516/QĐ-TTg ngày 2/12/2022.

Bản quy hoạch đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện khát vọng của nhân dân Hải Phòng về một thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết, với tinh thần hành động quyết liệt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Hải Phòng đã phát triển mạnh mẽ, khẳng định là một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu, tầm nhìn tương lai, Quy hoạch TP. Hải Phòng đã xác định 3 đột phá phát triển, gồm cảng biển và dịch vụ logistics, chuyển đổi số và phát triển du lịch.

Cụ thể, xây dựng TP. Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế; là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế, liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt, giúp tăng tính liên kết Hải Phòng với các địa phương trong vùng. Hải Phòng sẽ có đầy đủ nền tảng vững chắc để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển trở thành thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với 3 trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Tin bài liên quan