Ông Nguyễn Văn Dũng

Ông Nguyễn Văn Dũng

Phát triển TTCK, cần phải dựa vào nhà đầu tư tổ chức

(ĐTCK) Trong cuộc trò chuyện với ĐTCK nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập TTCK Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt cho rằng, từ câu chuyện đổ vỡ của TTCK Trung Quốc hiện nay, có thể rút ra bài học kinh nghiệm với TTCK Việt Nam. Đó là cần thu hút nhiều NĐT tổ chức là những định chế tài chính mạnh, thay vì dựa chủ yếu vào NĐT cá nhân nhỏ lẻ, có xu hướng thích đầu tư kiểu may rủi.

Giới đầu tư toàn cầu đang chú ý đến diễn biến của TTCK Trung Quốc, khi các chỉ số của thị trường này sụt giảm tới 30% trong một thời gian ngắn, giá trị vốn hóa thị trường “bốc hơi’ gần 3.000 tỷ USD và khoảng 1.500 DN bị ngưng giao dịch. Ông có bình luận gì về nguyên nhân của sự đổ vỡ này của TTCK Trung Quốc? 

Chính phủ Trung Quốc đã có sự can thiệp quá sâu vào TTCK, xuất phát từ mong muốn thúc đẩy nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, tăng vai trò của thị trường vốn trong nền kinh tế. Chỉ trong vòng 1 năm qua, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất tới 4 lần, ngoài ra Trung Quốc cũng nới lỏng dòng vốn tín dụng vào TTCK. 

Với cơ cấu NĐT chủ yếu là cá nhân nhỏ lẻ lên tới 90 triệu người và đòn bẩy margin lên tới 232 tỷ USD, chỉ số chứng khoán Trung Quốc tính đến giữa tháng 6 đã tăng 150% trong vòng 1 năm, trong khi nền kinh tế đang chững lại và đi xuống do hậu quả vỡ bong bóng bất động sản, núi nợ khổng lồ của chính quyền địa phương và đầu tư FDI rút dần khỏi lục địa.

Việc thắt chặt dòng vốn cho vay margin khiến bong bóng chứng khoán Trung Quốc xì hơi. Từ giữa tháng 6 đến nay, TTCK Thượng Hải và TTCK Thâm Quyến đã giảm 28,2% và 38,1% tương ứng. 

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ bơm 483 tỷ USD để mua vào cổ phiếu, hỗ trợ thanh khoản thị trường. Ông bình luận thế nào về động thái này?

Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chặn đứng đà giảm của TTCK. Cụ thể, Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu Ngân hàng Trung ương nước này bơm 483 tỷ USD cho Công ty Tài chính chứng khoán (CSF), do Nhà nước sở hữu, để mua vào cổ phiếu; tiếp tục hạ lãi suất; cho tạm ngưng giao dịch nhiều cổ phiếu; ngừng niêm yết mới và cấm cổ đông lớn bán ra.

Những biện pháp can thiệp trên thể hiện sự lúng túng của Chính phủ Trung Quốc cũng như thể hiện tính chất của “nền kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Hoa”, chứ không phải nền kinh tế thị trường tự do như phương Tây.

Đáng chú ý là dù giảm điểm mạnh như vậy, nhưng chỉ số hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Thẩm Quyến hiện vẫn tăng 20,3% và 45,5% so với hồi đầu năm nay. 

Theo ông, từ câu chuyện đổ vỡ của TTCK Trung Quốc, có thể rút ra bài học gì cho TTCK Việt Nam?

Từ câu chuyện của Trung Quốc, có thể rút ra hai bài học cho TTCK Việt Nam. Thứ nhất, hãy để TTCK tự do phát triển, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào diễn biến thị trường.

Thứ hai, nên phát triển cơ sở NĐT, bao gồm NĐT tổ chức là những định chế tài chính mạnh, chiếm đa số trong cơ cấu tài sản của TTCK, thay vì dựa vào các NĐT cá nhân nhỏ lẻ, có xu hướng thích đầu tư kiểu may rủi. 

TTCK Việt Nam đã vận hành được 15 năm và đang phấn đấu nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Theo ông, để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển bền vững, cần những giải pháp căn cơ gì?

Theo nguyên lý thì thể chế nào sẽ sản sinh ra kiểu doanh nghiệp ấy và doanh nghiệp nào thì TTCK ấy. Theo tôi, giải pháp căn cơ để thúc đẩy TTCK như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ, đó là cải cách thể chế để thúc đẩy tính sáng tạo và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, xây dựng cộng đồng DN tư nhân chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK.

Ngoài ra, cần thiết lập kỷ cương trên thị trường, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và thương hiệu của thị trường niêm yết, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và vì mục tiêu phát triển bền vững của TTCK. 

Cùng với sự phát triển của thị trường, ở vị trí tổ chức tài chính trung gian là CTCK, ông đánh giá như thế nào về triển vọng TTCK Việt Nam năm 2015 và 5 năm tới?

Tôi tin vào triển vọng phát triển của TTCK Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Niềm tin đó được đặt trên cơ sở nền kinh tế đang có những tín hiệu khởi sắc rõ ràng. Tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm đạt 6,2%, vượt xa kỳ vọng, trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới bằng việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội mới. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp nước ngoài vào thị trường Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh.

Tôi cũng tin vào xu thế phát triển tất yếu của TTCK, đó là thực hiện vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, thay vì đặt vai trò đó vào ngành ngân hàng.

Những nền tảng trên cộng với sự sáng tạo, thông minh của dân tộc Việt, tôi tin, TTCK Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh trong 5  năm tới.

Cái được lớn nhất của TTCK là giúp tăng cường đáng kể sự minh bạch

Phát triển TTCK, cần phải dựa vào nhà đầu tư tổ chức ảnh 1

Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime Bank (MSBS)
 

TTCK Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong 15 năm qua trên tất cả các khía cạnh, từ quy mô thị trường, khung pháp lý và mức độ phức tạp của sản phẩm.

Cái được lớn nhất của TTCK Việt Nam là giúp tăng cường đáng kể sự minh bạch trong kinh doanh, giúp các doanh nghiệp tư nhân có gốc công ty gia đình với quy mô nhỏ lớn mạnh gấp nhiều lần và sẵn sàng tham gia hội nhập ở sân chơi quốc tế cũng như giúp đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các DNNN có quy mô lớn.

Sự thay đổi này tác động ngược lại tư duy quản lý của các cơ quan chức năng và hiện nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều chính sách thúc đẩy TTCK được ban hành. Sự thay đổi này hứa hẹn sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam có những chuyển biến tích cực trong những năm tới.

MSBS là CTCK thành lập sau và hiện nằm trong Top giữa với thị phần môi giới khoảng vị trí thứ 15 và có một đội ngũ tư vấn IB được thị trường đánh giá cao.

Chúng tôi tin tưởng vào chu kỳ lớn của nền kinh tế sau mỗi giai đoạn 10 năm và nhìn thấy những điểm hội tụ tiền đề thăng hoa của nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam trong 2 - 3 năm tới khi hàng loạt chính sách cởi mở bắt đầu có hiệu lực cũng như “cú hích” Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới.

Chúng tôi nhận thấy, xu hướng M&A trong ngành chứng khoán là rất rõ và cần thiết để nâng cao năng lực của các thành viên thị trường. Do vậy, nếu có cơ hội phù hợp, chúng tôi sẽ cân nhắc xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập với một doanh nghiệp có quy mô tương đồng để nhanh chóng tăng cường quy mô và sức cạnh tranh.

Cần khuyến khích NĐT chuyên nghiệp và dài hạn tham gia TTCK

Phát triển TTCK, cần phải dựa vào nhà đầu tư tổ chức ảnh 2

Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc CTCK ACBS
 

TTCK Việt Nam phát triển khá nhanh, từ 2 mã cổ phiếu (SAM, REE) niêm yết ban đầu đến nay đã có gần 700 mã trên 2 sàn, với giá trị vốn hóa tương đương 32% GDP, giá trị giao dịch trung bình trên 3.000 tỷ đồng/phiên…

Thành tựu trong 15 năm qua là đáng khích lệ, tuy nhiên, để TTCK phát triển ổn định và hiệu quả hơn, cần sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc xây dựng hạ tầng pháp lý cùng với các chính sách khuyến khích NĐT chuyên nghiệp và đầu tư dài hạn tham gia TTCK, khơi thông các nguồn vốn dài hạn trong xã hội tham gia thị trường theo mô hình các nước tiên tiến trên thế giới.

Ở các thị trường phát triển, nguồn vốn dài hạn từ các quỹ hưu trí được quản lý bởi các công ty quản lý tài sản chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng trong TTCK, trong khi ở nước ta chỉ có Quỹ bảo hiểm xã hội, được quản lý bởi cơ quan nhà nước và chưa tham gia TTCK.

Một nghịch lý là các cơ quan chức năng đều cam kết phát triển TTCK như một kênh huy động vốn dài hạn của nền kinh tế, nhưng NĐT dài hạn chịu khá nhiều thiệt thòi về thuế so với các kênh đầu tư khác.

Hiện tại, thu nhập cổ tức hoặc trái tức vẫn chịu thuế thu nhập cá nhân 5%, trong khi thu nhập từ lãi tiền gửi ngân hàng và bảo hiểm nhân thọ không phải chịu thuế tương tự.

Mức thuế này có vẻ thấp, nhưng ảnh hưởng lớn đến NĐT có ý định tích lũy tài sản trên TTCK, khiến TTCK khó cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Không hấp dẫn được nguồn vốn dài hạn, nguồn vốn ngắn hạn và đòn bẩy chiếm phần lớn giao dịch làm cho thị trường có xu hướng biến động mạnh và rủi ro hơn.

Mặt khác, để thu hút nguồn vốn dài hạn, ngoài việc khơi thông nguồn vốn, chúng ta cần phải đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường. Hiện tại, TTCK hầu như chỉ có cổ phiếu niêm yết. NĐT cá nhân khó có thể tiếp cận thị trường trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ do thị trường này không “bán lẻ”.

Ngay cả với cổ phiếu niêm yết, trên 80% vốn hóa cả hai sàn tập trung vào các ngành bất động sản, tài chính và dầu khí, vốn có các rủi ro đặc thù nên dù kinh tế phục hồi đều đặn trong 4 năm qua, thị trường vẫn không phục hồi tương ứng và NĐT không thể cơ cấu được danh mục đầu tư đa dạng, giảm thiểu rủi ro và hưởng lợi cùng sự phục hồi kinh tế.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2015 dỡ bỏ giới hạn sở hữu nước ngoài với phần lớn cổ phiếu thực sự là một bước đột phá và cho thấy sự cởi mở của Chính phủ trong việc kêu gọi nguồn vốn FII. Hiện tại, còn một số hạn chế về kỹ thuật như chưa có thông tư hướng dẫn, một số cổ phiếu hấp dẫn có thể không được ĐHCĐ thông qua việc mở “room”...

Tuy nhiên, những khó khăn này theo tôi là ngắn hạn, vì quan trọng là Chính phủ thực sự cởi mở và trọng thị trong việc kêu gọi vốn đầu tư gián tiếp như chúng ta đã làm trong việc kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp trong nhiều năm qua.

Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán đang được sửa đổi là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cấp tính chuyên nghiệp của thị trường lên chuẩn mực quốc tế. Việc cho phép giao dịch cùng phiên có lẽ nên áp dụng với tất cả các cổ phiếu, chứ không chỉ các cổ phiếu trong VN30 và HNX30. Điều này sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh và giảm thiểu rủi ro cho NĐT.

ACBS tập trung phát triển hệ thống giao dịch, phát triển sản phẩm để có thể cung cấp các sản phẩm mới đến NĐT sớm nhất, với chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, chúng tôi cố gắng đưa các sản phẩm khác của thị trường vốn (như trái phiếu doanh nghiệp) ra bán lẻ nhằm giúp NĐT, nhất là NĐT cá nhân, có thêm lựa chọn để đa dạng hóa danh mục của mình.

Tin bài liên quan