Phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Tư duy mới, lộ trình mới

0:00 / 0:00
0:00
Rất nhiều điểm “mới” đã được nhắc đến tại Hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Phát triển Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Tư duy mới, lộ trình mới

Theo đó, tư duy mới, tầm nhìn mới, lộ trình phát triển mới, vận hội mới… chính là nền tảng quan trọng, giúp “vùng lõi nghèo” miền núi Bắc Bộ phát triển đột phá trong thời gian tới.

Tư duy mới là khi không chỉ Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách, mà từng địa phương đều hiểu rõ rằng, liên kết là để phát triển và muốn phát triển thì phải liên kết. Và rằng, tư duy liên kết chính là một bộ phận không thể tách rời của tư duy phát triển.

Cho đến giờ này, câu chuyện “63 nền kinh tế” trong một đất nước, hay chuyện tư duy nhiệm kỳ, mạnh ai nấy làm, tỉnh nào cũng muốn xây sân bay, cao tốc… trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, cạnh tranh lẫn nhau trong thu hút đầu tư vẫn là một điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam.

Nhưng câu chuyện tới đây có thể sẽ khác, có thể bắt đầu ngay từ Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ - “vùng lõi nghèo” của cả nước, “vùng trũng” trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Bởi cả trong Nghị quyết 11-NQ-TW của Bộ Chính trị, cả trong Chương trình Hành động của Chính phủ, cả trong đề xuất của các địa phương đều nhấn mạnh điều này.

“Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”. Câu ngạn ngữ ấy, cho đến nay vẫn mang tính thời sự, nhất là khi Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đang bàn cách bắt tay nhau phát triển kinh tế - xã hội.

Liên kết chặt chẽ là khi các bên cùng xây dựng một quy hoạch chung cho toàn vùng, với một trong những điểm nhấn quan trọng là hình thành chuỗi các dự án hạ tầng giao thông tạo sự kết nối nội vùng, liên vùng, kết nối với các cảng biển, các cửa khẩu quốc tế.

Liên kết để hình thành và phát triển hệ thống đô thị kết nối nội vùng với các đô thị lớn Vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới.

Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.

Có thể nói, chiến lược quy hoạch vùng thời kỳ mới sẽ giúp các địa phương chủ động liên kết chặt chẽ trong và ngoài vùng, bổ sung hỗ trợ nhau cùng chia sẻ lợi ích, cùng phát triển.

Chính sự liên kết toàn diện này sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực, để Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có thể phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác.

Tất nhiên, mối liên kết này sẽ lỏng lẻo, thậm chí kém hiệu quả nếu thiếu cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng. Nhưng ngay trước khi Hội nghị triển khai Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11-NQ-TW, Chính phủ đã quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng.

Đây là lần đầu tiên, Hội đồng Điều phối Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được thành lập. Điều này thể hiện quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về liên kết vùng như Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra. Đó là đổi mới tư duy phát triển, nhất là liên kết vùng, xây dựng cơ chế liên kết và điều phối phát triển vùng hiệu lực, hiệu quả.

Nghị quyết số 11-NQ/TW là nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng được ban hành trong 6 vùng kinh tế - xã hội sau quá trình tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị. Sẽ còn những nghị quyết tương tự được triển khai cho 5 vùng kinh tế còn lại.

Trong bối cảnh đó, câu chuyện của Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ là kinh nghiệm chung cho các vùng còn lại. Nếu liên kết vùng tại tất cả các vùng được đẩy mạnh, thì tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng và của cả nước chắc chắn sẽ có bước đột phá.

Tin bài liên quan