Xu hướng tất yếu
Ngày 5/4/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24a/2016/NĐ-CP về quản lý vật liệu xây dựng (có hiệu lực từ 26/5/2016), trong đó có quy định nhóm vật liệu xây dựng mới được xác định là những loại vật liệu xây dựng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, bao gồm vật liệu xây không nung, vật liệu xây dựng được sản xuất từ việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu hoặc nhiên liệu, vật liệu xây dựng có tính năng tiết kiệm năng lượng vượt trội so với vật liệu cùng chủng loại. Những sản phẩm này được gọi chung là vật liệu xây dựng thân thiện, hoặc vật liệu xây dựng xanh.
Nghị định 24a được đa phần doanh nghiệp, chuyên gia đánh giá là “mở đường” cho ngành vật liệu xây dựng phát triển, đặc biệt là vật liệu không nung và đây là một xu hướng tất yếu trong ngành xây dựng.
Theo bà Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Trung tâm Thiết bị môi trường và An toàn lao động thuộc Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải CFC, tạo ra 33% lượng khí thải carbonic và 40% phế thải rắn xây dựng. Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh ở Việt Nam là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, phát triển vật liệu không nung trong ngành xây dựng phục vụ định hướng phát triển một nền sản xuất ngày càng thân thiện với môi trường là yêu cầu cần thiết. Định hướng trong tương lai, vật liệu xây dựng không nung sẽ thay thế gạch đất sét nung, giúp tiết kiệm đất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; giảm thiểu khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính và ô nhiễm môi trường; giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả chung cho xã hội.
Ở góc độ khác, khi bàn về lợi ích của việc sản xuất các vật liệu xanh, bà Tâm cho biết, doanh nghiệp sẽ có rất nhiều lợi ích. Đó là tạo dựng hình ảnh doanh nghiệp tuân thủ pháp luật Việt Nam, tạo được lợi thế cạnh tranh, nhất là tại các thị trường khó tính, từ đó nâng cao uy tín trên thị trường và đặc biệt là tạo được lợi thế trong quyết định mua sắm của Chính phủ.
Khách hàng vẫn chưa mặn mà với vật liệu xây dựng xanh
Về phía người tiêu dùng, họ yên tâm về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe của chính mình; giảm nguy cơ mắc bệnh do sử dụng những sản phẩm có chứa chất gây hại, do vậy sẽ giảm các chi phí cho việc chữa bệnh; thể hiện trách nhiệm đối với xã hội thông qua tiêu dùng.
Còn phía cơ quan nhà nước, sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững; giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; giảm thiểu các chi phí đầu tư cho xử lý môi trường; phát triển kinh tế xanh sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng; đồng thời, bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nhìn rõ những lợi ích này, thời gian qua, Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách như: Luật Môi trường; Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch Hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020… nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó có định hướng phát triển các sản phẩm xanh.
Đặc biệt, Chương trình cấp nhãn sinh thái (nhãn Xanh) cho các sản phẩm vật liệu xây dựng đã được ban hành. Hiện Chương trình đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau, trong đó nhóm sản phẩm liên quan đến vật liệu xây dựng đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn là sản phẩm sơn phủ dùng cho xây dựng và vật liệu ốp lát gốm sứ xây dựng.
Cần có cơ chế rõ ràng
Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, những năm gần đây, vấn đề tiêu thụ vật liệu xây dựng xanh đã đạt mục tiêu tại Quyết định 567/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Tuy nhiên, việc sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng còn nhiều khó khăn, thách thức là do quá trình phát triển công trình xây dựng xanh chưa được quan tâm đúng mức cả về góc độ quản lý nhà nước và hoạt động doanh nghiệp.
Cùng với đó, do người dân chưa có thói quen trong sử dụng vật liệu xây dựng xanh, phía doanh nghiệp chậm đổi mới, đầu tư dây chuyền sản xuất mới, do những lợi ích mà sản phẩm vật liệu xây dựng truyền thống vẫn chiếm ưu thế.
Chính vì vậy, để phát triển vật liệu xây dựng xanh một cách bền vững, cần có các cơ chế rõ ràng. Một mặt khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất, một mặt có những cơ chế kiểm soát đối với vật liệu xây dựng truyền thống. Đồng thời, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng và xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong các công trình xây dựng trên có quy mô trên cả nước…
Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng, chúng ta vẫn còn thiếu chính sách khuyến khích sản xuất vật liệu xây dựng công trình xanh. Hơn nữa, chúng ta cũng thiếu cơ chế bắt buộc đối tượng sử dụng vật liệu xanh.
Theo ông Cung, trên thực tế, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện nay không ít, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký rất ít, bởi doanh nghiệp đăng ký cũng không được gì, mà lại mất tiền và mất thời gian…
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, nhiều nhà thầu cho rằng, chính sách mua sắm công hiện hành chưa có tiêu chí hay quy định nào ưu đãi rõ ràng với mua sắm xanh ngoài việc có yêu cầu kỹ thuật đối với gói thầu xây lắp hay mua sắm hàng hóa là tuân thủ pháp luật về môi trường.
Từ thực tế đó, theo bà Tâm, để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh, trước hết Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường mua sắm xanh. Xây dựng bộ tiêu chí nhãn xanh cho các sản phẩm còn thiếu, cũng như nâng cao nhận thức về vấn đề này.
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho chủ đầu tư, nhà sản xuất vật liệu, nhà thầu thi công... khi sử dụng vật liệu xanh. Chẳng hạn, miễn thuế VAT cho các sản phẩm, thiết bị liên quan đến công trình.
Theo ông Tới, giải pháp để tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng xanh trong xây dựng các công trình cần phải thực hiện hiệu quả các cơ chế cho doanh nghiệp phát triển. Những đơn vị đầu tiên thực hiện việc này đó là các doanh nghiệp phát triển nhà ở tại các đô thị, Nhà nước cần khuyến khích đầu tư theo hướng công trình xanh.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần ban hành đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm, đến việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiên. Đặc biệt, đối với công trình xanh cần đưa ra các tiêu chí và thông số đặc thù cụ thể. Có chế tài xử lý hành chính đối với các chủ thể xây dựng không thực hiện quy định sử dụng vật liệu xây dựng xanh.
Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến công tác về đào tạo chuyên ngành xây dựng về thiết kế, thi công sử dụng vật liệu xây dựng mới; công bố rộng rãi những hiệu quả thực tế của công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh để người dân và doanh nghiệp hình thành thói quen thay thế vật liệu xây dựng cũ bằng các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường trong các công trình xây dựng.
Ông Thái Duy Sâm, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, ngoài việc tăng cường hoạt động tuyên truyền, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích người sử dụng, bởi hiện nay bởi Thông tư 13/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình mới chỉ dừng lại ở mức độ hành chính, mà chưa có khuyến khích về mặt kinh tế cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục ban hành tiêu chuẩn hướng dẫn thiết kế, thi công, nghiệm thu các kết cấu xây sử dụng vật liệu xây không nung, đào tạo nguồn nhân lực cho sản xuất và sử dụng các sản phẩm vật liệu xây không nung vào các công trình, đặc biệt là lực lượng trực tiếp sản xuất và thi công.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com