EVFTA và EVIPA sẽ là “chất xúc tác” để Việt Nam cải cách thể chế, môi trường kinh doanh..., qua đó thu hút được nhiều hơn vốn FDI. Trong ảnh: Nhà máy ABB tại Việt Nam.
Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và EVIPA), dự kiến được Quốc hội thông qua vào hôm nay (8/6), sẽ đặt Việt Nam vào một con đường cải cách mới để thu hút được nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có chất lượng.
Mở rộng cửa đón vốn châu Âu
Tesa SE (Đức) cách đây ít ngày đã công bố sẽ đầu tư khoảng 55 triệu EUR (tương đương 60,3 triệu USD) để mở một nhà máy chuyên sản xuất băng dính công nghệ cao chuyên phục vụ ngành công nghiệp điện tử và ô tô tại Việt Nam. Theo kế hoạch, Tesa sẽ bắt đầu việc sản xuất vào năm 2023, với khoảng 140 nhân viên trong giai đoạn đầu tiên.
Stefan Schmidt, Trưởng phòng Cung ứng, phụ trách mảng mua hàng, logistics và sản xuất trên phạm vi toàn cầu của Tesa cho biết, Việt Nam mang đến cho Tesa những cơ hội tốt nhất để rút ngắn con đường đến với khách hàng và các nhà cung cấp tại Đông Nam Á và Trung Quốc. Hơn thế nữa, số lượng khách hàng quan trọng của Tesa trong ngành ô tô và điện tử đang chuyển tới Việt Nam ngày càng nhiều.
Ngoài các tên tuổi lớn trong ngành ô tô có mặt ở Việt Nam từ rất lâu, thì ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao đã chọn Việt Nam là điểm đến. Sau Samsung, LG, Foxconn…, giờ đây, lần lượt Google, Microsoft, Apple, Pegatron… đều lên kế hoạch dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Ngoài “cú sốc” Covid-19, việc Việt Nam liên tiếp ký kết các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), trong đó có EVFTA, EVIPA được coi là cú hích lớn khiến các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ EU, quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam. Thậm chí, EVFTA, EVIPA là động lực trước tiên. Chuyện dịch chuyển chuỗi sản xuất chỉ “nóng” sau khi thương chiến Mỹ - Trung nổ ra, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19.
Trong khi đó, các doanh nghiệp châu Âu đã lên kế hoạch tăng cường đầu tư ở Việt Nam từ khá lâu. Bosch là ví dụ điển hình. Những năm gần đây, tập đoàn đến từ Đức này đã liên tục tăng vốn đầu tư tại Việt Nam, từ 55 triệu EUR ban đầu đã lên tới 321 triệu EUR (tương đương khoảng 380 triệu USD) ở thời điểm hiện tại.
“EVFTA sẽ gỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan, giúp những doanh nghiệp châu Âu như Bosch xuất nhập khẩu hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng hơn. Những lợi ích mà phía châu Âu nhận được là cơ hội tiếp cận thị trường đang trên đà phát triển nhanh chóng như Việt Nam”, ông Guru Mallikarjuna, Tổng giám đốc Bosch Việt Nam nói.
Theo chia sẻ của ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các nhà đầu tư châu Âu rất mong chờ EVFTA, EVIPA được thông qua. “Hiệp định mang tính lịch sử này sẽ kích thích hoạt động thương mại của Việt Nam với thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu, tăng cường vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế và thu hút được nhiều nguồn đầu tư mới”, ông Nicolas nói.
Bữa tiệc không miễn phí
Cơ hội là rất lớn, nhưng luôn luôn có một câu hỏi đằng sau rằng, liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội đó?
Trên thực tế, sau hơn 30 năm thu hút FDI, Việt Nam - dù rất mong muốn và kỳ vọng - chỉ thu hút được một khoản vốn rất khiêm tốn từ các nhà đầu tư châu Âu. Lũy kế cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được trên 376 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng vốn đầu tư của châu Âu chỉ là 27,5 tỷ USD.
Trong số các thành viên EU, chưa quốc gia nào đứng trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, mặc dù Pháp, Đức là những nước có đầu tư lớn ra nước ngoài. Cũng không quá nhiều doanh nghiệp lớn từ châu Âu đầu tư vào Việt Nam. Cho đến nay, những cái tên được kể đến chủ yếu là Schneider Electric, Siemens, Ericsson, Bosch…
Từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp châu Âu chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam trên 400 triệu USD. Một phần là do ảnh hưởng của Covid-19, song ở góc độ khác, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, vấn đề nằm ở môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam. “Có lẽ các nhà đầu tư châu Âu lo ngại sự thiếu nhất quán, thiếu minh bạch của chính sách, lo chất lượng nguồn nhân lực, lo phải trả các chi phí không chính thức…”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Còn ông Gilles Godissart, phụ trách thương mại của Mènart (công ty chuyên cung cấp thiết bị và giải pháp xử lý chất thải đang muốn mở rộng thị trường ở Việt Nam) cho rằng, thủ tục hành chính còn rườm rà và điều này đôi khi trở thành “lực cản”.
Song câu chuyện có thể khác nếu EVFTA và EVIPA được thực thi hiệu quả. Bởi theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, EVFTA và EVIPA sẽ là “chất xúc tác” để Việt Nam cải cách thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, qua đó thu hút được nhiều hơn vốn FDI.
Khi EVFTA và EVIPA được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ, các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định điều này. “Rất nhiều cam kết toàn diện và cân bằng hơn được đưa ra tại EVFTA, đặc biệt là EVIPA, sẽ giúp Việt Nam không chỉ tăng thu hút đầu tư chất lượng cao từ châu Âu, mà còn là đầu tư nước ngoài nói chung”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói.
Không khó để nhận ra những cam kết toàn diện đó. Chẳng hạn, EVIPA cam kết đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; không trưng thu, quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài và các cam kết bảo hộ đầu tư khác…
“Đây là điều mà các nhà đầu tư trông đợi từ lâu. Nhiều khi, họ lo ngại chuyện bị trưng thu tài sản, lo không được đối xử công bằng và bảo hộ đầy đủ”, GS-TSKH. Nguyễn Mại nói.
Chưa kể, còn các cam kết khác về vấn đề lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ, mua sắm công…, điều mà lâu nay, các nhà đầu tư Mỹ, EU rất lo ngại.
Theo quy định tại EVFTA, Việt Nam và EU phải thực hiện một loạt cam kết về môi trường và chống biến đổi khí hậu, mức độ bảo vệ môi trường do mỗi bên tự quyết định, nhưng không được thấp hơn trong các hiệp định đa phương liên quan đến môi trường, phải tăng cường bảo tồn và quản lý tài nguyên thiên nhiên, chống chặt phá rừng, đánh bắt cá trái phép…
Cam kết về lao động là loại bỏ các hình thức lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, xóa bỏ lao động trẻ em, bình đẳng và xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp…
Ngoài ra, EVFTA dành một chương về minh bạch hóa với các yêu cầu chung nhất để đảm bảo môi trường pháp lý hiệu quả và có thể dự đoán được cho các chủ thể kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ở một khía cạnh khác, các quy định về xuất xứ hàng hóa tại EVFTA, cũng như tại các FTA khác, như CPTPP, cũng được cho là sẽ tạo áp lực để Việt Nam nhanh chóng phát triển công nghiệp hỗ trợ. Lâu nay, một trong những điều khiến các nhà đầu tư than phiền, đó là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển.
“EVFTA là ‘đường cao tốc’ nối Việt Nam với EU, nhưng đó không phải là con đường miễn phí”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói và cho rằng, vì không miễn phí nên phải đầu tư và một trong những điểm mấu chốt phải đầu tư là cải thiện nền kinh tế.
“Để làm được điều đó, Việt Nam phải tập trung vào 3 trụ cột: hoàn thiện thể chế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Lộc nhấn mạnh.
Bắt đầu cuộc đua mới
Cho ý kiến về EVFTA, EVIPA, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất việc cần phải phê chuẩn Hiệp định ngay tại kỳ họp này. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói, khi EVFTA được phê chuẩn sớm, Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn đầu tư từ châu Âu, đặc biệt là có thể đón được dòng vốn đang dịch chuyển mạnh mẽ sau Covid-19.
Nhưng thực tế, các FTA như EVFTA hay EVIPA chỉ là chất xúc tác ban đầu trong thu hút FDI. Nếu không thực hiện đúng cam kết, không đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư, thì có lẽ, họ cũng sẽ ra đi nhanh như khi đến.
“Khi 2 hiệp định có hiệu lực nghĩa là chúng ta phải bắt đầu cuộc đua, chứ không phải bắt đầu bữa tiệc. Nếu không chuẩn bị tốt, chúng ta có thể tụt hậu, ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình. Khi đó, bữa tiệc người khác sẽ hưởng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã nói thế.
Bàn chuyện đón vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, cơ hội không tự nhiên mà có và cũng đừng nghĩ vốn dịch chuyển khỏi Trung Quốc sẽ đương nhiên vào Việt Nam. Tất cả phụ thuộc vào hành động của chính Việt Nam. Với việc tận dụng các cơ hội từ EVFTA cũng vậy, phải chuẩn bị quỹ đất sạch, minh bạch hóa thông tin, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường cơ sở hạ tầng…
Bên cạnh đó, các cam kết về môi trường, lao động… cần sớm được luật hóa. Đáng mừng là, Quốc hội đang xem xét phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Trong khi đó, hàng loạt cải cách về thể chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh cũng đang được sửa đổi, bổ sung. Việt Nam còn đang xây dựng đề án về thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do Covid-19. Đồng thời, triển khai các chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về hợp tác đầu tư nước ngoài trong tình hình mới, vừa cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, vừa xây dựng chiến lược và các giải pháp đột phá để thu hút FDI thế hệ mới.
Những động thái trên, cộng thêm việc thực thi EVFTA và EVIPA, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sẽ giúp thu hút được nhiều hơn dòng FDI có chất lượng không chỉ từ châu Âu, mà còn là dòng đầu tư đang dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, theo đúng định hướng mới trong chiến lược thu hút FDI của Việt Nam.
Kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025
Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Kéo theo dòng chảy thương mại sẽ là dòng chảy đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ không chỉ tận dụng được thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, mà còn có thể vươn tới thị trường ASEAN, cũng như thị trường rộng lớn của các quốc gia thành viên các FTA mà Việt Nam đã ký kết.