Phê duyệt điều chỉnh Dự án BOT cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng

0:00 / 0:00
0:00
Có khá nhiều thay đổi quan trọng về phương án đầu tư Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT so với quyết định phê duyệt dự án do UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành vào ngày 4/12/2023.
Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Phối cảnh cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ký Quyết định số 103/QĐ – UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT. So với Quyết định số 2014 /QĐ – UBND ngày 4/12/2023 về việc phê duyệt Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT có khá nhiều thay đổi quan trọng liên quan đến phương án triển khai phân đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Thay đổi đầu tiên là việc UBND tỉnh Lạng Sơn đã điều chỉnh khoản 3 Điều 1, Quyết định số 2014 về thời gian thực hiện dự án. Theo đó, thời gian thực hiện Dự án giai đoạn phân kỳ là từ năm 2023 đến năm 2026.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng quyết định điều chỉnh khoản 6 Điều 1, Quyết định số 2014 về tổng mức đầu tư của Dự án, trong đó tổng mức đầu tư mới sẽ là 11.029 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng so với phê duyệt trước đó.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng cũng tiến hành điều chỉnh khoản 7 Điều 1, Quyết định số 2014 về cơ cấu nguồn vốn. Cụ thể, vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp (gồm: vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn huy động khác) là khoảng 5.529 tỷ đồng (chiếm 50,13% tổng mức đầu tư dự án), trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 1.106 tỷ đồng (chiếm 20% tổng vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp); vốn vay và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 4.423 tỷ đồng (chiếm 80% tổng vốn do nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp).

Vốn nhà nước tham gia dự án PPP là 5.500 tỷ đồng (chiếm 49,87% tổng mức đầu tư), trong đó vốn ngân sách trung ương 3.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.000 tỷ đồng.

Tại Quyết định số 2014, vốn do nhà đầu tư có trách nhiệm huy động (gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay và các nguồn huy động khác) được quy định là 6.179 tỷ đồng (chiếm 55,27% tổng mức đầu tư); vốn nhà nước trong dự án PPP khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 44,73% tổng mức đầu tư).

Với cơ cấu nguồn vốn đầu tư nói trên, thời gian hoàn vốn cho Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng là 25 năm 8 tháng thay vì 29 năm 6 tháng như quy định tại Quyết định số 2104.

Các nội dung khác giữ nguyên theo Quyết định số 2014 về việc phê duyệt Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.

Trước đó, tại văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn vào ngày 8/12/2023, tức là sau 4 ngày địa phương này ban hành Quyết định số 2014 về việc phê duyệt dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - đơn vị đề xuất dự án đã nêu ra một loạt khó khăn, vướng mắc.

Nhà đầu tư này cho rằng, với cơ cấu nguồn vốn Dự án được phê duyệt tại Quyết định số 2014, nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia chỉ khoảng 45% tổng mức đầu tư dẫn đến thời gian thu phí hoàn vốn lên tới 29 năm 6 tháng là không hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại ngày càng thắt chặt càng khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn về thu xếp nguồn vốn tham gia vào dự án.

Về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công Dự án, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi đất dự án, theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép.

Tuy nhiên, trường hợp khai thác khoáng sản ngoài phạm vi đất của Dự án, nhà đầu tư vẫn phải thực hiện toàn bộ trình tự, thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Tại văn bản số 1303/TTg-KTTH ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án đã được dự kiến bố trí bổ sung 1.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022. Mặt khác tại Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc Hội về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, Dự án thuộc diện được điều chỉnh chủ trương đầu tư sau khi được giao bổ sung vốn.

Tin bài liên quan