Phát triển vị thế tốt về phân phối, PGS đang gặt hái quả ngọt

Phát triển vị thế tốt về phân phối, PGS đang gặt hái quả ngọt

(ĐTCK) Thị phần lớn nhất thị trường miền Nam, nguồn cung cấp khí hóa lỏng (LPG) ổn định và việc thực hiện mở rộng các điểm bán lẻ trực tiếp, đẩy mạnh phát triển thị trường cùng thương hiệu đã giúp Công ty cổ phần Kinh doanh khí miền Nam - PVGas South (PGS) giữ vững vị thế, đồng thời đạt kết quả kinh doanh tích cực. 

Với kết quả kinh doanh 9 tháng khả quan, dự báo, năm 2017, PGS sẽ vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 125,2 tỷ đồng. Giá cổ phiếu PGS cũng phản ánh phần nào kết quả trên khi ghi nhận sự tăng giá ấn tượng hơn 59% từ đầu năm đến nay.

Mở rộng mạng lưới phân phối, kết quả kinh doanh khả quan

Trong giai đoạn từ năm 2014-2016, giá dầu sụt giảm liên tiếp đã khiến doanh thu của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành khí năm 2016 tiếp tục suy giảm so với 2 năm trước đó. Tuy nhiên, điều tích cực là mức độ suy giảm đã chậm lại và có tín hiệu khả quan khi giá dầu có dấu hiệu hồi phục từ cuối năm 2016.

Đối với riêng PGS, doanh thu năm 2016 (trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất, hơn 80% doanh thu là kinh doanh LPG, tiếp theo là khí nén (CNG) và bán bình khí) của Công ty giảm khoảng 16,5%, chỉ đạt 4.971,9 tỷ đồng. Ngoài tác động chung của ngành thì nguyên nhân chính là PGS thực hiện chuyển nhượng toàn bộ 55,2% vốn điều lệ tại CNG cho GAS. Mặc dù doanh thu giảm nhưng điểm tích cực cần chú ý chính là sản lượng tiêu thụ LPG của Công ty tăng gần 44 nghìn tấn, tương ứng mức tăng ấn tượng 18,6% trong năm 2016, đạt 279,6 nghìn tấn.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, sản lượng khí hóa lỏng LPG của Công ty đạt 211,397 tấn; bằng 75% cả năm 2016. Đối với khí nén CNG, sản lượng tiêu thụ hơn 89,76 triệu tấn, được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn nhờ nhu cầu cao của các khách hàng mới và sự mở rộng của các khách hàng hiện hữu, có thể kể đến như Samsung CE, Nhà máy Nam Kim 3; thép Tây Nam, thép TVP 2… và sự phát triển của giao thông vận tải cũng sẽ góp phần tăng trưởng sản lượng cho CNG. Sản lượng xăng dầu là gần 3,21 triệu lít; lượng vỏ bình gas đạt 316.054 vỏ bình. Qua đó, giúp PGS đạt doanh thu thuần 4.429 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần của Công ty có sự gia tăng từ năm 2015 và duy trì sự ổn định ở mức khoảng gần 19% đến nay, có được kết quả này nhờ PGS có lợi thế nguồn cung LPG ổn định từ công ty mẹ là GAS.

Chi phí bán hàng/doanh thu của PGS tăng từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2017, ở mức trên 15% so với tỷ lệ 9% trong năm 2014 và hơn 12% năm 2015 do Công ty thực hiện kế hoạch mở rộng thị phần bán lẻ, chú trọng định vị thương hiệu, tăng cường công tác tìm kiếm và chăm sóc khách hàng, trong đó, tìm kiếm khách hàng ở nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau để hạn chế rủi ro. Kết quả đạt được rất tích cực, từ 98 tổng đại lý năm 2015 tăng lên 115 tổng đại lý năm 2016. Và đến cuối tháng 9/2017, PGS đã sở hữu mạng lưới phân phối rộng với 134 tổng đại lý, 1.107 đại lý, 68 cửa hàng trực thuộc.

PGS sở hữu hệ thống kho chứa lớn, bao gồm 4 kho với sức chứa được đầu tư xây dựng trải dài từ miền Trung đến miền Tây Nam Bộ, tổng sức chứa của kho là 8.300 tấn. Trong tương lai, số lượng kho chứa sẽ còn tăng lên nữa, bao gồm kho Gò Dầu dung tích 4.000 tấn, kho Cần Thơ 1.600 tấn, kho Dung Quất 1.500 tấn, kho VT Gas Đồng Nai 1.200 tấn. Điều này không chỉ mang đến lợi thế về quy mô hoạt động mà còn giúp Công ty linh hoạt hơn trong việc quản lý lượng hàng tồn kho để hạn chế sự biến động giá LPG trên thị trường. Đi kèm với sự gia tăng về số lượng đại lý thì sản lượng tiêu thụ của Công ty cũng đã tăng ấn tượng từ năm 2016 và duy trì tốc độ trong 3 quý đầu năm 2017.

Theo chiến lược của PGS, Công ty sẽ đẩy mạnh việc mở thêm các cửa hàng mới, mục tiêu tăng khoảng 30% số lượng cửa hàng trong năm nay nhằm phân phối trực tiếp sản phẩm, thay vì đi qua kênh trung gian. Khi hoàn thành, việc mở rộng sẽ giúp PGS giảm sự phụ thuộc vào kênh trung gian và kiểm soát tốt hơn về chất lượng hàng hóa, giảm thiểu hàng nhái, hàng kém chất lượng, giảm chi phí chiết khấu, qua đó cải thiện hơn về hiệu quả kinh doanh.

Kết quả, 9 tháng đầu năm, PGS lãi trước thuế 107 tỷ đồng, hoàn thành 85% kế hoạch cả năm.

Trong 3 tháng cuối năm, HĐQT PGS đặt chỉ tiêu tổng doanh thu hơn 1.332 tỷ đồng. Về sản lượng, dự kiến lượng khí hóa lỏng LPG đạt 72.761 tấn; sản lượng khí nén CNG ước đạt hơn 31,26 triệu m3; xăng dầu ước đạt 790.976 lít. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 29,2 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch sản xuất – kinh doanh quý IV, dự kiến năm 2017, PGS sẽ ghi nhận 135,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và vượt 9% chỉ tiêu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

PGS cũng thực hiện tạm ứng cổ tức đợt 1/2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương với số tiền tạm ứng 50 tỷ đồng. Ngày đăng ký cuối cùng là 25/10 và ngày bắt đầu thanh toán cổ tức vào 10/11/2017.

Ngành khí còn nhiều dư địa phát triển

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán FPTS, trong ngắn hạn và trung hạn (1-2 năm), phân khúc LPG sẽ đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng khoảng 7,6%/năm do nhu cầu sử dụng LPG trong sinh hoạt là vấn đề thiết yếu. Đồng thời, nguồn cung của LPG sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung trong nước, do các nguồn nhập khẩu có giá rẻ và khá cạnh tranh từ Trung Quốc và Trung Đông.

Phân khúc trung nguồn vẫn duy trì lợi thế cạnh tranh và gia tăng sản lượng mặc dù giá khí có xu hướng tiếp tục giảm sâu do ảnh hưởng từ giá dầu. Bên cạnh đó, việc giá dầu giảm trong ngắn hạn sẽ giúp gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh LPG. Đầu tư vào các công ty thuộc các phân khúc sản phẩm đặc thù với tỷ suất lợi nhuận tốt như kinh doanh khí CNG và những doanh nghiệp có vị thế tốt về phân phối LPG như PGS, PGC…

Trong dài hạn (3-5 năm), ngành khí vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định, nhất là lĩnh vực kinh doanh LPG, bởi việc đầu tư và mở rộng cơ sở hạ tầng theo Quy hoạch phát triển ngành khí đến năm 2030 sẽ giúp mở rộng đối tượng khách hàng và phạm vi hoạt động của các phân khúc đang bị giới hạn về hệ thống phân phối như khí CNG, khí thấp áp. Đồng thời, việc giá dầu phục hồi trong dài hạn sẽ thúc đẩy thị trường khí thiên nhiên phát triển sôi động hơn.

FPTS cũng dự báo, giá dầu sẽ sớm chạm đáy vào giai đoạn 2017-2018 và phục hồi về mức giá ổn định 50-60 USD/thùng. Giá dầu tiếp tục giảm trong ngắn hạn sẽ làm hạ giá thành mua nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp kinh doanh LPG, giúp gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra, đối với phân khúc kinh doanh LPG, nghị định 19/2016/NĐ-CP được ban hành giúp gia tăng tính cạnh tranh và minh bạch cho thị trường sẽ tạo lợi ích cho người tiêu dùng. Đồng thời, quy định giá khí theo giá thị trường sẽ gia tăng tỷ suất lợi nhuận cho các doanh nghiệp trong ngành.

Hoạt động trong lĩnh vực được dự báo có nhiều dư địa để tăng trưởng,  trải qua hơn 16 năm hình thành và phát triển, PGS đã không ngừng lớn mạnh nhờ tận dụng các lợi thế sẵn có về nguồn hàng, tiềm lực tài chính, cộng thêm những chiến lược kinh doanh đúng đắn của Ban điều hành. Đến nay, Công ty đã vươn lên chiếm lĩnh thị trường, tạo được uy tín cũng như khẳng định được chỗ đứng của mình không chỉ với khách hàng mà còn cả các đối tác trong và ngoài nước, với nhiều loại sản phẩm chất lượng, trong đó sản phẩm LPG là thế mạnh.

Mục tiêu đến năm 2020, sản lượng LPG đạt mức 300.000 tấn/năm, trong đó sản lượng bình LPG dân dụng chiếm 40% thị phần. Tiếp tục phát triển thị trường CNG, đạt mức 175.000.000 Sm³/năm vào năm 2020. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ trung bình trên 20%/năm.

Tin bài liên quan