Chính phủ chỉ đạo giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2022. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng, là phải làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương chưa phân bổ hết và chưa giải ngân vốn kế hoạch năm 2022.
Cụ thể, Chính phủ nghiêm khắc phê bình và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm đối với 12 bộ, cơ quan trung ương, 16 địa phương đến ngày 31/5/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao; 05 cơ quan trung ương đến nay chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%) như báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai danh sách các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bị phê bình trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công và trang tin điện tử của Bộ theo quy định.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bị phê bình có báo cáo kiểm điểm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 31/5, còn hơn 36.872 tỷ đồng, bằng 7,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa được phân bổ.
Trong đó, có hơn 7.417 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương của 11 bộ ngành, địa phương; 1.103 tỷ đồng vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương và hơn 28.351 tỷ đồng của 13 địa phương.
Nằm trong danh sách này có Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, các tỉnh Cao Bằng, Đồng Nai, TP.HCM, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế…
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ giải ngân sau 5 tháng đạt 22,37% kế hoạch, cao hơn con số 22,12% của cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong số này, có 5 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn (giải ngân 0%).
Danh sách này bao gồm Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam.
Việc nghiêm khắc phê bình các đơn vị này chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch được giao trong năm nay.
Cùng với đó, Chính phủ cũng yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục…
Yêu cầu rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt…; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm các vi phạm… cũng đã được Chính phủ đưa ra.
Cũng theo yêu cầu của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương phải triển khai nhanh, có hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương và dự toán ngân sách trung ương năm 2022 để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Đồng thời, không điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nguồn vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương tương ứng với số vốn kế hoạch năm 2021 không giải ngân hết, không được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân và bị hủy dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động bố trí lại trong kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 và các năm sau tương ứng với số vốn không giải ngân hết năm 2021, bị hủy dự toán cho các dự án bảo đảm bố trí đủ theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã được giao để hoàn thành đúng tiến độ.