
Tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương- Mỹ Thuận mở rộng có chiều dài khoảng 96,13 km.
Theo quyết định, tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương- Mỹ Thuận mở rộng có chiều dài khoảng 96,13 km, có điểm đầu tại nút giao Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, TP.HCM và điểm cuối tại đầu cầu phía Bắc cầu Mỹ Thuận 2, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
Về quy mô đầu tư, đối với đoạn TP.HCM - Trung Lương đầu tư xây dựng tuyến đường theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường cao tốc, vận tốc thiết kế 120 km/h. Quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh đoạn từ Chợ Đệm - Vành đai 4 quy mô 12 làn xe, đoạn từ Vành đai 4 - Trung Lương quy mô 10 làn xe. Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 8 làn xe.
Đối với đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận: Đầu tư xây dựng tuyến đường theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h. Quy mô mặt cắt ngang đầu tư theo quy mô quy hoạch 6 làn xe.
Quyết định nêu rõ xây dựng các công trình trên tuyến, hệ thống giao thông thông minh, hệ thống trạm thu phí, trạm dừng nghỉ… bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, tuân thủ Luật Đường bộ và pháp luật khác có liên quan.
Địa điểm thực hiện dự án tại TP.HCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang.
Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024 - 2028. Nhu cầu sử dụng đất dự kiến khoảng 1.037 ha (bao gồm 955 ha đã giải phóng mặt bằng từ giai đoạn 1 và 82 ha giải phóng mặt bằng bổ sung).
Dự kiến loại hợp đồng dự án là Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT).
Tổng mức đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng. Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu khoảng 5.970 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư), vốn vay và nguồn vốn huy động hợp pháp khác khoảng 33.830 tỷ đồng (chiếm 85% tổng mức đầu tư). Không có vốn nhà nước trong dự án.
Dự kiến khung giá dịch vụ sử dụng đường bộ được xác định theo nguyên tắc xác định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ bảo đảm lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP và người sử dụng, tạo điều kiện để nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP thu hồi vốn và có lợi nhuận phù hợp theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về PPP.
Cơ quan có thẩm quyền của dự án là Bộ Giao thông Vận tải. Nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), Công ty cổ phần Tasco, Tổng công ty đầu tư xây dựng Hoàng Long, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và Đầu tư CII.
Việc đầu tư mở rộng hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm giảm ùn tắc giao thông, cùng với các dự án giao thông đang được khai thác trong khu vực sẽ hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và từng bước hoàn chỉnh mạng lưới đường cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành cả nước, tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, góp phần đảm bảo quốc phòng- an ninh, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.