Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được trong phát triển bền vững của ngành y tế?
Đến năm 2015, Việt Nam đã đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu phát triển bền vững liên quan đến ngành y tế, 1 chỉ tiêu gần đạt. Các chỉ tiêu của Việt Nam đạt được hầu hết đều tốt hơn, trong đó rất nhiều chỉ tiêu tốt hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu thực hiện.
So với năm 1990, Việt Nam đã giảm được 2/3 tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thể nhẹ cân và tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi; giảm 3/4 tỷ số tử vong mẹ; giảm hơn một nửa tỷ lệ người dân không được tiếp cận nước an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản; giảm tỷ lệ mắc HIV xuống dưới 0,3% dân số; đạt được mục tiêu kiểm soát sốt rét từ năm 2011 và vượt mục tiêu toàn cầu về kiểm soát bệnh lao; thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, bệnh phong.
Năng lực dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã được nâng lên. Đến nay, chúng ta đã ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm như Mers-CoV, Ebola, Zica; khống chế được các dịch bệnh cúm A (H5N1, H1N1)...; kiểm soát được bệnh lao, sốt rét, sởi, HIV/AIDS...
Công tác trình tiêm chủng được củng cố vững chắc, triển khai bền vững tại 100% xã, phường, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em luôn đạt trên 90%, với 12 loại vắc xin; tiêm chủng dịch vụ với 23 loại vắc-xin (trong tổng số 35 loại vắc-xin trên thế giới). Cùng với việc triển khai mạnh chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh dịch truyền nhiễm, nguy hiểm, Việt Nam đã thanh toán, loại trừ được bệnh phong, bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh; giảm mạnh tỷ lệ mắc, chết một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là điểm sáng về thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế.
Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế |
Phát triển bền vững ngành y tế hiện nay đứng trước những thách thức nào, thưa Bộ trưởng?
Mặc dù đã đạt được các thành tựu trong cải thiện các chỉ số sức khỏe của nhân dân, nhưng có rất nhiều khó khăn, thách thức trong tình hình mới mà Việt Nam phải đối mặt trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với nhiều tập quán sinh hoạt còn lạc hậu dẫn đến bất bình đẳng về tình trạng sức khoẻ, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Tử vong bà mẹ, trẻ em ở một số khu vực miền núi cao gấp 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng, đô thị và gấp gần 2 lần so với mức trung bình toàn quốc. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao, tuổi thọ trung bình thấp ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên.
Việt Nam đã nhận được nhiều nguồn vốn viện trợ, vay ưu đãi nước ngoài cho triển khai thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, tuy nhiên hiện nay, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nguồn vốn viện trợ, vay ưu đãi nước ngoài giảm mạnh. Chi tiêu công cho y tế còn hạn chế, tỷ lệ chi phí từ tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe còn cao (khoảng 40%).
Số bệnh viện tư nhân đạt 272 bệnh viện vào năm 2020, tương đương 20,04% tổng số bệnh viện.
Quy mô dân số lớn và tiếp tục gia tăng, Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới; tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao; vấn đề di cư tự do chưa được kiểm soát tốt tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế. Mô hình bệnh tật ở Việt Nam với đa gánh nặng của các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm, tai nạn, chấn thương, ngộ độc; một số dịch bệnh mới, bệnh lạ xuất hiện và diễn biến khó lường, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Hiện Việt Nam là một trong 6 quốc gia chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và là một trong 5 nước có rủi ro thiên tai cao nhất thế giới. Tình hình hạn hán, thiên tai, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; ô nhiễm thực phẩm do sử dụng các hoá chất cấm trong nuôi trồng, chế biến thực phẩm vẫn là một vấn đề nhức nhối chưa được kiểm soát hiệu quả.
Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tăng giao thương làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch xâm nhập từ nước ngoài và đặt ra nhiều thách thức như quản lý việc hành nghề của các cơ sở và nhân viên y tế nước ngoài ở Việt Nam, cạnh tranh trong sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ y tế trong nước với nước ngoài cũng như nguy cơ chảy máu chất xám trong ngành y tế ra các nước trong khu vực.
Các yếu tố hành vi, lối sống bất lợi cho sức khỏe như hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, sử dụng ma túy, mại dâm, chế độ ăn không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực vẫn là các vấn đề thách thức cần giải quyết.
Vậy, trọng tâm trong phát triển bền vững ngành y tế thời gian tới là gì, thưa Bộ trưởng?
Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung vào một số mục tiêu trọng tâm:
Thứ nhất, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và tàn tật; khống chế các bệnh truyền nhiễm, các bệnh gây dịch thường gặp và mới nổi, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm; bảo đảm an ninh y tế, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện, không để dịch lớn xảy ra.
Thứ hai, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, các tình huống khẩn cấp về y tế, từng bước kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh và nâng cao sức khỏe người dân.
Thứ ba, đầu tư phát triển mạnh mẽ hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu. Đổi mới căn bản y tế cơ sở cả về tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để đảm bảo việc quản lý, chăm sóc sức khỏe suốt vòng đời cho từng cá nhân, gia đình và cộng đồng; hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, già hóa dân số, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; bảo đảm sự phối hợp, kết nối và lồng ghép giữa các tuyến, giữa dịch vụ khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và dịch vụ phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phát triển y tế ngoài công lập, tăng cường phối hợp công - tư trong cung ứng dịch vụ y tế.
Thứ năm, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số.
Thứ sáu, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và một số chuyên khoa; chú trọng phát triển nhân lực y tế có trình độ cao; tiến tới đạt cơ cấu hợp lý giữa bác sỹ và điều dưỡng; bảo đảm cân đối giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.
Thứ bảy, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.
Thứ tám, phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước và thiết bị y tế; bảo đảm đủ thuốc, vắc-xin, trang thiết bị y tế với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất - kinh doanh theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.
Thứ chín, tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách cho phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, vùng nghèo, vùng khó khăn. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân cho y tế, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu, chất lượng cao. Hướng tới đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe.
Thứ mười, nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển hệ thống thông tin y tế đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế.
Bộ trưởng đánh giá thế nào về vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển bền vững ngành y tế?
Y tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng, trước đây chủ yếu khám, chữa bệnh cho các đối tượng có khả năng chi trả, nay đã có nhiều cơ sở y tế tư nhân tham gia khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Số bệnh viện tư nhân tăng từ 170 bệnh viện với 9.800 giường bệnh năm 2015 lên 272 bệnh viện năm 2020 (tương đương 20,04% tổng số bệnh viện) với khoảng 17.500 giường bệnh (6,16% tổng số giường bệnh, 1,72 giường trên 1 vạn dân) và trên 37.600 phòng khám tư nhân, góp phần đáng kể vào cung cấp dịch vụ y tế, cả khám chữa bệnh và phòng bệnh (cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú).
Về dược tư nhân, hệ thống bán buôn có khoảng trên 550 công ty dược phẩm trong nước chuyên phân phối thuốc 2.000 cơ sở bán buôn thuốc, 43.000 nhà thuốc bán lẻ (mật độ khoảng 2.123 người có một cơ sở bán lẻ thuốc), nhà thuốc trong 1.183 bệnh viện một số hệ thống chuỗi nhà thuốc.
Ngoài dịch vụ y tế, các doanh nghiệp còn đầu tư, cung cấp các dịch vụ khác trong cơ sở y tế như bảo vệ, vệ sinh, xử lý chất thải, thuốc, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng...
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân có quan điểm: “Nhà nước ưu tiên đầu tư ngân sách và có cơ chế, chính sách huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; tổ chức cung cấp dịch vụ công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, đồng thời khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu”.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025 đạt 30 giường bệnh trên 1 vạn dân, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 10%; đến năm 2030 đạt 32 giường bệnh trên vạn dân, tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%. Tuy nhiên, đến nay, mặc dù số bệnh viện tư nhân chiếm trên 20% tổng số bệnh viện cả nước, nhưng tỷ lệ giường bệnh tư nhân mới chỉ đạt khoảng 6% trong tổng số giường bệnh và chủ yếu cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú. Do vậy, vai trò của các doanh nghiệp là rất quan trọng trong phát triển bền vững ngành y tế trong thời gian tới.