Quốc tế đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh.
Dự án sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phát thải khí nhà kính, công cụ thị trường các-bon và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực chất thải rắn; xây dựng và triển khai thí điểm các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) tạo tín chỉ các-bon, hệ thống báo cáo các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và lộ trình tham gia thị trường các-bon trong lĩnh vực sản xuất thép; tăng cường năng lực quản lý, kiểm tra, giám sát và thực hiện các hoạt động về NAMA và NAMA tạo tín chỉ các-bon.
Tổng mức vốn của Dự án là 3,6 triệu USD, trong đó, vốn ODA 3 triệu USD do Chương trình "Sẵn sàng tham gia thị trường các - bon quốc tế" viện trợ không hoàn lại và ủy thác thông qua WB tại Việt Nam.
Trong tổng số hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam đã đứng thứ 31 về phát thải khí nhà kính. Sự tăng nhanh về phát thải khí nhà kính đã góp phần không nhỏ đến việc làm trầm trọng hơn thời tiết cực đoan của Việt Nam. Thống kê cho thấy, trong vòng 10 năm trở lại đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, lụt, lũ quét, sạt lở đất, úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm chết và mất tích hơn 9.000 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước chiếm khoảng 1,5% GDP/năm.
Ðiều đáng lo ngại, những biến động bất thường của thời tiết, khí hậu đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp do bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, cũng như tác động lớn đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng...
Việt Nam cũng đã cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 19 (COP19) tại Ba Lan năm 2013 đã kêu gọi tất cả các Bên xây dựng Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC). Theo đó, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo INDC của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các bộ, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp cũng như các đối tác phát triển quốc tế cũng đã tích cực tham gia và có những đóng góp cụ thể trong quá trình xây dựng và hoàn thiện INDC. Đến nay Báo cáo này đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và giao Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi Ban Thư ký UNFCCC.
Báo cáo Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định của các bên tham gia sẽ là đầu vào quan trọng cho quá trình chuẩn bị đàm phán tại COP21 diễn ra tại Paris (Pháp) vào cuối năm 2015.