TP.HCM cần tập trung vào các thị trường và sản phẩm thế mạnh của Thành phố trong giai đoạn tới.

TP.HCM cần tập trung vào các thị trường và sản phẩm thế mạnh của Thành phố trong giai đoạn tới.

Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế và bài học cho TP.HCM

Nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, có nhiều con đường khác nhau trong việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) để TP.HCM và Đà Nẵng có thể học hỏi.

Tập trung vào thế mạnh của mình

Theo các chuyên gia, dựa trên bài học phát triển của các nước, quá trình xây dựng một IFC ở quy mô toàn cầu thường kéo dài 20 - 30 năm. Có nhiều con đường khác nhau để phát triển, nhưng thường chia thành 3 giai đoạn với 3 cấp độ.

Ở cấp độ đầu tiên (giai đoạn non trẻ), thường tập trung vào nhu cầu của thị trường tài chính nội địa. Hệ sinh thái chưa hoàn chỉnh do chưa có sự hiện diện, phát triển hoàn chỉnh của một số bên liên quan. Chính sách và hạ tầng chủ chốt chưa theo kịp thông lệ tốt nhất.

Chiếu theo đó, các chuyên gia cho rằng, TP.HCM đang ở giai đoạn đầu tiên của hành trình này, cần tập trung vào các thị trường và sản phẩm thế mạnh của Thành phố trong giai đoạn tới. Bởi ở cấp độ đầu tiên, các IFC trên thế giới tập trung chuyên môn hóa vào thị trường và các sản phẩm có thế mạnh cạnh tranh. Chẳng hạn, IFC Dubai ở giai đoạn đầu tiên tập trung thu hút các nhà quản lý đầu ngành thành lập văn phòng đại diện phục vụ khách hàng khu vực, sau đó mới thành lập khu vực tự do buôn bán hàng hóa, tập trung vào kim loại quý và nông nghiệp.

Còn IFC Singapore ở giai đoạn đầu tập trung nỗ lực để xây dựng ngành quản lý tài sản, cải tiến liên tục việc triển khai fintech sandbox (công nghệ tài chính có kiểm soát) và cấp giấy phép ngân hàng số.

Hồng Kông (Trung Quốc) thì tập trung thu hút các ngân hàng quốc tế hàng đầu, các tổ chức quản lý tài sản và các tổ chức trung gian khác; đồng thời duy trì thị trường mở, cạnh tranh, với cơ sở hạ tầng vững mạnh.

IFC Dublin (Ireland) chuyên môn hóa vào xuất khẩu các dịch vụ tài chính thương mại quốc tế thông qua việc triển khai các thỏa thuận ưu đãi về thuế và ban hành ưu đãi tín dụng thuế nghiên cứu và phát triển (R&D).

IFC London (Anh) triển khai cơ chế thử nghiệm fintech sandbox đầu tiên trên thế giới và tăng cường nỗ lực để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, từ đó đưa ra chiến lược ngành fintech nhằm củng cố vị trí trung tâm fintech toàn cầu.

Sang cấp độ 2 (giai đoạn phát triển), các IFC phát triển với cụm tài chính mạnh mẽ, cạnh tranh dẫn đầu khu vực. Thu hút nguồn vốn từ nhiều vùng tài phán khác nhau. Hệ sinh thái bên trung gian ngày càng trưởng thành, bao gồm một số quỹ dẫn đầu toàn cầu, ngân hàng… Thị trường vốn không ngừng trưởng thành với việc áp dụng ngày càng nhiều sản phẩm tiên tiến.

Tới cấp độ 3 cao nhất (giai đoạn trưởng thành), là lúc hệ sinh thái hoàn chỉnh, hoạt động nhịp nhàng giữa các bên trung gian và doanh nghiệp cốt lõi. Việc đầu tư cho phép môi trường quản lý đi theo thông lệ tốt nhất. Các IFC thiết lập được mạng lưới quốc tế vững chắc trong hệ thống tài chính toàn cầu. Thị trường tài chính đa dạng, chuyên sâu và dẫn đầu trong cải tiến sản phẩm mới.

Hiện có IFC New York, London, Hồng Kông (Trung Quốc), Tokyo, Dubai ở tầm vóc cao nhất này.

Cân nhắc áp dụng cho TP.HCM

Bài học quốc tế về lộ trình xây dựng và phát triển IFC rất cần cân nhắc để áp dụng cho TP.HCM.

Chẳng hạn, ở Singapore, đầu tiên, nước này lập Khu kinh doanh trung tâm (CBD Singapore) để tập trung các hoạt động thương mại và tài chính tại một địa điểm. CBD Singapore là tổ hợp của các dịch vụ về văn phòng, bất động sản nhà ở, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ và các dịch vụ giải trí khác. Những dự án phát triển mới của mỗi nhóm dịch vụ đều có kế hoạch và định hướng, đều phải dựa trên yếu tố không gian văn phòng và khu phức hợp có thể được xác định theo yêu cầu của thị trường và người thuê.

Sau đó, Singapore mới chuyển sang giai đoạn mở rộng tiểu khu trung tâm, nhằm cung cấp không gian để hỗ trợ sự phát triển của CBD thành một trung tâm kinh doanh toàn cầu.

Xuyên suốt các giai đoạn phát triển, các ngành mục tiêu mà CBD Singapore tập trung không chỉ là tổ chức tài chính, mà còn gồm dịch vụ liên quan đến kinh doanh, tổ chức chính phủ, tập đoàn đa quốc gia, du khách (kinh doanh và giải trí), cư dân và phát triển thêm đến nhóm khách tham quan (kinh doanh và giải trí) trong thời kỳ mở rộng.

Còn London thì xây dựng phát triển theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 tập trung trở thành khu tài chính, cung cấp không gian văn phòng. Giai đoạn 2 tập trung trở thành khu vực làm việc/sinh sống, mang lại cú hích nhỏ cho các ngành mới. Giai đoạn 3 xoay quanh ý tưởng trở thành trung tâm đổi mới, khoa học và công nghệ, tập trung vào không gian cho công nghệ và nghiên cứu.

Tại mỗi giai đoạn đều có mục tiêu và đối tượng riêng, từ đó làm định hướng cho việc phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ và tiện ích rõ ràng.

Từ kinh nghiệm quốc tế nêu trên, các chuyên gia cho rằng, tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức) nên đặt vị trí cốt lõi là IFC TP.HCM với các dịch vụ cao cấp và hệ thống hỗ trợ đầy đủ, đồng thời tạo liên kết với khu vực tài chính hiện hữu tại quận 1 và quận 3. Hình thành các trung tâm tài chính quốc tế dọc bờ sông Sài Gòn, đồng thời kết hợp với các quận trong vùng trung tâm lõi của Thành phố xây dựng các hoạt động dịch vụ tiện ích khác…

Kinh nghiệm xây dựng bộ máy quản lý IFC

Các chuyên gia cho rằng, cần thành lập một cơ quan đặc biệt quản lý IFC. Kiến nghị này xuất phát từ bài học thành công của IFC ở các nước.

Đơn cử, Singapore có Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore, có quyền ban hành các công cụ pháp lý để quản lý và giám sát các tổ chức tài chính, thiết lập các khuôn khổ, hướng dẫn áp dụng cho nhiều loại tổ chức tài chính khác nhau.

Còn IFC Dubai thành lập 3 cơ quan tài chính độc lập gồm: Cơ quan Dịch vụ tài chính Dubai, chịu trách nhiệm quản lý độc lập về tài chính và các dịch vụ liên quan; Cơ quan DIFC chịu trách nhiệm giám sát việc phát triển chiến lược và quản lý hoạt động; Tòa án DIFC chịu trách nhiệm về hoạt động tư pháp thương mại, dân sự tại IFC Dubai và các đơn vị thuộc trung tâm tài chính này.

Cơ quan quản lý IFC còn có vai trò đề xuất và thực hiện các cơ chế/chính sách đặc thù được thiết kế theo thông lệ quốc tế tốt nhất dành cho IFC. Đồng thời, cơ quan quản lý này có vai trò tăng cường hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Có thể thấy, việc hình thành và phát triển IFC không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế, mà còn củng cố vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Việc các nhà đầu tư lớn, hàng đầu thế giới (đặc biệt từ các nước phát triển) kinh doanh tại IFC TP.HCM sẽ giúp quảng bá hình ảnh của Việt Nam.

Các giá trị mà Trung tâm tài chính quốc tế mang lại

Phát triển Trung tâm tài chính quốc tế (IFC) không chỉ mang hiệu quả kinh tế, mà còn cải thiện việc phát triển nhân tài của đất nước. Singapore là điển hình khi thu hút các trường đại học quốc tế hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả, nước này đã có tới 60% lực lượng lao động tay nghề cao. Singapore cũng sử dụng các chính sách thuế thu nhập thuận lợi và trợ cấp tài chính hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực nước ngoài, biến quốc đảo này thành thỏi nam châm thu hút nhân tài hàng đầu thế giới, với hơn 3.000 chuyên gia đầu tư.

IFC còn đóng góp đáng kể vào việc thúc đẩy tài chính toàn diện và bảo mật tài chính, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cá nhân. Hồng Kông (Trung Quốc) là một minh chứng khi nâng cao nền kinh tế kỹ thuật số và các chính sách hỗ trợ, tập trung vào sự cân bằng giữa bảo vệ người tiêu dùng và đổi mới. Tất cả góp phần đưa Hồng Kông lên top 2 trong chỉ số tài chính toàn diện, top 4 về an toàn trong bảng xếp hạng rủi ro hoạt động tài chính và top 10 về xếp hạng tiếp cận vốn trên phạm vi toàn cầu.

IFC phát triển còn khuyến khích đổi mới và công nghệ. Minh chứng, Anh tạo ra chính sách thuế hấp dẫn cho các khoản đầu tư mạo hiểm, tích cực hỗ trợ các “vườn ươm” và khung sandbox. Kết quả là, đã có hơn 2.500 công ty fintech thành lập ở Anh, thu hút gần 12 tỷ USD đầu tư chỉ riêng trong năm 2021.

IFC còn đẩy mạnh việc phát triển hạ tầng. Điển hình, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã đầu tư vào các dự án hiện đại hóa sân bay, mở rộng tuyến tàu điện ngầm và cải thiện hạ tầng đường bộ. Nhờ đó, UAE vươn lên đứng thứ 4 trong bảng xếp hạng các thành phố đáng sống và làm việc nhất, thứ 2 về khả năng cạnh tranh hạ tầng cơ bản và thứ 20 về khả năng cạnh tranh hạ tầng công nghệ trên phạm vi toàn cầu.

Tin bài liên quan